Chính phủ Mỹ đóng cửa: Cuộc nội chiến chuyển hóa

Sự kiện chính phủ Mỹ đóng cửa đơn thuần có phải là kết quả của cuộc đấu đá giữa các nhóm lợi ích hay thật sự là một “phép thử” về niềm tin đối với một hệ thống chính trị được người Mỹ luôn tự hào là ưu việt nhất trên phạm vi toàn cầu.

Điều bất ngờ đã xảy ra đối với Mỹ khi chính phủ nước này phải thực hiện kế hoạch đóng cửa có trật tự trong vòng 17 năm qua bởi nguyên nhân “thiếu ngân sách” từ 1-10-2013. Sự kiện này khiến “ống kính” quốc tế đều tập trung vào quốc gia này với câu hỏi “chuyện gì đang xảy ra với siêu cường số 1 thế giới?”.

Hệ lụy của cuộc chiến giữa các nhóm lợi ích

Thật khó tin khi báo chí thi nhau kết luận rằng “nước Mỹ đã hết tiền”. Kết quả khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) của Anh cuối năm 2012 cho thấy Mỹ vẫn là nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới với GDP năm 2012 đạt 15.643 tỉ USD. Thứ hạng vô địch này đã được duy trì từ năm 2000 và dự báo sẽ còn tiếp tục được Mỹ giữ vững trong vòng 10 năm tiếp theo.

Như vậy, “tiền” chỉ là nguyên nhân về mặt hành chính và bản chất của sự “tạm dừng” lần này chính là sự va chạm, mâu thuẫn giữa các bộ phận quyết định đến việc thu - chi tiền của quốc gia này. Nói cách khác, nội bộ quốc hội Hoa Kỳ đang có biểu hiện xung đột lợi ích khi thông qua luật tài chính, hay có người còn gọi “nặng nề” hơn là nội chiến.

Tuy nhiên, dùng thuật ngữ “nội chiến” sẽ chính xác hơn với thời Đế quốc La Mã - khi Quan chấp chính Caesar đã tổ chức nội chiến để La Mã không ngừng vận động và sau đó trở thành một đế chế chi phối thế giới như vị thế của Hoa Kỳ từ sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc. Còn với Hoa Kỳ, theo nhà báo Peter (Đức), nền dân chủ kiểu Mỹ đã biến đổi những cuộc nội chiến thành một chiến dịch vận động bầu cử cho phép các đại diện đấu tranh nội bộ với nhau.

Chính phủ Mỹ đóng cửa: Cuộc nội chiến chuyển hóa ảnh 1

Tuy nhiên, nền dân chủ kiểu Mỹ lại cho phép bầu cử tổng thống và bầu cử quốc hội là hai sự kiện chính trị khác nhau. Tác giả R. Allen Hays (Giám đốc Chương trình Nghiên cứu sinh về chính sách công, GS khoa Chính trị tại ĐH Northern Iowa) trong nghiên cứu của mình chỉ ra rằng dân chủ kiểu Mỹ thường có sự tồn tại giữa hai phe đối lập, trong đó có một phe phía tổng thống. Bằng chứng rõ nhất là từ sau Thế chiến thứ II, đa số các phiếu trong quốc hội và đa số các phiếu ủng hộ tổng thống thường thuộc về hai đảng đối lập nhau.

Thế nên đừng ngạc nhiên khi sự bất đồng giữa Hạ viện và Thượng viện Mỹ đã khiến việc thông qua luật cung cấp ngân sách cho chính phủ bị thất bại khi Thượng viện dẫn đầu là đảng Dân chủ ủng hộ ông Obama còn Hạ viện là phe đối lập - đảng Cộng hòa. Điều này mang đến hệ lụy chính là sự chia rẽ nội bộ và sự xuất hiện “thừa cơ” của các nhóm lợi ích. Những nhóm lợi ích tại Mỹ dựa trên văn hóa tranh cử kiểu Mỹ cùng sự phân chia quyền lực nội bộ sẽ tạo được ảnh hưởng trong lúc tranh cử (thông qua hỗ trợ tài chính) và hậu tranh cử (trong vấn đề xây dựng chính sách).

Như vậy, việc đóng cửa của chính phủ chỉ là một biểu hiện mang tính hệ lụy của nền dân chủ Mỹ với đặc trưng của nhóm lợi ích, khi đa phần người giàu chiếm thiểu số - nhóm lợi ích theo đảng Cộng hòa sẽ thông qua phiếu biểu quyết tại quốc hội đấu tranh để không phải chi thêm tiền thuế phục vụ việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (chính sách Obamacare) mà đối tượng hưởng lợi gồm cả một nhóm lợi ích khác - với đại đa số là bộ phận người nghèo, chiếm tỉ lệ cao hơn so với người giàu.

Mọi mô hình đều có những thử thách và thách thức lớn mà Hoa Kỳ đang phải đối diện trong mô hình dân chủ kiểu Mỹ chính là việc ban hành và thực thi các chính sách có ảnh hưởng đến quyền lợi của các nhóm lợi ích. Nói dễ hiểu, các chính sách không phụ thuộc hoàn toàn vào ý chí của chính phủ hay một cá nhân nào, kể cả tổng thống.

Dân chủ kiểu Mỹ sẽ bế tắc?

Ở một góc nhìn khác, người ta có quyền nghi ngờ vị thế siêu cường của Hoa Kỳ nếu mâu thuẫn trên vẫn cứ kéo dài trong bối cảnh nhiều cường quốc đang trỗi dậy, đặc biệt tại châu Á. Tất nhiên, Hoa Kỳ sẽ phải “lùi lại” nếu một trong ba kịch bản xấu diễn ra:

- Các quốc gia mới hoặc liên minh trở nên mạnh hơn Hoa Kỳ.

- Hoa Kỳ bành trướng thế lực quá mức dẫn đến mất khả năng kiểm soát.

- Hoa Kỳ tự suy thoái nội lực.

Xét trong bối cảnh hiện nay, khi các quốc gia trỗi dậy phải đối diện với nhiều bất ổn nội tại (điển hình như Trung Quốc), trong bối cảnh Mỹ đã trở nên thân thiện và biết lắng nghe hơn rất nhiều với hệ thống đồng minh rộng thì hai kịch bản đầu rất khó diễn ra.

Tuy nhiên, kịch bản thứ ba dường như đang diễn ra khi cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 đẩy mức nợ công Hoa Kỳ cao kỷ lục cùng với sự suy thoái của nền kinh tế quốc gia. Khi nước này mới “chân ướt chân ráo” thoát khỏi khủng hoảng kinh tế với các chỉ số thất nghiệp giảm dần, nhường chỗ cho các chỉ số kinh tế khác khả quan hơn thì ngay lập tức, “dân chủ kiểu Mỹ” đưa nước này vào tình trạng đóng cửa chính phủ.

Người ta có quyền cho rằng Mỹ sẽ phải chấp nhận lùi lại khi kịch bản thứ ba của nền dân chủ kiểu Mỹ đang diễn ra trông thấy. Tuy nhiên, nên nhớ rằng sự bất đồng giữa Thượng viện và Hạ viện rồi sẽ phải nhường chỗ cho một thỏa thuận mà cả hai đều phải có sự nhân nhượng nhất định khi giờ đây, không phải một hay hai nhóm lợi ích mà toàn thể người dân nước Mỹ đang “nổi giận” với những gì mà đại diện của họ đang làm. Các cuộc biểu tình trước quốc hội Mỹ không còn nhân danh nhóm lợi ích nào mà là nhân danh lợi ích của người dân toàn nước Mỹ, với nạn thất nghiệp, hệ thống công cộng đóng băng, chính sách công ngừng hoạt động... khi chính phủ đóng cửa.

Trước tình thế đó, “dân chủ kiểu Mỹ” sẽ quay về trạng thái nguyên thủy của nó khi hai đảng phái nhất thiết phải ngồi lại trên tinh thần phản biện với lợi ích chung là việc làm, là trường học, là công viên, là bệnh viện, là bữa cơm hằng ngày của đông đảo người dân. Hơn bao giờ hết, một nền dân chủ kiểu Mỹ sẽ tiếp tục phát huy theo quy luật của nó: Mâu thuẫn, vận động đấu tranh để đạt được những thành tựu, sự phục hồi và phát triển nhất định.

Bi quan về một “giấc mơ Mỹ”

Khi mọi ánh mắt đang đổ dồn vào sự phẫn nộ và phản ứng mạnh mẽ của người dân Mỹ hay những lời cam kết chắc nịch rằng “Chính phủ sẽ sớm mở cửa” từ phía Tổng thống Obama, đâu đó sẽ có sự thở dài cho một tâm lý bi quan về một “giấc mơ Mỹ” đã chẳng còn. Tuy nhiên, đối với những người đã quá quen với một nước Mỹ đầy thăng trầm, đầy biến động từ khi thành lập đến nay thì sự “quen thuộc” ấy cho phép họ tiếp tục hy vọng vào một nền dân chủ kiểu Mỹ vẫn tiếp tục sau một dấu mốc của sự mâu thuẫn tột độ.

ĐỖ THIỆN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm