Bắt cá linh mùa nước nổi ở Long An

(PLO)- Đã cuối mùa nước nổi, bà con các huyện đầu nguồn tỉnh Long An vẫn chịu khó thả lưới, thu hoạch cá linh - một loại sản vật tự nhiên giá trị cao, mỗi năm chỉ về một lần.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Những ngày giữa tháng 9, trên một số cánh đồng các huyện đầu nguồn Đồng Tháp Mười, tỉnh Long An, nước đã tràn đồng. Nhiều hộ dân mưu sinh mùa nước nổi đang tất bật đánh bắt thủy sản theo con nước về.

Xuồng, lưới, câu… đã được bà con mua sắm, chuẩn bị sẵn trước đó cho dịp này, chờ thu hoạch sản vật tự nhiên. Trong số này, cá linh vẫn là loài cho sản lượng lớn và có thu nhập cao được nhiều gia đình vùng lũ mong đợi.

Ở huyện Tân Hưng và các vùng giáp ranh, lưới đáy đã được giăng lên ở những nơi nước chảy xiết. Cá linh theo đàn về đây, có lúc vô lưới cả trăm kg mỗi ngày.

Những bầu lưới được ngư dân đặt để đánh bắt cá linh. Ảnh: HUỲNH DU

Những bầu lưới được ngư dân đặt để đánh bắt cá linh. Ảnh: HUỲNH DU

Ngoài lưới đáy, phương tiện thông dụng để đánh bắt cá còn có loại lưới bầu lớn kèm theo những cái dớn hay đú nhỏ, đặt cách nhau 2-3 m để chặn bắt. Mỗi bộ lưới cước dài 100-150 m được đặt trên những cánh đồng ruộng, có thể được sử dụng 2-3 mùa lũ.

Anh Phạm Nhựt Cảm thu hoạch cá linh từ những lưới đặt cá của mình. Ảnh: HUỲNH DU

Anh Phạm Nhựt Cảm thu hoạch cá linh từ những lưới đặt cá của mình. Ảnh: HUỲNH DU

Gia đình anh Phạm Nhựt Cảm, ở xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú, An Giang có hơn 10 năm trong nghề đặt dớn cá linh. Mấy năm nay nước lũ ở An Giang về ít, gia đình Anh phải di chuyển qua huyện Tân Hưng đặt lưới. “Tôi qua đây từ đầu tháng 7 âm lịch. Hàng ngày, công việc bắt đầu từ 6 giờ sáng đến 12 giờ trưa. Đợt này chủ yếu là cá linh về nhiều, được khoảng từ 30 đến 40kg ngày. Cá linh hồi đầu vụ thì giá bán 110.000 đ/kg, giờ chính vụ chỉ còn 30.000 đồng/kg. Năm nay cá về ít so với mọi năm” - anh Cảm chia sẻ.

Hiện nay cá linh đã to hơn so với đầu vụ nên giá cũng xuống thấp. Ảnh: HUỲNH DU

Hiện nay cá linh đã to hơn so với đầu vụ nên giá cũng xuống thấp. Ảnh: HUỲNH DU

Cá linh là sản vật tự nhiên ban tặng mỗi năm một lần vào mùa lũ, mang lại nguồn lợi lớn cho bà con thuyền chài, nên ai cũng tập trung đầu tư ngư cụ để khai thác.

Nước lũ năm nay không nhiều nên nguồn thủy sản cũng ít so với mọi năm. Ảnh: HUỲNH DU

Nước lũ năm nay không nhiều nên nguồn thủy sản cũng ít so với mọi năm. Ảnh: HUỲNH DU

Anh Phạm Văn Chương, xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng, Long An, chuyên đánh bắt cá linh cho biết: “Mọi năm tháng 9 âm lịch mình nước rút rồi. Năm nay nước về chậm, lại rút nhanh, nên cá cũng ít so với mọi năm”.

Bà con ngư dân có kinh nghiệm lâu năm truyền miệng nhau kinh nghiệm là cá linh đầu mùa nhỏ, ăn ngon, hợp với canh chua bông điên điển, hay chiên bột, hoặc làm chả, lẩu mắm nên được giá.

Người dân làm sạch cá linh bán giá cao hơn và để lâu hơn khi đem đi xa. Ảnh: HUỲNH DU

Người dân làm sạch cá linh bán giá cao hơn và để lâu hơn khi đem đi xa. Ảnh: HUỲNH DU

Cách đây 2 tháng, thời điểm cá linh non đầu mùa thì giá bán tại chợ biên giới Tân Hưng khoảng 150.000 đồng/kg cá tươi. Nếu qua sơ chế móc ruột thì giá lên tới 250.000 đồng/kg. Cũng cá tươi, khi chuyển về đến Tân An hay Mỹ Tho thì 250.000 - 350.000 đồng/kg vẫn không đủ hàng để cung cấp cho thực khách. Đến giữa, cuối vụ như tầm này, cá linh lớn hơn nên giá thấp.

Để giữ giá trị thương phẩm, cá linh tươi sau đánh bắt ở miệt nước nổi miền Tây được nuôi oxy cẩn thận chuyển về các thị trường lớn như TP.HCM, bán được giá cao.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm