Sáng 25-5, Quốc hội đã nghe báo cáo kết quả thực hiện giám sát chuyên đề thực hiện Nghị quyết số 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết về một số dự án quan trọng quốc gia
Có chính sách bảo vệ rồi nhưng cán bộ vẫn không dám làm
Tại phiên thảo luận, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông cho biết ông thống nhất với đánh giá của Đoàn giám sát về tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ. Điều này dẫn đến giải quyết công việc chưa hiệu quả.
Tuy nhiên, ĐBQH tỉnh Bình Thuận cho rằng tình trạng đùn đẩy, né tránh của cán bộ, công chức không chỉ là nguyên nhân mà còn là hiện tượng. Và hiện tượng này, theo ông xuất phát từ hai nguyên nhân.
“Nguyên nhân đầu tiên là do văn bản quy phạm pháp luật hiện nay chồng chéo. Nhiều quy định không khả thi và lạc hậu, tạo rủi ro cho người thực thi, cho doanh nghiệp. Mặt khác, thủ tục thực hiện dự án phức tạp, dẫn đến kéo dài thời gian chuẩn bị.
Nguyên nhân thứ hai là năng lực thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức còn hạn chế” – ĐB Thông nói.
ĐB Thông cho rằng việc khắc phục tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo của các các quy định pháp luật, việc hủy bỏ những quy định không khả thi tuy có được triển khai nhưng vẫn còn chậm, nhất là những văn bản dưới luật.
Trong khi đó, việc bồi dưỡng cho đội ngũ thực thi chính sách chưa chú trọng nhiều vào học chuyên môn, nghiệp vụ.
“Tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức đã được nhắc đến nhiều lần nhưng vẫn chưa có chuyển biến”- ĐB nhận định và đặt vấn đề liệu có phải chúng ta chưa có cơ chế xử lý, đánh giá cán bộ công chức hay chưa có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung?
Câu trả lời ĐB đưa ra là “không phải”. Theo ĐB Thông, chúng ta đã có nhiều văn bản của Đảng và của Chính phủ về đánh giá cán bộ, công chức, viên chức; chúng ta đã có kết luận 14 của Trung ương, Nghị định 73 của Chính phủ về khuyến khích cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
“Vậy thì từ nguyên nhân nào?” - ĐB Thông tiếp tục đặt câu hỏi và kiến nghị Quốc hội, Chính phủ có đánh giá một cách căn cơ, tìm đúng nguyên nhân và có giải pháp thật sự hiệu quả.
Trong đó, ông Thông kiến nghị cần khảo sát, đánh giá lại việc thực hiện Nghị định 73 từ khi ban hành cho đến nay có cơ quan, đơn vị, địa phương nào đã áp dụng thực hiện và đem lại hiệu quả, để từ đó nhân rộng.
“Nếu qua khảo sát, đánh giá vẫn còn vướng mắc, các địa phương, đơn vị chưa áp dụng thì cần có giải pháp hữu hiệu khắc phục tình trạng trên” - ông Thông nói.
Vì sao nhiều nơi phải xin cơ chế đặc thù?
ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho hay hiện nay, có nhiều quy định không phù hợp với thực tế, mọi người đều thấy cần phải làm khác đi so với quy định thì mới phù hợp với thực tế và mới có hiệu quả.
Nhưng trên thực tế khi thực thi hành công vụ, người thi hành vẫn cứ phải tuân thủ theo quy định và thực thi những việc làm mà không phù hợp, thậm chí, nhiều người không dám làm, phải đùn đẩy lên trên.
“Điều này cũng có thể dẫn đến việc các địa phương chờ đợi xin các cơ chế đặc thù để giải quyết. Thời gian vừa qua, hầu như kỳ họp nào Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù.
Ngay trong kỳ họp này, chúng ta biết đường cao tốc Bắc Nam phía Tây cũng đề xuất cơ chế đặc thù; hai tỉnh như Nghệ An, Đà Nẵng cũng xin cơ chế đặc thù. Tôi tin tưởng rằng, các địa phương, các ngành, lĩnh vực sẽ tiếp tục xin cơ chế đặc thù trong các kỳ họp tới” – ĐB Cường nói.
Theo ĐB Cường “cơ chế đặc thù” thực ra là quy định cho phép được làm khác đi so với pháp luật hiện hành, được coi như quy định xé rào, cởi trói. Quy định của pháp luật luôn luôn có sự giao thoa, phù hợp với lĩnh vực này, địa phương này, thời điểm này nhưng có thể không phù hợp với lĩnh vực, các địa phương khác, vào thời điểm khác.
Cùng một quy định của pháp luật nhưng nếu hoàn cảnh khác nhau, đối tượng khác nhau, người thực thi pháp luật phải biết vận dụng, xử lý khác nhau cho phù hợp với đối tượng, hoàn cảnh để mang lại hiệu quả tốt nhất.
"Tôi đề nghị Quốc hội cần có một nghị quyết cho phép người thực thi công vụ được phép vận dụng các quy định của pháp luật hoặc lựa chọn các quy định của pháp luật phù hợp nhất một cách linh hoạt, sáng tạo cho phù hợp với đối tượng, điều kiện, hoàn cảnh thực tế” – ĐB Cường đề nghị.
ĐB Cường nhấn mạnh việc cho phép vận dụng quy định pháp luật phù hợp này phải dựa trên căn cứ “không trái với các quy định cấm của pháp luật”, không phải là “phải tuân thủ pháp luật” như hiện nay.
“Vì nếu cứ yêu cầu phải tuân thủ quy định pháp luật hiện nay thì tất cả các kỹ năng động, sáng tạo sẽ không bao giờ được phép chấp nhận.
Tôi tin tưởng rằng với quy định như trên, chúng ta sẽ xóa bỏ được tình trạng của cán bộ không dám hành động như hiện nay. Đồng thời, sẽ thúc đẩy, khơi dậy được tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cán bộ quản lý, lãnh đạo các cấp” – ĐB Cường nói.
Sáng 25-5, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo kết quả thực hiện giám sát chuyên đề thực hiện Nghị quyết số 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết về một số dự án quan trọng quốc gia.
Ông Mạnh cho biết một trong những nguyên nhân gây ra các tồn tại, hạn chế mà báo cáo giám sát đã chỉ ra là tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ dẫn đến giải quyết công việc chưa hiệu quả…