Từ khi có mái che, nhiều hoạt động tập thể được tổ chức dưới sân trường - Ảnh: Như Hùng
Thầy Trầm Quốc Dũng, hiệu trưởng nhà trường, kể bảy năm trước trường chuyển qua địa điểm mới khá rộng với những dãy phòng học khang trang nhưng sân trường lại thiếu bóng cây. “Trường xây theo hướng đông - tây. Sáng cũng như chiều nắng rọi thẳng vào các phòng học nóng rát. Giờ học mà thầy trò mồ hôi nhễ nhại. Trường có trồng cây nhưng phía dưới là đất sét cây không lớn nổi. Sân trường quá nắng, không có cây xanh nên học trò không có chỗ chơi” - thầy Dũng nhớ lại.
Những ngày ấy, để chống chọi với nắng nóng, các lớp học của Trường THPT Lý Thường Kiệt phải... may rèm che ngoài cửa lớp. “Sáng kéo rèm che hướng đông. Chiều kéo rèm che hướng tây” - thầy Dũng kể. Cô Dạ Lý, phó hiệu trưởng nhà trường, kể thêm: “Tội nghiệp tụi nhỏ. Giờ giải lao các em cũng ngồi trong lớp chứ không xuống sân trường vì nắng quá. Giáo viên đến tiết dạy cũng đi vòng qua các dãy phòng học để tránh nắng”.
Khi ấy, thầy Dũng bảo các phương án làm mái che bằng tôn, dù, bạt... cũng được đưa ra bàn thảo nhưng không khả thi vì sân trường rộng 3.000m2. “Nhưng không lẽ để học trò chịu nắng?” - thầy Dũng trăn trở. Cho đến một lần khi đến khu du lịch Đại Nam (Bình Dương), cảnh tượng đập vào mắt thầy hiệu trưởng: những tấm lưới che mát và những hàng cây phía dưới. “Tôi xem thì thấy họ dùng lưới như những vườn trồng phong lan hay dùng. Lưới này che ở trường vừa có bóng mát cho học sinh, cây trồng ở sân trường vẫn không bị che khuất” - thầy Dũng tính toán.
Về trường, thầy hiệu trưởng gặp ngay ban đại diện cha mẹ học sinh để bàn phương án che lưới toàn bộ sân trường. Một vài người lắc đầu. Thầy Dũng đưa ban đại diện ra sân trường, đào sâu xuống đất 1m. “Dưới này toàn là đất sét. Cây trồng bảy năm rồi không lớn. Cứ đợi bóng cây thì không biết bao giờ” - thầy Dũng thuyết phục. Sau đó, những cột sắt cao 12m được dựng trong sân trường và lưới đặt mua tại TP Tây Ninh được xe chở đến. Lắp đặt suốt hai tháng, bóng mát phủ khắp sân trường. “Tổng chi phí hết 230 triệu đồng. Trong đó, 1/3 từ quỹ vận động doanh nghiệp của trường, còn lại phụ huynh học sinh đóng góp” - thầy Dũng cho biết.
Sáu tháng nay kể từ khi che lưới, thầy trò Trường THPT Lý Thường Kiệt không còn cảnh vừa dạy vừa kéo rèm. Giờ giải lao, áo trắng của những cô cậu học trò chạy nhảy, rượt đuổi khắp sân. Những lớp thể dục thì chơi cầu lông, đá bóng, đá cầu. Có bóng mát, Đoàn thanh niên lại tổ chức những buổi “chơi mà học” tại sân trường. Sân trường dịu mát hơn nhờ áo trắng học trò tung tăng...
Theo HÀ BÌNH (TTO)