Nước Anh vào năm ngoái cũng đã nếm trải cơn thịnh nộ của “bà hỏa”. Nhiều tranh cãi cho rằng thảm họa xảy ra là vì những lỗ hổng trong hệ thống quản lý.
“Hỏa ngục” 24 tầng
Giữa đêm khuya 14-6-2017, một góc thủ đô London sáng rực vì vụ hỏa hoạn tại cao ốc nhà ở xã hội Grenfell Tower, 24 tầng, nằm ở quận Kengsinton và Chelsea. Vụ hỏa hoạn kinh hoàng làm 71 người thiệt mạng và ít nhất 70 người bị thương, chưa kể đến những nạn nhân bị ảnh hưởng về sức khỏe do khói ngạt.
Trong 60 tiếng đồng hồ vụ hỏa hoạn diễn ra, London đã điều động hơn 70 xe chữa cháy và 20 xe cứu thương trên toàn thành phố đến hiện trường. Các lực lượng như trực thăng cứu hộ, chuyên gia về tình huống khẩn cấp và cảnh sát thủ đô cũng tham gia kiểm soát tình hình vụ hỏa hoạn. Tổng cộng có hơn 250 lính cứu hỏa và 100 nhân viên y tế khẩn cấp được huy động đến Grenfell Tower. Theo hãng tin AP, Grenfell Tower là vụ cháy gây thương vong lớn nhất nước Anh kể từ đầu thế kỷ 20 đến nay. Trước đó, vào năm 1985, một vụ hỏa hoạn tại sân vận động TP Bradford từng làm 58 người thiệt mạng.
Vụ cháy tại quận Kensington và Chelsea cũng là một thảm kịch được báo trước. Theo truyền thông Anh, các cư dân tại tòa nhà đã nhiều lần chỉ trích hội đồng quận và ban quản lý tòa nhà về các sai sót trong công tác bảo trì tòa nhà và phòng chống cháy nổ. Tòa nhà này cũng chỉ có duy nhất một cầu thang bộ do được xây từ năm 1967 với kiểu kiến trúc thiếu khả năng hỗ trợ ứng phó khi hỏa hoạn.
Nhân viên cứu hỏa làm việc tại hiện trường tòa nhà Grenfell Tower bốn ngày sau vụ cháy làm 70 người thiệt mạng. Ảnh: REUTERS
Các chương trình giáo dục về phòng, chống hỏa hoạn được đẩy mạnh tại Mỹ. Ảnh: GETTY
Không đặt giá cả trên chất lượng
Tháng 9-2017, chính phủ Anh chính thức mở điều tra vụ cháy tại Grenfell Tower. Các báo cáo cho biết đám cháy bùng phát từ một căn hộ ở tầng bốn do một tủ đông bị chập điện. Tuy nhiên, yếu tố biến tòa nhà 129 căn hộ trở thành “hỏa ngục” chính là lớp phủ ngoài tòa nhà do nhà thầu lựa chọn lại được làm bằng hợp chất nhôm quá dễ cháy, tờ The Guardian vào tháng 10-2017 dẫn lại nội dung buổi điều trần đầu tiên về chứng cứ vụ hỏa hoạn. Đơn vị thay mặt Hội đồng quận Kensington và Chelsea quản lý tòa nhà là KCTMO (Tổ chức Quản lý nhà ở Kensington và Chelsea), khi cho cải tạo tòa nhà vào năm 2012 đến 2016 đã thay đổi nhà thầu để tiết kiệm khoản chi phí 2,5 triệu bảng Anh. Chính vì lý do này mà đám cháy tầng thấp đã bùng phát nhanh chóng lên các tầng trên dù lính cứu hỏa dập tắt thành công đám cháy ban đầu ở tầng bốn. Theo mô tả của các nhân viên cứu hỏa tại hiện trường, lửa đã bén ra lớp tường bên ngoài tòa nhà và leo lên các tầng trên với tốc độ kinh hoàng, biến tòa nhà 24 tầng thành một ngọn đuốc khổng lồ giữa thủ đô London.
Không những vậy, Bộ trưởng Nhà ở tại Anh Sajid Javid ngày 15-3 cho biết các thí nghiệm của cơ quan điều tra nhận thấy cánh cửa căn hộ tại Grenfell Tower được làm bằng vật liệu có khả năng chống cháy chỉ bằng 1/2 mức yêu cầu, chỉ mất 15 phút để bốc cháy thay vì 30 phút. Tờ The Atlantic và tờ The New York Times cho rằng nhu cầu nhà ở xã hội tăng cao ở Anh nói riêng và trên thế giới nói chung đã tạo nên văn hóa xây dựng chú trọng chi phí hơn là mức độ an toàn của các tòa nhà.
Trong một báo cáo gửi Quốc hội Anh vào tháng 12-2017, kỹ sư hóa học Judith Hackitt đã kêu gọi chính phủ điều chỉnh lại hệ thống quản lý xây dựng nhà ở xã hội của nước này. Theo bà, nhiều chuyên gia hóa học đã lo ngại rằng các cuộc kiểm tra vật liệu xây dựng không thỏa đúng những điều kiện thực tế và dễ dẫn đến cháy nổ ngoài dự đoán. Trong khi đó, có những ý kiến cho rằng quy định quản lý của Anh về xây dựng là không cần điều chỉnh. Tình trạng các sai phạm về PCCC ngày càng tăng có thể do nhiều năm Anh cắt giảm ngân sách chính phủ khiến cho công tác kiểm tra tiêu chuẩn PCCC bị thiếu hiệu quả, tờ The New York Times dẫn lời một chuyên gia tại Liên đoàn Các nhân viên cứu hỏa.
Nhật Bản: Luật vẫn có, vi phạm vẫn đầy
Sau vụ cháy kinh hoàng tại London vào tháng 6-2017, truyền thông Nhật Bản cũng xôn xao nhìn lại nguy cơ cháy nhà cao tầng tại nước này với ánh mắt đầy lo âu.
Tờ Mainichi dẫn một báo cáo của Sở PCCC Tokyo cho biết trong số 576 tòa nhà cao tầng được thanh tra ở thủ đô Nhật Bản năm 2016 thì có đến 80% bị phát hiện vi phạm luật PCCC. Còn Bộ Nội vụ và Thông tin Nhật Bản cho biết riêng trong năm 2016 cả nước đã xảy ra 477 vụ cháy tại các tòa nhà cao tầng. Theo luật PCCC của Nhật Bản, những tòa nhà cao trên 31 m (khoảng 11 tầng lầu) thì được xem là nhà cao tầng và trên 96 m thì được xem là “siêu cao tầng”. Mô hình nhà ở dạng này đã nở rộ tại Tokyo nhiều năm qua để giải quyết bài toán nhà ở cho thành phố có mật độ dân cư đông đúc hàng đầu thế giới, theo Mainichi.
Theo luật thì các tòa nhà cao tầng ở Tokyo phải có “nhân viên quản lý phòng, chống cháy”, được giao trách nhiệm lên kế hoạch di tản người dân, các kế hoạch phòng, chống cháy nổ và tổ chức diễn tập PCCC. Tuy nhiên, có đến 1.025 trường hợp tòa nhà cao tầng không có người đảm nhiệm công việc này, theo tờ Mainichi. Trong thảm họa tại Grenfell Tower, số thương vong kỷ lục một phần vì cư dân không được di tản hiệu quả và nhanh chóng. Yếu tố này khiến truyền thông Nhật Bản đặc biệt lo ngại trước phát hiện của Sở PCCC Tokyo.
Tờ Japan Times cho biết sau thảm họa cháy tòa nhà dân sinh 20 tầng ở Hiroshima vào năm 1996, nhiều tòa nhà tại Nhật Bản đã đưa ra quy định không cho phơi quần áo hoặc chứa đồ dễ cháy ngoài hiên nhà. Quy định này một phần nhằm giữ mỹ quan đô thị nhưng cũng là biện pháp quan trọng ngăn đám cháy lan nhanh giữa các tầng nhà. Tuy nhiên, theo phản ánh của tờ Japan Times, tình trạng “chiếm dụng” hiên nhà vẫn tiếp diễn bất chấp rủi ro hỏa hoạn.
Hai cây bút chuyên về vấn đề nhà ở của tờ Japan Times là Philip Brasor và Masako Tsubuku đưa ra lời khuyên rằng các tòa nhà cao tầng tại Nhật Bản cần chú trọng trang bị thang máy khẩn cấp với dây cáp có khả năng chịu nhiệt cao hơn bình thường cho các lực lượng PCCC phản ứng kịp thời. Các cửa chống cháy cũng cần được tự động hóa cao. Đồng thời, hiên nhà của các căn hộ nên được trang bị sẵn rìu hoặc các công cụ có thể phá vách ngăn hiên nhà giữa các căn hộ. Biện pháp này dành cho trường hợp lối đi chính ở các tầng lầu ngập khói hoặc lửa quá lớn, không thể di chuyển.
PCCC nâng lên tầm quốc gia Năm 1973, Richard E. Bland, Chủ tịch Ủy ban Phòng chống và kiểm soát cháy Quốc gia của Quốc hội Mỹ, đã gửi đến Nhà Trắng một bản báo cáo về hậu quả đáng báo động của các vụ hỏa hoạn đối với kinh tế-xã hội Mỹ. Sau hai năm nghiên cứu, bản báo cáo chỉ ra rằng mỗi năm nước Mỹ tiêu tốn đến 11 tỉ USD nguồn lực vì các vụ hỏa hoạn. Có đến 12.000 người thiệt mạng vì hỏa hoạn và hàng chục ngàn người khác bị tổn thương về tinh thần và thể xác vì các thảm họa này. Theo bản báo cáo chấn động mang tên “America Burning” (tạm dịch: Nước Mỹ đang bùng cháy), ước tính cứ mỗi giờ đồng hồ nước Mỹ lại đứng trước nguy cơ xảy ra khoảng 300 vụ cháy, có khả năng gây thiệt hại lên đến gần 300.000 USD, đe dọa ít nhất một người chết và 34 người chịu thương tật hoặc biến dạng vì hỏa hoạn. Tổng thống Mỹ Gerald Ford vào năm 1974 đã ký quyết định thành lập Cơ quan Phòng chống và kiểm soát cháy Quốc gia, nay đã đổi tên thành Cơ quan Chữa cháy Quốc gia (USFA), được tổ chức hoạt động độc lập. Cùng với đó, Mỹ cho thông qua Đạo luật Phòng chống và kiểm soát cháy liên bang, quản lý một phạm vi rộng nhiều yếu tố và ngành nghề có khả năng gây cháy hoặc tác động đến hoạt động chữa cháy. |