Cho trẻ dưới 10 tuổi ngồi ghế phụ ô tô: Cần chế tài

(PLO)- Các chuyên gia cho rằng cần có chế tài nặng đối với người lái ô tô dưới 10 chỗ cho trẻ ngồi ghế cạnh tài xế.

Trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đưa ra đề xuất siết quy định đối với người ngồi trên ô tô, đặc biệt là trẻ em. Các chuyên gia bày tỏ ủng hộ quy định này nhưng đề nghị tăng tuổi của trẻ em và chế tài nặng đối với người điều khiển phương tiện không chấp hành.

Dưới 10 tuổi không được ngồi ghế trước

Cụ thể, Điều 9 của dự luật quy định: Trẻ em dưới 10 tuổi hoặc chiều cao dưới 1,35 m được chở trên ô tô dưới 10 chỗ ngồi không được ngồi cùng hàng ghế của người lái; trẻ em dưới bốn tuổi phải được trang bị thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô (trừ ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo quy định).

Liên quan đến quy định này, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, cho rằng dự luật đã đưa ra quy định mới tiến bộ. Tuy nhiên, hội đề nghị nâng độ tuổi sử dụng ghế chuyên dụng cho trẻ em từ bốn tuổi lên sáu tuổi. Vì đây là nhóm trẻ đang ở độ tuổi mầm non, hiếu động, chưa được tiếp cận với các kiến thức về an toàn giao thông.

Chuyên gia cho rằng nhóm trẻ em từ 10 đến 12 tuổi không nên ngồi cùng hàng ghế của người lái xe. Ảnh: HOÀNG HIẾU

Bà Hòa cho biết theo các nghiên cứu quốc tế, khi để trẻ em ngồi ở ghế phụ trước, trong trường hợp xảy ra va chạm, túi khí có thể bung ra với vận tốc lên tới 300 km/giờ. Cơ thể người trưởng thành có thể chịu được lực tác động này nhưng cơ thể trẻ nhỏ có phần lưng và cổ rất yếu nên dễ bị tổn thương.

Ngoài ra, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cũng đề nghị nâng độ tuổi trẻ không được ngồi cùng hàng ghế của người lái xe khi tham gia giao thông từ 10 tuổi lên 12 tuổi.

Ông Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, cho biết hiện cả nước có trên 1.800 km đường cao tốc với nhiều đoạn tuyến được chạy với vận tốc lên tới 120 km/giờ. Bên cạnh đó có nhiều tuyến quốc lộ được nâng cấp chạy 80-90 km/giờ.

Trong bối cảnh nhiều ô tô hơn, nhiều đường cao tốc, quốc lộ tốt, bên cạnh mặt tích cực thì mặt an toàn cũng nổi lên một số vấn đề. Cụ thể như việc bảo vệ trẻ em khi chưa có thiết bị bảo vệ an toàn trên ô tô. Trên thực tế, dây an toàn của người lớn trên ô tô chưa phát huy tác dụng đối với trẻ em.

Chuyên gia cho rằng cần phải tăng độ tuổi phải trang bị an toàn cho trẻ, bởi như dự luật đồng nghĩa với nhóm trẻ em 4-12 tuổi chưa được bảo vệ tốt nhất.

Cần chế tài mạnh với tài xế vi phạm

PGS-TS Phạm Việt Cường, Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phòng, chống chấn thương, ĐH Y tế công cộng, cho rằng xe cá nhân gia tăng nhanh chóng ở Việt Nam, trong đó trẻ em được cha mẹ đưa đến trường bằng ô tô cũng tăng theo.

Đáng chú ý, hiện nay tình trạng trẻ em ngồi ghế trước ô tô khá phổ biến. Tại một nghiên cứu của trung tâm được thực hiện từ năm 2021 đến nay cho thấy có tới 22,8% xe có trẻ em ngồi ghế trước một mình, 19,2% xe có trẻ em ngồi ghế trước chung với người lớn. Trong đó, nhiều phụ huynh chưa có thói quen sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ.

Cụ thể, thống kê cả nước mới chỉ có 1,3% ô tô có sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ. Điều này rất nguy hiểm khi không may xe gặp tai nạn.

Ông Cường khẳng định dự luật bổ sung quy định trên là cần thiết. Tuy nhiên, ông cho rằng cần phải tăng độ tuổi phải trang bị an toàn cho trẻ, bởi như dự luật đồng nghĩa với nhóm trẻ em 4-12 tuổi chưa được bảo vệ tốt nhất.

PGS-TS Phạm Việt Cường kiến nghị trẻ em cao dưới 1,35 m và dưới 12 tuổi phải được chở trên ô tô cá nhân có trang bị thiết bị an toàn dành cho trẻ em. Trẻ em cao dưới 1,35 m và dưới 12 tuổi không được ngồi cùng hàng ghế của người lái xe.

Đồng tình với những đề nghị trên, một số chuyên gia giao thông cũng cho rằng cần bổ sung mức xử phạt hành vi không sử dụng thiết bị an toàn phù hợp khi chở trẻ em trên ô tô cá nhân 4-6 triệu đồng.•

Chiều cao tối thiểu sử dụng dây an toàn là 148 cm

Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, cho biết: Theo khảo sát của Viện Dinh dưỡng năm 2018 về cân nặng và chiều cao chuẩn của trẻ em Việt Nam (theo chuẩn WHO): Trung bình trẻ em trai đạt khoảng 149,1 cm và trẻ em gái đạt 151,5 cm khi được 12 tuổi.

Có khoảng 15% trẻ em ở độ tuổi 12 có chiều cao 134,9 cm (đối với trẻ em trai) và 137,9 cm (đối với trẻ em gái). Việc tham khảo các kinh nghiệm quốc tế là cần thiết nhưng đối với vấn đề chiều cao, cân nặng cần được cân nhắc kỹ lưỡng, phù hợp với đặc điểm sinh lý của người Việt Nam.

Dây an toàn trên ô tô có tác dụng kéo giảm tới 70% các chấn thương nghiêm trọng và giảm 40% khả năng tử vong với người trên xe. Tuy nhiên, dây an toàn của người lớn sẽ không phát huy tác dụng nếu người sử dụng chưa đạt chiều cao tối thiểu sử dụng dây an toàn là 148 cm.

Trong một số trường hợp trẻ có chiều cao thấp hơn, dây an toàn không giữ được cơ thể của trẻ khi có va chạm, thậm chí trẻ em bị chấn thương bởi chính dây an toàn. Như vậy, nhóm trẻ em từ 10 đến 12 tuổi cũng không nên ngồi cùng hàng ghế của người lái xe khi tham gia giao thông để đảm bảo an toàn cho nhóm trẻ này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới