Đồng Tháp ứng phó với triều cường và lũ thượng nguồn

(PLO)- Do ảnh hưởng triều cường và lũ thượng nguồn, hiện mực nước tại khu vực các huyện phía Nam của tỉnh Đồng Tháp đã lên nhanh.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 18-9, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp đã có cuộc họp với các sở, ngành liên quan để chủ động ứng phó trước tình hình triều cườnglũ thượng nguồn lên nhanh.

Triều cường ở mức báo động III

Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Đồng Tháp, do ảnh hưởng kết hợp của kỳ triều cường 15-8 âm lịch và lũ thượng nguồn nên hiện mực nước tại khu vực các huyện phía Nam của tỉnh Đồng Tháp đã lên nhanh.

Dự báo mực nước đỉnh triều cao nhất vào ngày 20 và 21-9, xuất hiện vào khung giờ từ 5h-8h và chiều từ 17h-19h hằng ngày. Triều cường được đánh giá cao ở mức báo động III, kết hợp mưa to tại chỗ trong những ngày tới sẽ gây nguy hiểm cho các vùng đê bao cây ăn trái, gây ngập úng các vùng không có đê bao, vùng đê bao thấp, vùng đô thị tại các huyện phía Nam của tỉnh

Đồng thời, hiện áp thấp nhiệt đới đang hoạt động trên khu vực giữa biển Đông và có khả năng mạnh lên thành bão số 4, đổ bộ vào khu vực miền Trung. Cơn bão này có khả năng gây một đợt mưa - lũ trên khu vực trung lưu sông Mê Kông.

Lũ thượng nguồn.jpg
Lũ thượng nguồn về, người dân Đồng Tháp tất bật mưu sinh
lLũ thượng nguồn.jpg
Đỉnh lũ năm 2024 được nhận định sẽ ở mức cao hơn năm 2023 khoảng từ 0,1 đến 0,4 m

Đỉnh lũ 2024 sẽ cao hơn năm 2023

Đỉnh lũ năm 2024 được nhận định sẽ ở mức cao hơn năm 2023 khoảng từ 0,1 đến 0,4m (khu vực đầu nguồn cao hơn khoảng 0,4m; khu vực nội đồng Tháp Mười cao hơn khoảng 0,3m; khu vực phía Nam cao hơn khoảng 0,1m).

Trước tình hình này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Phước Thiện yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh và thành viên Ban Chỉ đạo Ứng phó với Biến đổi khí hậu - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chủ động các giải pháp ứng phó với áp thấp nhiệt đới, mưa lớn và triều cường. Đồng thời nhanh chóng thông tin, cảnh báo để các đơn vị, địa phương và người dân nắm.

Sở NN&PTNT khẩn trương cập nhật thông tin cảnh báo thiên tai (mưa, lũ, sạt lở…) lên nền tảng chuyển đổi số nông nghiệp, phục vụ cho công tác quản lý cũng như truy cập thông tin về thiên tai đối với tổ chức, cá nhân.

Đồng thời, các đơn vị tăng cường vận động người dân xả lũ tại các ô bao sản xuất nông nghiệp, góp phần bổ sung phù sa cho đất.

Theo bản tin phát lúc 9h của Đài khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, trong 24 giờ qua, mực nước tại hầu hết các trạm vùng hạ lưu các sông miền Tây Nam Bộ lên nhanh và ở mức cao. Đến 7h ngày 18-9, mực nước cao nhất thực đo tại trạm Cần Thơ (sông Hậu) là 1,85m (trên báo động I 0,05m), tại trạm Mỹ Thuận (sông Tiền) là 1,85m (trên báo động III 0,05m).

Mực nước cao nhất ngày tại hầu hết các trạm trên các sông, kênh, rạch miền Tây Nam Bộ sẽ tiếp tục lên nhanh theo kỳ triều cường rằm tháng tám âm lịch trong những ngày tới. Đỉnh triều cao nhất đợt này có khả năng xuất hiện vào ngày 20 và 21-9. Cụ thể mức ở Trạm Mỹ Thuận có thể đạt ở khoảng 1,95-2,00m, cao hơn báo động III từ 0,15-0,20m; Trạm Cần Thơ đạt khoảng 2,00-2,05m ở mức xấp xỉ hoặc cao hơn báo động III 0,05m; Các trạm vùng cửa sông ven biển có thể dao động ở mức báo động I-báo động II, riêng trạm Gành Hào có khả năng xấp xỉ báo động III.

Cảnh báo mức độ rủi ro thiên tai khu vực hạ lưu sông Tiền và sông Hậu ở cấp 2. Theo Đài khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, đây là đợt triều cường cao, có khả năng gây ra ngập úng ở các nơi có địa hình trũng thấp, vùng ven sông, ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế - xã hội trong khu vực.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm