Trước tết Nguyên đán năm 2013, chị Hồng mua được một thùng loa cũ. Ngày 21-3-2014, vợ chồng chị phá chiếc loa để cân ký bán thì phát hiện bên trong nhiều xấp tiền Yen Nhật, mỗi tờ mệnh giá 10.000, tổng cộng là 5 triệu Yen.
Chị Hồng nộp số tiền này lên công an, theo pháp luật, sau một năm nếu không tìm ra chủ nhân thực sự thì chị Hồng sẽ được hưởng món tiền này.
Khi thời hạn một năm chỉ còn vài ngày nữa là kết thúc, ngày 25-4, bất ngờ bà Phạm Thị Ngọt(40 tuổi) ngụ xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn (TP.HCM) xuất hiện và tự nhận mình là chủ nhân của món tiền 5 triệu Yen. Bà còn trưng ra nhiều chứng cớ, giấy tờ chứng minh chồng của bà, ông Efolayan Caleb (người gốc Nigeria), trong thời gian ở Việt Nam đã giấu tiền trong thùng loa cũ.
Bà Ngọt (bên trái) bất ngờ xuất hiện vào phút chót, tự nhận là chủ nhân 5 triệu Yen
Tuy nhiên, qua điều tra xác minh, Phòng quản lý xuất nhập cảnh (PA72) Công anTP.HCM chỉ ra ông Caleb đã dùng hộ chiếu giả, giả mạo giấy tờ để xin cấp thẻ tạm trú. Do đó, yêu cầu xác nhận là chủ nhân món tiền 5 triệu Yen của bà Ngọt bị bác bỏ.
Nhiều bạn đọc thắc mắc hành vi của bà Ngọt có bị xử lý trách nhiệm hay không. Trong buổi giao lưu trực tuyến tại tòa soạn báo Pháp Luật TP.HCM sáng 3-6, luật sư Hà Hải, Đoàn luật sư TP.HCM, đã lý giải rõ trường hợp này.
Luật sư Hà Hải - Đoàn luật sư TP.HCM. Ảnh: Huyền Vi
Theo quy định của Pháp luật, hành vi của bà Ngọt không đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính vì cung cấp chứng cứ không phù hợp.
Nhìn xa hơn, nếu sau này chủ nhân thực sự của số tiền trên xuất hiện, thì theo quy định tại khoản 2 điều 239 Bộ luật Dân sự chị Hồng cũng không có nghĩa vụ phải hoàn trả lại tiền do thời hiệu xin nhận lại tài sản của người đó đã hết.