Ngày 5-6, ông Đào Xuân Nhàn, ngụ thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận cho biết dù thắng kiện nhưng gia đình ông vẫn kháng cáo bản án của TAND huyện Hàm Thuận Bắc.
Trong đơn, ông nêu rằng khi phát hiện vợ chồng ông L (có đất giáp ranh với đất của ông Nhàn) xây dựng nhà kiên cố lấn chiếm đất của gia đình thì ông đã ngăn chặn và báo chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý.
Tuy nhiên, ngày 24-5-2017, Tổ hòa giải yêu cầu dừng xây dựng nhưng ông L vẫn kiên quyết xây dựng và nói: “ Sau này kết quả xét xử mà phần đất thuộc ông Nhàn thì tôi chịu trách nhiệm đập phá và trả lại nguyên trạng đất cho ông Nhàn".
“Việc tòa giao phần đất bị đơn đã lấn chiếm cho bị đơn sẽ ảnh hưởng đến việc xây dựng nhà của chúng tôi, khiến ngôi nhà bị hẹp không vuông theo kích thước. Ngoài ra, tòa buộc bị đơn trả lại chúng tôi giá trị phần đất đã lấn chiếm nhưng lại tính theo giá từ năm 2017 là không phù hợp với thực tế” - ông Nhàn nói.
Vợ chồng ông Nhàn đã được cấp chủ quyền diện tích đất 300,5 m² tại Khu phố 1, thị trấn Ma Lâm. Nhà cạnh bên (do ông L làm chủ) đã xây kiềng nhà lấn chiếm đất của ông Nhàn với diện tích 17,4 m². Ông Nhàn đi kiện, yêu cầu ông L tháo dỡ kiềng nhà và tường rào trả lại diện tích đất 17,4 m².
Ngày 20-5, xét xử sơ thẩm, tòa nhận định rằng ông L không cung cấp được chứng cứ gì để khẳng định có quyền sử dụng đất hợp pháp đối với 17,4 m² đất tranh chấp nên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nhàn.
Do ông L đã xây nhà kiên cố trên diện tích đất 17,4 m² này nên nếu buộc ông tháo dỡ nhà, trả đất lấn chiếm thì sẽ làm kết cấu nhà yếu đi, ảnh hưởng đến các phần còn lại của ngôi nhà. Đồng thời, để đảm bảo quyền lợi và ổn định cuộc sống của các bên đương sự nên tòa buộc ông L trả cho ông Nhàn giá trị của 17,4 m² đất theo biên bản định giá ngày 28-11-2017 (8 triệu đồng/m²) là 139,2 triệu đồng.
Vợ chồng ông L được quyền tiếp tục quản lý, sử dụng 17,4 m² đất này; và có nghĩa vụ đăng ký biến động quyền sử dụng đất tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Luật Đất đai.