Sáng 24-8, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, đã dự phiên khai mạc Đại hội Đại biểu lần thứ VI Đảng bộ quận Thủ Đức, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Ông đã có những 'đặt hàng' riêng cho lãnh đạo quận Thủ Đức.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tham dự phiên khai mạc Đại hội Đại biểu lần thứ VI của quận Thủ Đức. Ảnh: THANH TUYỀN
‘Đặt hàng’ đặc biệt về công tác quản lý trật tự
Ông Nguyễn Thành Phong cơ bản thống nhất với phương hướng, nhiệm vụ đã được nêu trong dự thảo báo cáo chính trị của Ban chấp hành Đảng bộ quận Thủ Đức. Từ đó, ông cũng gợi mở một số vấn đề để đại hội thảo luận.
Ông cho rằng, quận Thủ Đức được định hướng là một bộ phận của Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra không ít những khó khăn, thách thức đòi hỏi sự nhạy bén, năng động, sáng tạo đi đầu và quyết tâm chính trị cao.
“Trên tinh thần đó, ngay từ bây giờ Đảng bộ quận cần chủ động đón đầu để thực hiện ngay các công việc nếu thành phố được Trung ương thông qua. Đây chính là cơ hội lớn cần nắm bắt, đòi hỏi sự nhạy bén của Đảng bộ quận trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành"- ông Phong nói.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã có những 'đặt hàng' cụ thể với lãnh đạo quận Thủ Đức khi quận này được định hướng là một bộ phận của Khu đô thị sáng tạo phía Đông. Ảnh: THANH TUYỀN
Ông yêu cầu quận tiếp tục rà soát, điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất phù hợp với định hướng phát triển của quận, nhất là lộ trình chuyển hơn 350 ha đất trồng cây lâu năm, hàng năm và hơn 80 ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp để khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai.
Đồng thời, hạn chế đến mức thấp nhất việc điều chỉnh quy hoạch cây xanh sang đất ở, đất thương mại dịch vụ, tăng cường mảng xanh tại các công viên, các tuyến đường để quận có thể trở thành một hình mẫu về phát triển mảng xanh ở cửa ngõ phía Đông.
Cùng với đó, quận Thủ Đức cần tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị, phát huy vai trò của tổ dân phố và người dân trong việc phát hiện các trường hợp xây dựng không phép, lấn chiếm sông, kênh rạch trên địa bàn. “Đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, TP "‘đặt hàng" với Đảng bộ quận trong năm năm tới” - Chủ tịch UBND TP.HCM đặc biệt nhấn mạnh.
Ông cũng cho rằng quận cần phối hợp chặt chẽ với các sở ngành, hỗ trợ thủ tục đầu tư xây dựng khu đô thị tương lai Trường Thọ, hình thành Trung tâm công nghệ giáo dục Đại học Quốc gia TP.HCM, đây là một trong những điểm nhấn của TP Thủ Đức trong thời gian tới.
Ông nhận định, phát triển hạ tầng là một trong bốn chương trình phát triển giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Vậy nên, quận Thủ Đức là một thành phần của TP Thủ Đức, nằm ở cửa ngõ phía Đông với vị thế vô cùng thuận lợi, cần đặc biệt quan tâm đến phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng dịch vụ, hạ tầng công nghiệp, hạ tầng viễn thông. Trong đó, cần đặt biệt quan tâm đến hạ tầng giao thông, trước mắt hoàn thành dứt điểm các công trình của nhiệm kỳ 2015 - 2020 chưa hoàn thành.
Về lâu dài, quận cần đầu tư tám công trình hạ tầng trọng tâm như: Xây dựng hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân; xây dựng hệ thống thoát nước dọc đường ray xe lửa phường Linh Đông; xây dựng đường và cầu Bà Cả; công trình chống sạt lở bờ trái sông Sài Gòn khu vực thượng lưu cầu Bình Lợi; cải tạo rạch Bình Thái, phường Trường Thọ; nâng cấp mở rộng đường và cầu Tám Táng; xây dựng trạm ép rác kín Linh Xuân; nâng cấp cải tạo đường Tô Ngọc Vân.
"Đây là những dự án quan trọng có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển của quận, do đó cần chặt chẽ trong việc triển khai dự án theo đúng trình tự, thủ tục quy định với một tinh thần khẩn trương và quyết liệt, từng dự án phải phân công cụ thể cán bộ phụ trách, cán bộ theo dõi kiểm tra, giám sát để dự án có thể hoàn thành đúng tiến độ đề ra" - ông Phong nói.
Quận Thủ Đức phải đi đầu thực hiện chuyển đổi số
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nêu quan điểm, Đảng bộ quận Thủ Đức cần tăng cường đoàn kết hơn nữa, phát huy truyền thống cách mạng, năng động sáng tạo và khát vọng lớn hơn thông qua việc triển khai các giải pháp trọng tâm sau:
Về phát triển kinh tế, ông nhận định nền tảng kinh tế của TP Thủ Đức vẫn là dịch vụ và đổi mới sáng tạo. Hiện nay, xuất phát điểm của quận Thủ Đức còn thấp (tỉ trọng thương mại - dịch vụ trong cơ cấu kinh tế hiện nay chỉ 53,9%, thấp hơn bình quân của TP là 62%), sẽ là một trở ngại lớn khi quận sáp nhập vào TP Thủ Đức.
"Do đó, trong nhiệm kỳ mới, Đảng bộ quận phải lãnh đạo, chỉ đạo để tạo sự đột phá trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ, phấn đấu tỉ trọng thương mại -dịch vụ của quận phải đạt từ 62% trở lên trong cơ cấu kinh tế" - ông Phong yêu cầu.
Ông cho rằng, để đạt được yêu cầu này, quận Thủ Đức phải đột phá vào dịch vụ. Trước hết là xây dựng danh mục các sản phẩm chủ lực ngành dịch vụ, danh mục các thương hiệu đặc trưng của quận; phát triển dịch vụ mua sắm, ẩm thực ở các trạm dừng thuộc tuyến đường sắt đô thị số 1 (tuyến Bến Thành - Suối Tiên)...
Ngoài ra, quận cần tập trung xúc tiến để thành lập Trung tâm logistics với diện tích 74 ha ở phường Linh Trung; nâng cấp mở rộng chợ đầu mối Thủ Đức trở thành chợ đầu mối hiện đại và có quy mô lớn của cả nước.
"TP tin rằng, khi quận nỗ lực thực hiện các giải pháp trên, cơ cấu kinh tế quận sẽ dịch chuyển và thay đổi khá lớn, đặc biệt cơ cấu nguồn thu sẽ có nhiều chuyển biến và không còn phụ thuộc vào nguồn thu từ đất như hiện nay"- Chủ tịch UBND TP.HCM bày tỏ.
Về kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực của quận, ông Phong cho rằng cần gắn kết với các trường đại học trên địa bàn và hướng công tác đào tạo đến bảy lĩnh vực (công nghệ thông tin truyền thông; cơ khí - tự động hóa - trí tuệ nhân tạo; quản trị doanh nghiệp; tài chính ngân hàng; y tế; du lịch; quản lý đô thị) để đáp ứng đầy đủ nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao hiện nay cũng như trong tương lai.
Quận cần nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp gắn với xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, đặc biệt là chuyển đổi số.
“Là cửa ngõ ra vào của TP với mật độ dân số đông, tình hình an ninh chính trị luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp. Do đó, TP hy vọng quận Thủ Đức sẽ là địa phương đầu tiên của TP thực hiện chuyển đổi số thành công nhằm tận dụng công nghệ số để phát triển kinh tế, cũng như đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn”- ông Phong nói.
Ông cũng yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công vụ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ để chính quyền thực sự là của dân, do dân và vì dân.
Chủ tịch UBND TP.HCM cũng đặc biệt lưu ý rằng, quận Thủ Đức là địa bàn tương đối phức tạp, tình hình dân nhập cư đông, có các khu công nghiệp, khu chế xuất và nhiều cơ sở giáo dục quan trọng đóng trên địa bàn, tạo áp lực lớn trong công tác quản lý hành chính. Chính vì vậy, quận cần tăng cường công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, kể cả tình huống phức tạp nhất. Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng cần tập trung xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh, đề cao trách nhiệm, vai trò nêu gương của người đứng đầu và là hạt nhân của sự đoàn kết, quy tụ mọi người cùng thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết đề ra. Ông cũng lưu ý về việc phát huy hơn nữa vai trò giám sát, định kỳ cần đánh giá sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức; thực hiện tốt công tác dân vận và quy chế dân chủ cơ sở của hệ thống chính trị… Chủ tịch UBND TP.HCM cũng nhấn mạnh, lãnh đạo quận vẫn phải ưu tiên công tác phòng chống đại dịch COVID -19, thực hiện nghiêm các hướng dẫn của thành phố, chủ động xử lý kịp thời các tình huống phát sinh ở địa bàn, không để xảy ra bùng phát dịch trên diện rộng. |