Chiến sĩ biên phòng: Ăn lán, ngủ rừng lấy hơi ấm từ tổ quốc

Lực lượng Công an Nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng) được thành lập ngày 3-3-1959 theo Nghị định số 100/Ttg của Thủ tướng Chính phủ. Từ đó, ngày 3-3 hàng năm trở thành Ngày truyền thống của Bộ đội Biên phòng.

62 năm kể từ ngày thành lập, các cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng đã phải trải qua những thời khắc chưa từng có trong đời quân ngũ.

Cứu dân như cứu mình

Dịp tết nguyên đán vừa qua, 100% quân số đã phải đón tết nơi biên cương tổ quốc, nhiều cán bộ chiến sĩ phải hoãn cưới, nhiều người khi người thân ốm nặng không thể có mặt để chăm lo, có những người khi vợ trở dạ không thể ở bên để đón con chào đời.  Tất cả đều đang phải thực hiện nhiệm vụ kép, vừa giữ bình yên nơi biên cương tổ quốc, vừa ngăn chặn việc xuất nhập cảnh trái phép để phòng chống dịch COVID-19.

Không chỉ tham gia chống dịch ở miền biên viễn, năm vừa qua những chiến sĩ quân hàm xanh cũng có mặt ở những nơi mà bão lũ đã quét qua. Thượng tá Nguyễn Xuân Bách, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội biên phòng (BĐBP) nhớ lại, trận lũ lụt lịch sử tại các tỉnh miền Trung vào tháng 10 năm 2020 có thể nói là một thử thách lớn đối với những chiến sĩ biên phòng.

Thượng tá Nguyễn Xuân Bách. Ảnh: VIẾT THỊNH

“Tôi luôn nhớ đến hình ảnh đồng đội mình đã không quản hiểm nguy, dầm mưa lao vào lũ xiết, đến những nơi nguy hiểm nhất, những vùng xung yếu nhất để hỗ trợ nhân dân sơ tán người và tài sản nơi an toàn”- Thượng tá Bách nói.

Ký ức của anh vẫn nhớ rõ từ 5 giờ sáng cho đến tối mịt, những căn bếp biên phòng luôn đỏ lửa để nấu những suất cơm mang đến tận nơi giúp bà con đỡ đói lòng trong mưa gió.

Những chiếc xuồng cứu hộ trực chiến 24/24 để sẵn sàng lao vào dòng nước dữ hỗ trợ nhân dân trong tình huống khẩn cấp. Những phân đội lẻ vừa trực tại các thôn bản vừa tranh thủ giúp bà con dựng lại vách nhà, lợp lại tấm tôn, dọn dẹp bùn đất, rác thải các lớp học, trạm y tế ...

“Tại các đồn biên phòng tuyến núi, cán bộ chiến sĩ các đơn vị đã cơ động vượt qua chặng đường dài cheo leo ngập ngụa bùn đất để tổ chức cứu hộ, cứu nạn với tinh thần trách nhiệm cao nhất và tình cảm đồng chí, đồng bào thương yêu nhất. Hành trang trong người họ là cuốc, xẻng, bông băng sơ cứu đơn giản và lương khô, mỳ tôm sống… Có những người cứ quần mình trong bùn đất, nước lũ ngày này qua ngày khác, vài ba ngày mới quay về đơn vị tắm rửa, thay quần áo và được ăn bữa cơm nóng”- Thượng tá Bách bày tỏ.

Lúc đó, màu áo xanh bện đất đỏ mà trở nên sậm màu, những gương mặt đã nhiều đêm không ngủ, dầm mưa lạnh hốc hác và xạm tái, những đôi mắt trũng sâu nhưng các anh luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ bất cứ lúc nào với tinh thần "cứu dân như cứu người thân của mình".

Chốt, lán biên phòng gần cột mốc 1099 (Lạng Sơn). Ảnh : VIẾT THỊNH

Hơi ấm từ tổ quốc

Để phòng chống xuất nhập cảnh trái phép, rất nhiều chốt, lán biên phòng đã được lập ra ở dọc biên giới nước ta, đó như là những “lá chắn thép” bảo vệ đất nước trước những nguy cơ của đại dịch.

Thượng tá Bách cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, để ngăn chặn đại dịch, hơn 7 ngàn cán bộ, chiến sĩ BĐBP cùng với các lực lượng khác ngày đêm “ăn lán, ngủ rừng” để ngăn chặn dịch bệnh từ bên ngoài xâm nhập qua biên giới, giữ gìn cho đất nước được bình yên.

“Tôi tin rằng, hơi ấm của tình đất nước, nghĩa biên cương và tình quân dân thắm đượm chính là động lực lớn lao nhất, là sự động viên ý nghĩa nhất để những người lính quân hàm xanh chúng tôi luôn vững vàng vượt qua khó khăn, thử thách nơi địa đầu phên dậu”- Thượng tá Bách bày tỏ.

Suốt hơn một năm qua, hơn 1600 tổ chốt biên phòng với trên 7000 cán bộ, chiến sĩ biên phòng đã lập thành một hàng rào trên khắp nẻo biên cương ngăn chặn hiệu quả hoạt động xuất nhập cảnh trái phép và dịch bệnh COVID-19.

Các chốt, lán biên phòng được lập lên để phòng, chống xuất nhập cảnh trái phép. Ảnh: VIẾT THỊNH

Để chứng minh cho những hi sinh, vất vả của các chiến sĩ quân hàm xanh, Thượng tá Bách bấm ngón tay nói, đã có hàng chục đồng chí không thể trở về đưa tiễn người thân đến nơi an nghỉ cuối cùng, 48 đồng chí hoãn cưới vợ và hoãn cưới con, 50 đồng chí không thể ở bên cạnh bạn đời trong lúc trở dạ, sinh con, 48 đồng chí chỉ có thể gửi lời động viên, hỏi thăm người thân ốm nặng qua điện thoại… Thậm chí có nhiều đồng chí đã gặp nguy hiểm do các loại rắn rết, côn trùng có độc gây ra.

Đổi lại với những hi sinh thầm lặng ấy, hơi ấm từ tổ quốc, nghĩa đồng bào trở thành nguồn động lực sưởi ấm các chiến sĩ nơi biên cương. Thượng tá Bách kể lại, hình ảnh đẹp nhất, cảm động nhất trên biên giới chính là khi những già làng, trưởng bản, những cụ già mang tặng bộ đội mớ rau xanh, chục trứng gà, nắm chè tươi… hay chỉ đơn giản ra chốt trực giúp nhen lửa nấu gói mì tôm, đun ấm nước chè để anh em đi tuần về có nước uống, đồ ăn...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm