Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ: Cơ hội sẽ không mở ra mãi, Việt Nam phải tranh thủ

(PLO)- Nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển ngành bán dẫn nhưng vấn đề đào tạo nhân lực và môi trường kinh doanh vẫn là bài toán cần lời giải

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

"Việt Nam có đầy đủ điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn, từ hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi đến nguồn nhân lực trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ dồi dào, cơ sở hạ tầng số ngày một phát triển".

Đó là thông tin được Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định tại Hội nghị Cấp cao về Công nghệ bán dẫn diễn ra ở Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) ngày 29-10.

Nhiều lợi thế để Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng sản xuất bán dẫn

Ngoài ra, có những đơn vị nghiên cứu, đào tạo uy tín trong lĩnh vực bán dẫn như: ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP HCM, ĐH Đà Nẵng, ĐH Bách Khoa Hà Nội... Các doanh nghiệp lớn có nguồn lực và sẵn sàng hợp tác phát triển ngành bán dẫn như Viettel, VNPT, FPT, CMC...

BT Nguyễn Chí Dũng tại Hội nghị Cấp cao về Công nghệ bán dẫn.png
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị Cấp cao về Công nghệ bán dẫn. Ảnh: M.T

Bộ trưởng cho rằng, công nghiệp bán dẫn là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Và hiện nay, Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn.

Theo Bộ trưởng, tháng 9 vừa rồi, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thăm Việt Nam và nâng cấp mối quan hệ 2 nước lên tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, theo đó xác định một trong các nội dung hợp tác chiến lược là đổi mới sáng tạo bao gồm phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Thông tin thêm, đại diện Bộ KH&ĐT cho hay, Việt Nam đã và đang xây dựng nhiều cơ chế ưu đãi đầu tư hấp dẫn cho các công ty, tập đoàn ngành bán dẫn. Các dự án đầu tư ngành bán dẫn thuộc lĩnh vực công nghệ cao sẽ được áp dụng những ưu đãi cao nhất trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam hiện đang tiếp tục hoàn thiện môi trường kinh doanh thuận lợi và hấp dẫn nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo trong ngành công nghiệp bán dẫn.

"Đây là cơ hội hiếm có để chúng ta cùng cụ thể hóa hợp tác đầu tư, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao này tại Việt Nam", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Vẫn còn nhiều khó khăn để tạo nên đột phá

Cũng trong khuôn khổ hội nghị, ông John Neuffer - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ - nhấn mạnh: “Việt Nam đang dự kiến đào tạo 50.000 kỹ sư ngành này. Đây là quyết sách rất đúng, rất quan trọng, cần hiện thực hoá càng nhanh càng tốt”.

Bên cạnh đó, ngành này có tốc độ phát triển rất nhanh, vì thế, “cửa sổ” cơ hội sẽ không mở ra mãi, cho nên Việt Nam phải tranh thủ để nắm bắt và hiện thực hoá các thủ tục để hỗ trợ hoạt động đầu tư cho ngành bán dẫn. “Đó sẽ là tín hiệu mạnh mẽ gửi ra thế giới là Việt Nam tiếp tục rộng mở thu hút đầu tư”, ông John Neuffer khuyến nghị.

Bên cạnh đó, chuyên gia này nhận định, Việt Nam có nhiều lợi thế về nguồn nhân lực nhưng chất lượng lao động hiện tại chưa đủ để phục vụ cho ngành công nghiệp đặc thù này.

Tại phiên thảo luận, một số chuyên gia khác trong ngành công nghiệp bán dẫn cho rằng, trong một sản phẩm công nghệ có rất nhiều chi tiết với rất nhiều công đoạn… Việt Nam cần lựa chọn công đoạn phù hợp để tham gia.

công nghệ bán dẫn.jpeg
Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển ngành bán dẫn. Ảnh minh hoạ

Liên quan đến việc đào tạo nhân lực cho ngành bán dẫn, ông Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM - cho biết, trường đặt tầm nhìn trở thành trường đại học top đầu châu Á trong những lĩnh vực hàng đầu, trong đó có ngành bán dẫn.

Mục tiêu đào tạo của trường là từ nay đến năm 2030 sẽ đào tạo được 1.800 kỹ sư chuyên môn sâu và 500 thạc sỹ ngành bán dẫn. Để làm được điều này, trường đang đào tạo các nhóm ngành liên quan phục vụ cho ngành.

Tuy nhiên, theo ông Quân, trường vẫn còn một số khó khăn trong đào tạo ngành này vì khó thu hút sinh viên quan tâm, chương trình đào tạo phải đi trước, thiếu chuyên gia đầu ngành lĩnh vực vi mạch…

Để giải quyết thách thức, trường đang phối hợp với các trường đại học quốc tế xây dựng chương trình đào tạo, thành lập viện nghiên cứu bán dẫn... “Mong rằng Chính phủ sớm ban hành chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn, hợp tác nhiều hơn với các trường đại học quốc tế để có chương trình đào tạo chất lượng…”, ông Quân bày tỏ.

Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, Lễ ra mắt Mạng lưới Bán dẫn Việt Nam đã diễn ra. Đây được xem như một bước tiến mới cho sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.

Mạng lưới Bán dẫn Việt Nam đi vào hoạt động sẽ từng bước hiện thực hóa định hướng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành một đối tác tin cậy trong hệ sinh thái bán dẫn khu vực và toàn thế giới, nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu và hiện đại hóa nền kinh tế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm