Chủ tịch tỉnh bị kiện hành chính vì từ chối cung cấp thông tin

Theo dự kiến, hôm nay (4-5), TAND tỉnh Khánh Hòa sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ ông Nguyễn Văn Bình (ngụ phường Lộc Thọ, TP Nha Trang, Khánh Hòa) kiện chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa vì từ chối cung cấp thông tin.

Đây được xem là vụ kiện hành chính đầu tiên về thực hiện quyền tiếp cận thông tin theo Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2018.

Tỉnh từ chối cung cấp thông tin

Theo ông Bình, từ năm 2001, gia đình ông bị ảnh hưởng bởi việc UBND tỉnh Khánh Hòa thu hồi đất, giao cho Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng Hoàn Cầu (nay là Công ty cổ phần Hoàn Cầu) thực hiện dự án khu du lịch - giải trí Sông Lô (nay là tổ hợp du lịch Diamond Bay resort & spa Nha Trang, gọi tắt là dự án Sông Lô).

Cho rằng việc thu hồi đất này trái quy định pháp luật, ông Bình liên tục khiếu nại 20 năm nay nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng.

Ông Nguyễn Văn Bình kiện chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa ra tòa vì từ chối cung cấp thông tin. Ảnh: ĐẠI HƯNG THỊNH

Để có tài liệu, thông tin chính xác cung cấp cho cơ quan chức năng giải quyết khiếu nại, ông Bình có đơn yêu cầu UBND tỉnh Khánh Hòa cung cấp thông tin, trong đó có giấy chứng nhận đầu tư sân golf do UBND tỉnh cấp cho Công ty Hoàn Cầu. Theo ông Bình, ông đưa ra yêu cầu này có căn cứ Luật Tiếp cận thông tin năm 2016.

Tuy nhiên, ngày 16-6-2020, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, ký công văn từ chối cung cấp các thông tin cho ông Bình với lý do nếu cung cấp thì sẽ xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của Công ty Hoàn Cầu.

Ông Bình đã kiện chủ tịch tỉnh ra tòa, đề nghị tòa buộc người bị kiện cung cấp thông tin cho công dân theo đúng quy định pháp luật.

Tháng 11-2020, TAND tỉnh Khánh Hòa thụ lý giải quyết vụ án. Tuy nhiên, người bị kiện có văn bản đề nghị gia hạn thời gian gửi văn bản nêu ý kiến đối với vụ kiện. Mặt khác, các phiên họp về kiểm tra giao nộp chứng cứ, đối thoại do tòa án triệu tập đều không thực hiện được do người bị kiện vắng mặt mà không ủy quyền cho phó chủ tịch tham gia tố tụng theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.

Từ chối cung cấp bản đồ quy hoạch

Trong thời gian chờ tòa giải quyết vụ kiện, ông Bình tiếp tục yêu cầu UBND tỉnh cung cấp một số tài liệu, hồ sơ địa chính liên quan đến việc thu hồi đất, giao đất cho dự án Sông Lô. Sau đó, Sở TN&MT đã cung cấp cho ông Bình một số tài liệu. Riêng các bản đồ quy hoạch khu du lịch - giải trí Sông Lô, Sở TN&MT từ chối cung cấp với lý do các tài liệu này không do sở tạo ra.

Sau đó, ông Bình xin trích lục các bản đồ trên tại UBND tỉnh Khánh Hòa. Đến ngày 1-4, UBND tỉnh có công văn từ chối cung cấp các bản đồ quy hoạch khu du lịch - giải trí Sông Lô vì tỉnh đã cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan cho Thanh tra Chính phủ.

Ông Bình cho rằng việc UBND tỉnh cung cấp tài liệu, hồ sơ cho Thanh tra Chính phủ và cung cấp thông tin, tài liệu cho người dân theo Luật Tiếp cận thông tin là hai việc độc lập. Việc viện lý do đã cung cấp cho đoàn thanh tra để từ chối cung cấp thông tin cho người dân là vi phạm Điều 5, Điều 8 Luật Tiếp cận thông tin, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người dân.

Theo ông Bình, các tài liệu mà người dân yêu cầu tỉnh cung cấp, trong đó có quyết định phê duyệt kèm theo bản đồ quy hoạch đầu tiên của dự án Sông Lô là các tài liệu mà tỉnh có trách nhiệm công khai theo Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, Luật Đất đai năm 2013. Tuy luật trao quyền nhưng thực tế 20 năm nay người dân vẫn không được tiếp cận. Ông Bình mong rằng việc cho dân được tiếp cận thông tin như quy định của luật sẽ mang đến một nền hành chính minh bạch.

 

Theo Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, công dân được tiếp cận thông tin của cơ quan nhà nước, trừ thông tin không được tiếp cận quy định tại Điều 6 của luật và trừ thông tin được tiếp cận có điều kiện quy định tại Điều 7 của luật.

Thông tin công dân không được tiếp cận gồm:

Thông tin thuộc bí mật nhà nước, bao gồm những thông tin có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh quốc gia, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ và các lĩnh vực khác theo quy định của luật (khi thông tin thuộc bí mật nhà nước được giải mật thì công dân được tiếp cận theo quy định của luật này).

Thông tin mà nếu để tiếp cận sẽ gây nguy hại đến lợi ích của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh, quan hệ quốc tế; trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; gây nguy hại đến tính mạng, cuộc sống hoặc tài sản của người khác; thông tin thuộc bí mật công tác; thông tin về cuộc họp nội bộ của cơ quan nhà nước; tài liệu do cơ quan nhà nước soạn thảo cho công việc nội bộ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm