Bà ĐNG kiện đòi bà HTĐ trả lại các khoản vay gồm: 100 triệu đồng vay năm 2002, 4.000 USD vay năm 2005 và 12.000 USD vay năm 2006.
Năm 2016, TAND tỉnh An Giang xử chấp nhận yêu cầu của bà G. Bản án này sau đó bị cấp phúc thẩm hủy đối với khoản vay 12.000 USD.
Ngày 20-2-2019, bà G. khởi kiện bổ sung yêu cầu bà Đ. cùng chồng và hai con gái liên đới trả 12.000 USD. Xử sơ thẩm lần hai ngày 3-1-2020, TAND tỉnh An Giang chấp nhận một phần khởi kiện, buộc vợ chồng bà Đ. liên đới trả nợ.
Bà Đ. kháng cáo không đồng ý trả tiền vì giấy biên nhận nợ ngày 8-7-2006 do người con gái sinh năm 1982 (khi đó 24 tuổi) viết và ký, rồi ghi tên bà Đ vào. Do đó, vợ chồng bà và các con không đồng ý trả nợ.
Xử phúc thẩm mới đây, TAND Cấp cao tại TP.HCM nhận định bà Đ. không giải thích được lý do con gái bà ghi tên bà vào giấy nhận nợ. Trong khi đó, vào năm 2006, cô này đã là người thành niên, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự. Vì vậy, tòa sơ thẩm xác định bà Đ. có vay 12.000 USD là có căn cứ.
Theo Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005, mọi giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam không được thực hiện bằng ngoại hối nên giao dịch vay mượn giữa bà G. với bà Đ. đã vi phạm điều cấm của pháp luật.
Khi hợp đồng vô hiệu thì các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Do vậy, bà Đ. phải trả lại 12.000 USD, quy đổi thành tiền Việt Nam đồng là 277,8 triệu đồng.
Tòa phúc thẩm cũng nhận định nguyên đơn không cung cấp được chứng cứ chứng minh bà Đ. vay tiền để phục vụ nhu cầu thiết yếu của gia đình. Chồng bà không thừa nhận việc vay mượn này.
Do đó, án sơ thẩm buộc chồng bà Đ. có trách nhiệm liên đới cùng trả nợ là chưa đủ cơ sở vững chắc. Từ đó, HĐXX phúc thẩm sửa một phần án sơ thẩm về nội dung buộc chồng bà Đ. liên đới trả nợ với bà Đ.
(PL)- TAND tỉnh Bến Tre vừa xử phúc thẩm, bác kháng cáo của bà L. (ngụ huyện Mỏ Cày Nam), giữ nguyên bản án sơ thẩm trong vụ kiện đòi nợ của bà L.