Chi phí tuân thủ pháp luật cần chú ý hơn ở khâu thi hành

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 23-9, Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp tổ chức hội thảo đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ “Nghiên cứu xây dựng cơ chế đánh giá chi phí tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay”. Chi phí tuân thủ pháp luật được nhắc tới tại hội thảo nhằm mục đích kiểm soát để cải thiện chất lượng thể chế, cải thiện thứ bậc cạnh tranh quốc gia.

Tại hội thảo, khái niệm và các tiêu chí tính toán chi phí tuân thủ pháp luật đã được nêu ra. Chẳng hạn, theo hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), chi phí tuân thủ pháp luật bao gồm cả chi phí mà doanh nghiệp phải gánh chịu và chi từ ngân sách nhà nước để tổ chức thi hành pháp luật. Riêng với doanh nghiệp, rất nhiều khoản phải bỏ ra để thực hiện quy định cụ thể, chi cho lao động trực tiếp, chi phí thiết bị, nguyên vật liệu, dịch vụ thuê ngoài…

Tuy nhiên, đây chỉ là liệt kê đầu mục. Vấn đề quan trọng hơn là làm thế nào để kiểm soát chất lượng đánh giá chi phí tuân thủ. “Theo quy định hiện hành của ta, cơ quan chủ trì dự thảo tự xây dựng báo cáo về chi phí tuân thủ thủ tục hành chính nhưng đây chỉ là tài liệu tham khảo, không có quy định thẩm tra bắt buộc. Còn như Malaysia, có riêng cơ quan năng suất được chính phủ giao thẩm quyền rà soát quy định pháp luật để loại bỏ quy định cũng như chi phí tuân thủ không cần thiết” - TS Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, chia sẻ.

Bình luận thêm, luật sư Nguyễn Hưng Quang, người có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu về chi phí tuân thủ từ thời Đề án 30, cho rằng Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm của Malaysia. “Chính phủ nên ban hành bộ tiêu chí kiểm soát chi phí tuân thủ pháp luật và giao cho Bộ Tư pháp làm cơ quan đầu mối kiểm soát chất lượng báo cáo đánh giá tác động của văn bản quy phạm, bao gồm một mục riêng về chi phí tuân thủ” - luật sư Quang nói.

Góp ý kiến trong hội thảo trực tuyến, một luật sư hoạt động ở TP.HCM cho rằng kiểm soát chi phí tuân thủ pháp luật không nên chỉ khoanh trong công tác xây dựng pháp luật mà cần chú ý hơn ở khâu thi hành. Như phí trong thủ tục đăng ký kinh doanh, theo quy định chỉ 100.000 đồng cho mỗi hồ sơ. Song trên thực tế, người dân phải chi nhiều khoản khác thì mới lập được doanh nghiệp.

“Chúng tôi đang tư vấn cho một công ty của Đức, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 cần cơ cấu lại tổ chức, đóng cửa văn phòng ở một số tỉnh, thành. Cùng một nội dung, công việc nhưng yêu cầu mỗi tỉnh mỗi khác. Câu chuyện thực tế nó vậy” - luật sư này nói.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM sau hội thảo, TS Nguyễn Văn Cương cho biết những năm gần đây Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia tới từng chỉ số cụ thể, trong đó có chỉ số tuân thủ pháp luật. Đề tài khoa học cấp bộ mà Viện Khoa học pháp lý đang triển khai nằm trong nhiệm vụ ấy, mong muốn nghiên cứu cơ chế đánh giá chi phí tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay.

Đề án 30 và chi phí tuân thủ pháp luật

Đánh giá sự tác động của văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) là yêu cầu bắt buộc kể từ năm 2008, khi Luật Ban hành VBQPPL ra đời thay cho Luật Ban hành VBQPPL 1996. Đây cũng là thời điểm Chính phủ triển khai Đề án 30 về đơn giản hóa thủ tục hành chính giai đoạn 2007-2010. Theo đó, định lượng hóa tác động của mỗi thủ tục hành chính theo chuẩn mực quốc tế được du nhập vào Việt Nam dưới hình thức tính toán chi phí tuân thủ.

Giá trị của Đề án 30 không chỉ là số lượng thủ tục hành chính được rà soát, cắt giảm ở giai đoạn ấy mà còn góp phần thúc đẩy sự ra đời Nghị định 63/2010 về kiểm soát thủ tục hành chính và Luật Ban hành VBQPPL 2015. Lần đầu tiên, tính toán chi phí tuân thủ là yêu cầu bắt buộc với việc soạn thảo VBQPPL có chứa đựng thủ tục hành chính.

Tuy nhiên, thủ tục hành chính chỉ là một phần của pháp luật. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ở nhiệm kỳ trước và Thủ tướng đương nhiệm Phạm Minh Chính trong nhiều phát biểu đã đặt ra yêu cầu cao hơn là phải tính toán, cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho người dân và doanh nghiệp. Chính phủ coi đây là giải pháp nâng cao năng lực thể chế, qua đó cải thiện thứ hạng quốc gia trong các bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu. Bộ Tư pháp được giao nhiệm vụ đầu mối nghiên cứu vấn đề này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm