Chủ tịch TP.HCM: ‘Gặp trở ngại cũng đừng nản lòng’

"Hiện nay ngành này ngành nọ có hiện tượng đẩy qua đẩy lại làm cho các đồng chí chán nản. Chúng tôi đã thấy chuyện đó và đang quyết tâm để có sự phối hợp đồng bộ giữa các sở ngành. Đôi khi có những trở ngại thì cũng đừng nản lòng” - ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM nói tại buổi duyệt kế hoạch triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Sở Khoa học - Công nghệ, sáng 16-3.

Ông Nguyễn Thành Phong phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TÁ LÂM

Theo ông Phong, hiện TP đang triển khai mô hình đô thị sáng tạo ở phía Đông (tức ở TP Thủ Đức). Thủ tướng cũng đã cho phép thành lập Phòng Khoa học – Công nghệ ở TP Thủ Đức.

Do vậy, ông đề nghị Sở Khoa học – Công nghệ có hướng dẫn về mặt chuyên môn và phải xác định rõ vai trò của khoa học – công nghệ trong xây dựng mô hình đô thị sáng tạo phía Đông ra sao. Sắp tới, Viện Công nghệ tiên tiến và đổi mới sáng tạo của TP.HCM cũng sẽ được xây dựng ở đây.

Ông đề nghị lãnh đạo Sở Khoa học – Công nghệ phải có một quyết tâm chính trị lớn, kiên trì theo đuổi những công việc trên.

Thông tin thêm về Viện Công nghệ tiên tiến và đổi mới sáng tạo sắp hình thành, ông Phong cho biết Sở Khoa học – Công nghệ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đưa những sản phẩm nghiên cứu khoa học công nghệ của TP đến với doanh nghiệp, thực hiện thương mại hóa sản phẩm.

Viện Công nghệ tiên tiến và đổi mới sáng tạo được đặt ở Khu Công nghệ cao, có kết nối với khu vực nghiên cứu, đào tạo tại Đại học Quốc gia TP.HCM. “Đổi mới sáng tạo phải là từ khóa của TP. TP muốn phát triển bền vững, muốn đi đầu trong cuộc cách mạng khoa học công nghệ thì phải thực hiện việc đổi mới sáng tạo” - ông Phong nói.

Ông Phong cũng đưa hình ảnh của thung lũng Silicon tại Mỹ để định hướng cho sự phát triển của Khu Công nghệ cao tại TP Thủ Đức.

Theo ông Phong, ngành khoa học kỹ thuật đóng vai trò cốt lõi trong nâng cao tốc độ phát triển, tạo đà phát triển bên vững cho nền kinh tế thời kỳ 4.0. “Thung lũng Silicon của Mỹ không chỉ nghiên cứu mà còn tạo ra các sản phẩm công nghệ cao, đóng góp cho nền kinh tế” – ông Phong nói và cho rằng với tiềm năng vốn có, TP Thủ Đức với hạt nhân là Khu Công nghệ cao phải phát triển theo hướng đó.

Tuy vậy, ông cũng nhìn nhận một thực tế hiện nay là ngành khoa học công nghệ trên địa bàn TP dù có nguồn lực lớn nhưng khả năng ứng dụng vào thực tiễn chưa cao. Ngay cả Khu Công nghệ cao, số lượng lao động phổ thông còn chiếm tỷ lệ lớn.

Đối với các doanh nghiệp, tỷ lệ đổi mới sáng tạo trong giai đoạn 2016-2020 toàn thành phố chỉ đạt hơn 40%. “Tiềm lực khoa học công nghệ của TP rất lớn. Đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành luôn ở mức cao nhưng trong chừng mực nào đó, chúng ta chưa tạo ra cơ chế, chính sách để tận dụng được nguồn lực này” – ông Phong nói.

Để khắc phục những yếu điểm trên, trong thời gian tới, ông Phong đề nghị các sở ngành, đặc biệt là Sở Khoa học - Công nghệ phải giải được bài toán kết nối Nhà nước với các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp. Các sản phẩm nghiên cứu về công nghệ cần được ứng dụng vào thực tiễn, thương mại hóa giúp đem lại giá trị cao.

“Nói thì dễ nhưng chúng ta phải xem xét cần cơ chế, công cụ gì? Nếu chỉ bằng một quyết tâm, văn bản hay mệnh lệnh thì không thể làm được” – ông Phong nói và cho rằng TP muốn phát triển bền vững, muốn đi đầu trong cuộc cách mạng khoa học công nghệ thì phải thực hiện việc đổi mới sáng tạo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm