Chưa chuyển đổi đất rừng đã san ủi làm đường

(PLO)- Dù chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng nhưng các nhà thầu đã tiến hành san ủi cây để thi công dự án.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Dự án đường nối đường Hồ Chí Minh nhánh đông với đường Hồ Chí Minh nhánh tây được HĐND tỉnh Quảng Trị thông qua tại Nghị quyết 59 ngày 12-5-2021. Trong giai đoạn 1 sẽ đầu tư tuyến đường với chiều dài hơn 21 km, tổng mức đầu tư gần 230 tỉ đồng.

Tuyến đường có điểm đầu từ Km0 tại xã Vĩnh Ô (huyện Vĩnh Linh) đến Km21 tại xã Hướng Lập (huyện Hướng Hóa) đi qua rừng sản xuất, rừng tự nhiên và rừng đặc dụng. Trong giai đoạn này, tỉnh Quảng Trị ưu tiên triển khai xây dựng 15 km, từ Km0 đến Km15, đi qua rừng sản xuất và rừng tự nhiên.

Các nhà thầu bị lập biên bản, dừng thi công vì san ủi làm đường khi chưa đầy đủ thủ tục.
Ảnh: NGUYỄN DO

Chưa hoàn thành thủ tục đã thi công

Dự án với mục tiêu phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn, tiếp tế lương thực khi thiên tai bão lũ, phục vụ công tác quản lý, phòng, chống cháy rừng khu vực huyện Vĩnh Linh, Gio Linh. Mặt khác, từng bước hình thành đường nối từ đường ven biển - Quốc lộ 1 - đường Hồ Chí Minh nhánh đông, nhánh tây và hoàn thiện mạng lưới giao thông tỉnh.

Dự án do Sở GTVT tỉnh Quảng Trị làm chủ đầu tư, ba nhà thầu thi công gồm Công ty CP Thành An, Công ty CP Trường Danh và Công ty CP Xây dựng dịch vụ thương mại 68. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2021 đến 2024.

Tuy nhiên, trong khi tỉnh Quảng Trị còn đang triển khai làm thủ tục để trình Thủ tướng Chính phủ, các cấp có thẩm quyền phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng tự nhiên và rừng sản xuất thì tại hiện trường, dự án đã bắt đầu được triển khai.

Theo ghi nhận của PV, tại khu vực đầu tuyến ở trung tâm xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh, Công ty Thành An đã san ủi, hạ mặt đường, chở nhiều vật liệu đến hiện trường để làm đường. Ngoài ra, tại nhiều khu vực khác trên tuyến đường, việc thi công cũng đang được triển khai.

Phát hiện vụ việc, UBND xã Vĩnh Ô, Trạm kiểm lâm Bến Quan và Công an xã Vĩnh Ô đã tiến hành kiểm tra hiện trường, lập biên bản có sự chứng kiến của đại diện ba nhà thầu.

Theo đó, Công ty Thành An đã thi công ở ba vị trí với tổng chiều dài khoảng 1.450 m, Công ty Trường Danh thi công tại hai vị trí với khoảng 550 m, Công ty 68 thi công với chiều dài khoảng 600 m. Các vị trí đang thi công hầu hết là diện tích rừng trồng và đất quy hoạch cho lâm nghiệp của các hộ dân trong phạm vi diện tích tuyến đường đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.

Tại buổi làm việc, ông Trần Văn Tặng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ô, khẳng định xã chưa nhận được văn bản, hồ sơ liên quan để các đơn vị được tổ chức thi công theo quy định. Đặc biệt là chưa có quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất và chưa có quyết định phê duyệt phương án trồng rừng thay thế hoặc phê chuẩn nộp tiền trồng rừng thay thế.

Dự án này có đi qua diện tích rừng tự nhiên nên việc cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Giám sát chặt không để xâm phạm rừng tự nhiên

Do việc thi công trên chưa đầy đủ hồ sơ pháp lý, UBND xã Vĩnh Ô đã yêu cầu nhà thầu tạm dừng ngay các hoạt động thi công kể từ ngày 16-3-2023 cho đến khi hoàn thiện pháp lý. Sau khi sự việc xảy ra, Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Linh đã có văn bản gửi cơ quan chức năng báo cáo sự việc để xin chỉ đạo hướng xử lý.

Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, ông Đoàn Văn Phi, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Linh, cho biết về nguyên tắc khi chưa hoàn thiện tất cả hồ sơ, thủ tục thì không được thi công dự án.

Ảnh: Nguyễn Do

Ảnh: Nguyễn Do

“Dự án đi qua rừng trồng và rừng tự nhiên. Hiện nay, về diện tích rừng tự nhiên thì đơn vị thi công chưa làm gì, còn rừng sản xuất của dân thì họ đã thỏa thuận với người dân và tiến hành bồi thường, khai thác để giao đất. Dù vậy, theo nguyên tắc thì đất phải được chuyển đổi mới có thể thi công” - ông Phi nói.

Được biết dự án này có đi qua diện tích rừng tự nhiên nên việc cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Hiện lực lượng kiểm lâm đã sắp xếp lực lượng thường trực tại hiện trường để kịp thời phát hiện vi phạm nếu có, đặc biệt cảnh giác cao độ, bảo vệ diện tích rừng tự nhiên.

“Chúng tôi đã lập biên bản đề nghị công trình phải tạm dừng đợi hoàn thiện hồ sơ, các bên ký hết nhưng bên này ký, bên kia máy vẫn hoạt động” - ông Phi nói.

Việc các nhà thầu thi công không chấp hành theo quy định, Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Linh đã có văn bản báo cáo gửi Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị và UBND huyện Vĩnh Linh.•

Vì sợ trễ tiến độ giải ngân vốn

Ông Trần Hữu Hùng, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Trị, chủ đầu tư dự án tuyến đường, cho biết hiện dự án được tách ra làm hai phần, một phần ảnh hưởng rừng sản xuất, một phần là rừng tự nhiên. Trong đó, với rừng sản xuất thì việc phê duyệt thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh, rừng tự nhiên thì phải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ông Hùng thừa nhận việc thi công khi chưa đầy đủ hồ sơ thủ tục là chưa đúng. Tuy nhiên, tại khu vực đã san ủi người dân đồng ý bồi thường và thu hoạch hết cây nên việc thi công này không ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.

“Đúng ra phải chuyển đổi mục đích trước thì mới triển khai thi công nhưng nếu đợi thì sẽ chậm tiến độ, mất vốn” - ông Hùng lý giải.

Ông Hùng thông tin với diện tích rừng sản xuất địa phương đang làm hồ sơ, dự kiến trình HĐND phê duyệt việc chuyển đổi trong thời gian tới; còn đoạn 5 km rừng tự nhiên thì chủ đầu tư yêu cầu các nhà thầu không được xâm phạm. Hiện các cơ quan đang làm hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm