Chốt phương án bán vé vào phố cổ Hội An

(PLO)- Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết đề án tăng cường quản lý thu phí tham quan phố cổ Hội An sẽ được thực hiện như kế hoạch đã đưa ra, bắt đầu từ ngày 15-5.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 11-5, UBND TP Hội An (Quảng Nam) tổ chức buổi thông tin về công tác tổ chức quản lý hoạt động tham quan khu phố cổ Hội An - di sản văn hóa thế giới.

Hội An đã bán vé tham quan gần 30 năm

Chủ trì buổi họp, Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Sơn cho biết đầu tháng 4-2023 có nhiều thông tin trái chiều về kế hoạch quản lý hoạt động tham quan khu phố cổ, gây bão mạng xã hội.

Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí đã phản biện một số khía cạnh. “Tuy nhiên, lúc này TP chưa lấy ý kiến của người dân, doanh nghiệp… Hôm nay, sau khi hoàn thiện các bước, TP tổ chức thông tin đến các cơ quan thông tấn báo chí để biết chi tiết và trao đổi, thảo luận một số vấn đề còn vướng mắc để người dân, du khách hiểu rõ phương án bán vé tham quan phố cổ của Hội An” - ông Sơn nói.

Thông tin tại buổi họp, Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết đích thân ông gặp gỡ, trao đổi với người dân và đơn vị lữ hành. Tất cả đều đồng tình với phương án mới này của TP. “Sắp tới đây họ sẽ cơ cấu vé tham quan phố cổ Hội An vào trong tour, lên án những đơn vị dẫn khách đi chui. TP cũng đã họp với khách sạn, đơn vị lưu trú, họ cũng đồng tình ủng hộ, tình nguyện làm công tác tuyên truyền khi khách đến lưu trú. Thậm chí có đơn vị đề xuất nhận vé của TP về bán cho du khách” - ông Sơn thông tin.

Theo ông Sơn, một số thông tin trước đây gây hiểu lầm là ý kiến chủ quan, quan điểm của từng cá nhân. Buổi thông tin này là ý kiến chính thức của lãnh đạo TP, phương án đã được tập thể Ban Thường vụ Thành ủy cho ý kiến thông qua.

“Vé tham quan Hội An triển khai từ năm 1995, đến nay đã gần 30 năm. Việc bán vé diễn ra rất lâu, giá vé từ năm 2012 đến nay không thay đổi là 80.000 đồng/vé đối với khách trong nước, 120.000 đồng/vé đối với khách nước ngoài. Có sự chênh lệch này vì qua thăm dò, nhu cầu của khách nước ngoài muốn tham quan tất cả loại hình nhưng với người Việt, một số loại hình không cần đến nên cơ cấu vé thực hiện theo Nghị quyết 33 của HĐND tỉnh, tính theo đầu công trình” - ông Sơn thông tin.

Trước ý kiến cho rằng Hội An là khu phố sống, có nên bán vé tham quan không? Ông Sơn dẫn chứng nhiều di sản sống trên thế giới đã bán vé như Phượng Hoàng cổ trấn (Trung Quốc), làng cổ Hahoe (Hàn Quốc), hay gần nhất là Cù Lao Chàm cũng bán vé với giá 70.000 đồng/vé tham quan khu dự trữ sinh quyển…

“Cái khó của Hội An so với các khu di sản khác là có quá nhiều đường vào khu di sản văn hóa, việc bán vé khó hơn. Nếu không bán, ai vô cũng được thì lấy tiền đâu tái đầu tư cho di sản? Thực chất gần 30 năm qua, việc bán vé giúp Hội An từ một di sản bên bờ sụp đổ được trùng tu, cứu vớt. Cũng từ bán vé tham quan, TP đã đầu tư tổ chức nhiều chương trình, thu hút du khách, nâng tầm Hội An” - ông Sơn nói về mục đích bán vé tham quan.

Du khách tham quan phố cổ Hội An. Ảnh: THANH NHẬT

Du khách tham quan phố cổ Hội An. Ảnh: THANH NHẬT

Tăng cường kiểm soát khách đoàn

Theo ông Sơn, nguồn thu từ bán vé tham quan phố cổ năm 2019 gần 300 tỉ đồng, năm 2022 chỉ 32 tỉ đồng (sau dịch COVID-19), bốn tháng đầu năm 2023 cũng chỉ đạt gần 40 tỉ đồng. “Còn lâu mới đạt được nguồn thu như giai đoạn trước năm 2019. Nếu không tăng cường bán vé, Hội An sẽ trở thành điểm đến miễn phí, lúc đó TP không còn nguồn cho trùng tu di sản” - ông Sơn lo ngại.

Trước thông tin cho rằng vào đi dạo ở phố cổ phải mua vé, Hội An là TP đầu tiên trên thế giới bán vé tham quan…, người đứng đầu chính quyền TP Hội An khẳng định không bán vé vào TP. Hội An chỉ bán vé vào tham quan khu phố cổ - di sản văn hóa thế giới, diện tích rất nhỏ và điều này đúng quy định.

Cũng có ý kiến bán vé tham quan khiến người dân trong phố cổ “chết dần” và kinh doanh lụi tàn. Ông Sơn đã nêu quan điểm của TP, suốt 30 năm qua Hội An chưa bao giờ khuyến khích việc kinh doanh trong phố cổ mà muốn giãn kinh doanh ra bên ngoài.

Ông Sơn thông tin trong phố cổ hiện nay có đến 30% chủ nhân là người TP.HCM, Hà Nội…, họ hoàn toàn không ở mà mua di tích để cho thuê, các ngôi nhà cổ dạng này hay xảy ra cháy vì không có người trông coi. Khoảng 40% chủ là người Hội An nhưng ra ở bên ngoài, cho thuê di tích. 70% nhà cổ này làm cho phố cổ Hội An mất dần đi cái hồn của phố cổ.

“Bây giờ TP từng bước đưa người dân vào sống trong phố cổ để tăng “hồn phố”. TP cần sự quan tâm của tỉnh, HĐND thông qua các biện pháp như giảm thuế cho người kinh doanh, miễn tiền thuê nhà cho người gốc Hội An… để họ yên tâm ở lại trong di sản” - Chủ tịch UBND TP Hội An thông tin.

Trở lại phương án mới, ông Sơn nhấn mạnh quá trình thực hiện phải chặt chẽ, nhân văn, gắn liền với việc mở rộng phố đi bộ. Việc này phải đạt yêu cầu không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, không cứng nhắc làm ảnh hưởng đến hình ảnh “Hội An - Nhân tình thuần hậu”.

Với phương án mới, ông Sơn cho biết TP sẽ tập trung kiểm soát khách du lịch theo đoàn, bất kỳ từ hướng nào. Khách đi theo nhóm nhỏ lẻ, gia đình sẽ được mời mua, không ép. Còn khách đi vào với mục đích khác không phải mua vé.•

Hội An mở rộng phố đi bộ

Nhằm mở rộng không gian hoạt động và làm đa dạng các sản phẩm văn hóa - du lịch, mang đến nhiều trải nghiệm hơn nữa dành cho du khách, sau nhiều lần khảo sát và lấy ý kiến của nhân dân trong khu vực, TP Hội An triển khai thực hiện mở rộng không gian đề án “Phố dành cho người đi bộ và xe không động cơ” tại tuyến đường Phan Châu Trinh từ ngày 15-5-2023.

Cụ thể, giai đoạn 1 từ ngày 15-5-2023, giai đoạn 2 từ ngày 1-1-2024. Thời gian hoạt động từ 17 giờ 30 đến 21 giờ 30 vào mùa hè và đến 21 giờ vào mùa đông, vào tất cả ngày trong tuần.

TP cũng tiến hành bố trí các điểm giữ xe không thu phí cho người dân sinh sống trong khu vực, các điểm giữ xe cho du khách, các điểm trung chuyển xe du lịch và kiện toàn hệ thống nhà vệ sinh công cộng, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm