Chủ đầu tư bỏ trốn, dân cố thủ trong căn hộ dở dang

Sáng 15-8, nhiều người dân vẫn kiên quyết bám trụ ở căn hộ đã mua của mình tại chung cư Long Phụng, phường An Lạc A, quận Bình Tân, TP.HCM dù chính quyền và công an phường cố gắng vận động họ rời khỏi khu vực này.

Bán nhà, vay ngân hàng để mua chung cư

Chị Nhâm Thị Quyên (ngụ quận 12) cho biết năm 2014 chị phải vay ngân hàng để mua hai căn hộ tại chung cư Long Phụng. Chủ đầu tư (CĐT) hứa tháng 5-2014 sẽ bàn giao nhưng tới cuối năm 2015 thì các khách hàng phát hiện CĐT đã thế chấp chung cư cho ngân hàng, đồng thời còn bán căn hộ cho một lúc nhiều người.

Theo chị Quyên, trước khi mua chị có kiểm tra trên sàn giao dịch của ngân hàng nhưng không phát hiện chung cư này có vấn đề gì. “Đến giờ tôi không có khả năng trả nợ ngân hàng nên buộc bán nhà ở quận 12 để trả. Không có nhà ở thì tôi phải vào đây, một là để giải quyết khó khăn về chỗ ở, hai là giữ tài sản của mình không để nó xuống cấp và không để bên nào giao dịch ngầm vì tôi đã thanh toán 90% giá trị căn hộ” - chị Quyên nói thêm.

Chị Oanh (ngụ quận Bình Tân) cũng mua hai căn hộ ở đây. Lúc đầu chị thuê một khách sạn gần đó nhưng tốn kém nên chuyển vào đây ở để giữ nhà. “Chúng tôi phải dùng xe tải đi xin nước của công ty rồi chở đến đây. Ngay từ lúc phát hiện, CĐT còn ở đây, chúng tôi đã làm đơn kêu cứu khắp nơi nhưng cơ quan chức năng không bắt giữ, để CĐT trốn rồi mới truy nã” - chị Oanh nói.

Nhiều khách hàng cho biết họ không biết CĐT vỡ nợ, thế chấp chung cư cho ngân hàng nên mới bỏ tiền ra mua căn hộ ở đây vì thấy giá cả hợp lý. “Tôi mua một lúc năm căn hộ cho năm đứa con, từ lúc mua đến giờ tôi có thêm cháu rồi mà còn chưa lấy được nhà” - ông Phước (ngụ quận Bình Tân) lắc đầu.

Người mua cố thủ trong chung cư Long Phụng để giữ tài sản đã mua. Ảnh: LÊ THOA

Sacombank khẳng định đây là tài sản của ngân hàng

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Đỗ Đình Thiện, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, cho biết quận đã thành lập tổ công tác vận động người dân không vào chung cư ở vì rất nguy hiểm. Hằng ngày đều có lực lượng công an, bảo vệ dân phố, cán bộ phường canh giữ vòng ngoài để đảm bảo an ninh trật tự cho khu vực này.

Ông Thiện cho biết đến thời điểm hiện tại có vài hộ dân vẫn cố bám trụ ở đó nhưng cơ sở vật chất của chung cư đã xuống cấp vì một thời gian dài không được hoàn thiện. Hệ thống điện chưa hoàn chỉnh, chưa có hệ thống nước và phòng cháy chữa cháy... Việc người dân vào ở không đảm bảo vệ sinh môi trường, họ còn tự ý giăng mắc điện dễ gây cháy nổ.

Theo phó chủ tịch UBND quận Bình Tân, hiện nay dự án chung cư Long Phụng đã được Công ty CP Địa ốc Bình Tân thế chấp cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) bằng tài sản và quyền sử dụng đất. “Việc thế chấp và bán căn hộ với người dân đều là giao dịch dân sự, địa phương không quản lý” - ông cho biết. Ông Thiện cho hay địa phương đã báo cáo lên UBND TP, đề nghị Công an TP tiếp tục thụ lý vụ án để người dân không bức xúc, đồng thời đề nghị Sở Xây dựng kiểm tra dự án này.

“Dự kiến ngày 16-8, UBND quận sẽ làm việc với Ngân hàng Sacombank và PC46 Công an TP nhằm yêu cầu Công an TP có thông tin chính thức về vụ việc, đề nghị ngân hàng không cho người dân vào ở. Nếu Sacombank vẫn tiếp tục cho người dân vào ở thì mọi sự cố liên quan đến tài sản, tính mạng của họ đơn vị này phải chịu trách nhiệm” - ông Thiện thông tin.

Trong khi đó, theo văn bản của Ngân hàng Sacombank gửi UBND quận Bình Tân, ngân hàng khẳng định chung cư Long Phụng là tài sản của Công ty CP Địa ốc Bình Tân giao cho Ngân hàng TMCP Phương Nam (nay đã sáp nhập vào Sacombank để cấn trừ các khoản nợ vay của công ty từ ngày 23-12-2011). “Đây là tài sản thuộc quyền quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp của Sacombank” - đơn vị này nhấn mạnh. Ngân hàng không đồng ý để các hộ dân ở lại chung cư nhằm đảm bảo an toàn, an ninh trật tự.

Thiếu thông tin dự án, khách hàng dễ bị lừa

Một cán bộ Sở Xây dựng cho biết theo quy định tại Luật Kinh doanh bất động sản (có hiệu lực từ ngày 1-7-2015), trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai thì CĐT phải có văn bản thông báo cho Sở Xây dựng. Trường hợp có thế chấp ngân hàng thì CĐT phải gửi kèm giấy tờ chứng minh đã giải chấp. “Nếu không thì phải có biên bản đồng ý của bên mua căn hộ và bên nhận thế chấp về việc không phải giải chấp và được mua bán căn hộ đó” - ông cho biết.

Vị này cho hay trong 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Sở sẽ trả lời bằng văn bản cho CĐT và công khai trên website của Sở về pháp lý dự án, tình trạng thế chấp, đơn vị bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của CĐT với khách hàng và cuối cùng là kết luận của Sở Xây dựng dự án có được bán hay không.

Tuy nhiên, một số dự án trước thời điểm 1-7-2015 do không có thông tin nên xảy ra tình trạng không ít dự án mua bán căn hộ trên giấy, một căn hộ bán hai, ba lần lẫn thế chấp ngân hàng như dự án Long Phụng. Luật sư Nguyễn Thành Dâng, Công ty luật Pháp Luật Việt, cho hay trong trường hợp này, người mua có thể kiện ra tòa dân sự để giải quyết hoặc nếu có dấu hiệu hình sự như một tài sản bán cho nhiều người, CĐT bỏ trốn… thì làm đơn tố giác tội phạm với cơ quan điều tra và chỉ có các cơ quan này có thẩm quyền giải quyết.

C.TÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm