Chủ mưu vẫn có thể lãnh án nhẹ hơn người thực hành

Về lý luận cũng như thực tiễn xét xử, cũng còn ý kiến khác nhau về người tổ chức trong vụ án có đồng phạm: Ý kiến thứ nhất cho rằng người tổ chức phải là người thực hiện cả ba hành vi: chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm. Ý kiến thứ hai cho rằng người tổ chức chỉ cần có một trong ba hành vi (chủ mưu, cầm đầu hoặc chỉ huy việc thực hiện tội phạm) mà không nhất thiết phải hội tụ đủ cả ba hành vi.

Những ý kiến khác nhau này chỉ có ý nghĩa trong việc xác định trong vụ án đồng phạm có người tổ chức hay không. Còn thực tiễn xét xử, trong các bản án, các tòa rất ít dùng khái niệm người tổ chức mà thường lấy hành vi của họ để xác định vai trò của các bị cáo trong vụ án có đồng phạm như người chủ mưu, người cầm đầu, người chỉ huy việc thực hiện tội phạm. Cách viết trong bản án như vậy là không chính xác.

Việc xác định danh tính của những người tham gia trong vụ án có đồng phạm chỉ có ý nghĩa để xác định vai trò của họ chứ chưa phải là căn cứ duy nhất để quyết định hình phạt đối với người đồng phạm. Theo Điều 45 BLHS thì “khi quyết định hình phạt, tòa căn cứ vào quy định của BLHS, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự”. Riêng đối với trường hợp quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm, Điều 53 BLHS còn quy định: “Tòa án phải xét đến tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm. Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự thuộc người đồng phạm nào thì chỉ áp dụng đối với người đó”.

Như vậy, trong vụ án có đồng phạm, người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức đều phải chịu chung một tội danh, một khung hình phạt. Tuy nhiên, khi quyết định hình phạt đối với từng người, tòa phải căn cứ vào Điều 45, Điều 53 BLHS, đặc biệt phải xét đến tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với từng người.

Về lý luận cũng như thực tiễn xét xử, thông thường nếu các tình tiết khác như nhau thì người tổ chức sẽ bị phạt nặng hơn người thực hành. Tuy nhiên, người tổ chức có thể lãnh án nhẹ hơn người thực hành nếu người tổ chức chỉ khởi xướng ra việc phạm tội (chủ mưu) nhưng không cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm, lại có nhiều tình tiết giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng hoặc có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể. Còn người thực hành lại là người thực hiện hành vi phạm tội một cách man rợ, phạm tội có tính chất côn đồ, cố tình thực hiện tội phạm đến cùng, phạm tội thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, lại có nhiều tình tiết tăng nặng...

ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm