Trong lĩnh vực lao động, khoản 1 Điều 33 BLTTDS 2015 quy định tòa án có thẩm quyền giải quyết yêu cầu tuyên bố hợp đồng lao động (HĐLĐ), thỏa ước lao động tập thể vô hiệu.
Bỏ quyền của thanh tra lao động
Theo Điều 401 BLTTDS 2015, người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện tập thể lao động, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền yêu cầu tòa tuyên bố HĐLĐ, thỏa ước lao động tập thể vô hiệu khi có căn cứ theo BLLĐ.
Trong khi đó, khoản 1 Điều 51 BLLĐ 2012 và Nghị định 44/2013 của Chính phủ (quy định chi tiết thi hành một số điều của BLLĐ về HĐLĐ) lại quy định thêm ngoài tòa án thì thanh tra lao động cũng có quyền này. Như vậy, quy định giữa BLTTDS 2015 và BLLĐ 2012, Nghị định 44/2013 chưa tương thích. Do đó, cần sửa BLLĐ 2012, Nghị định 44/2013 theo hướng chỉ mình tòa có quyền này.
Theo BLTTDS 2015, chỉ tòa án mới có quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu. Ảnh minh họa: Một phiên tòa lao động. Ảnh: T.TÙNG
Người tiêu dùng khởi kiện, có phải nộp tạm ứng án phí?
Khoản 1 Điều 317 BLTTDS 2015 quy định tòa áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án khi có đủ các điều kiện sau: Vụ án có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng, đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ. Tài liệu, chứng cứ đầy đủ, bảo đảm đủ căn cứ để giải quyết vụ án và tòa án không phải thu thập tài liệu, chứng cứ. Các đương sự đều có địa chỉ nơi cư trú, trụ sở rõ ràng. Không có đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài, trừ trường hợp đương sự ở nước ngoài và đương sự ở Việt Nam có thỏa thuận đề nghị tòa giải quyết theo thủ tục rút gọn hoặc các đương sự xuất trình được chứng cứ về quyền sở hữu hợp pháp tài sản và có thỏa thuận thống nhất về việc xử lý tài sản.
Trong khi đó, khoản 2 Điều 41 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 (LBVQLNTD 2010) quy định: Vụ án dân sự về BVQLNTD được giải quyết theo thủ tục đơn giản quy định trong pháp luật về tố tụng dân sự khi có đủ các điều kiện: Cá nhân là người tiêu dùng khởi kiện. Tổ chức, cá nhân trực tiếp cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng bị khởi kiện. Vụ án đơn giản, chứng cứ rõ ràng. Giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng.
Như vậy, TAND Tối cao cần ban hành nghị quyết hướng dẫn thi hành BLTTDS 2015 theo hướng ghi nhận thủ tục đơn giản theo quy định của LBVQLNTD 2010 chính là thủ tục rút gọn theo BLTTDS 2015.
Điều 212 BLTTDS 2015 quy định tòa ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự về thủ tục hòa giải nhưng LBVQLNTD 2010 chưa có quy định. Do đó, TAND Tối cao cũng cần ban hành nghị quyết hướng dẫn chi tiết cho phép công nhận giá trị của biên bản hòa giải thành được lập theo quy định của LBVQLNTD 2010.
Bộ Tư pháp cũng kiến nghị TAND Tối cao ban hành nghị quyết liệt kê rõ trường hợp được miễn tạm ứng án phí, lệ phí tòa án trong đó có trường hợp người tiêu dùng khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền lợi chính đáng. Bởi lẽ BLTTDS 2015 quy định nghĩa vụ nộp tạm ứng án phí, lệ phí nhưng LBVQLNTD 2010 quy định người tiêu dùng khi kiện để bảo vệ lợi ích chính đáng không phải nộp tạm ứng án phí, lệ phí…
Những khoảng trống pháp lý Theo Bộ Tư pháp, cần xây dựng và ban hành Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng của TAND. Bởi lẽ trong BLTTDS 2015 có quy định về các hành vi cản trở hoạt động tố tụng dân sự mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính như cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của người tiến hành tố tụng; cố ý không có mặt theo giấy triệu tập; vi phạm nội quy phiên tòa... Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định chi tiết về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi này. Cạnh đó, cũng cần bổ sung quy định về thi hành quyết định giám đốc thẩm tuyên sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của tòa đã có hiệu lực trong Luật Thi hành án dân sự (LTHADS) sửa đổi, bổ sung năm 2014. Bởi lẽ BLTTDS 2015 đã bổ sung quy định này nhưng LTHADS hiện hành chưa có. Hàng loạt vấn đề cần hướng dẫn Bộ Tư pháp đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao ban hành nghị quyết hướng dẫn một loạt vấn đề trong BLTTDS 2015: - Kế thừa quyền tố tụng. - Người đại diện theo ủy quyền là pháp nhân. - Áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết vụ việc dân sự. - Công nhận kết quả hòa giải ngoài tòa án. - Tống đạt giấy tờ và thu thập chứng cứ trong các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài. - Tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu. - Tranh chấp về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. - Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. - Tranh chấp về nuôi con và chia tài sản đối với người chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn. - Thẩm quyền của tòa đối với quyết định cá biệt của cơ quan - tổ chức... |