Theo công bố của Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc (Sở QH-KT TP.HCM), các tuyến đường còn giữ lại được nhiều biệt thự có giá trị tập trung ở quận 1 và quận 3. Đây là các tuyến đường giao thông nội bộ, ít chịu áp lực của việc phát triển kinh tế.
Vị trí các tuyến đường còn nhiều biệt thự ở khu vực quận 1 và 3.
Cụ thể có tám tuyến: Tú Xương, Nguyễn Thị Diệu, Võ Văn Tần (đoạn từ Cách Mạng Tháng Tám đến Nam Kỳ Khởi Nghĩa), Sương Nguyệt Ánh, Trương Định (đoạn từ Võ Thị Sáu đến Nguyễn Thị Minh Khai), Lê Quý Đôn, Phạm Ngọc Thạch (đoạn từ Võ Thị Sáu đến Nguyễn Thị Minh Khai), Phùng Khắc Khoan.
Thống kê biệt thự trước 1975 tại Sài Gòn qua sáu quận của Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc.
Các trục đường này trong quy hoạch đô thị từ thời Pháp là đặc trưng kiến trúc ô phố với biệt thự, trường học, nhà thờ… có không gian riêng biệt. Các con hẻm ở các ô phố này cũng vuông vắn, lối vào rộng rãi cho ô tô.
Tuy nhiên, trong khảo sát mới nhất của Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc, gần nửa số biệt thự cũ khu vực này đã biến mất. Trục Nguyễn Đình Chiểu từng có 53 căn hiện chỉ còn 24 căn; trục Hai Bà Trưng 40 căn giờ chỉ còn khoảng 20 căn, đường Lê Quý Đôn và Mạc Đĩnh Chi chỉ còn sáu trong tổng số 20 căn…
Dãy biệt thự ở đường Ngô Thời Nhiệm (quận 3) chia năm xẻ bảy cho thuê nhếch nhác.
Căn biệt thự cổ ở đường Gò Công (quận 5) xuống cấp trầm trọng.
Biệt thự số 8 Bãi Sậy (quận 8) bị cơi nới, phần còn lại hoang phế dù kiến trúc chi tiết rất đẹp.
Khu nhà bốn mặt tiền Nguyễn Văn Hảo (quận 1) cũng nhếch nhác với hàng chục gian bán hàng.
Dẫu những biệt thự trên nhếch nhác, xuống cấp nhưng khả năng có thể bảo tồn, trùng tu, tôn tạo vẫn còn. Và còn rất nhiều biệt thự cổ của Sài Gòn rơi vào cảnh bãi đất trống trơ đá.
Biệt thự 6C Tú Xương chỉ còn là bãi đất tạm cho thuê giữ xe.
Biệt thự 237 Nơ Trang Long (Bình Thạnh) sau hai năm dùng dằng đập hay bảo tồn cũng đã bị san phẳng.
Mặt tiền ngôi biệt thự cổ 237 Nơ Trang Long trước khi bị san phẳng. Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH
Những đầu cột từ biệt thự 237 Nơ Trang Long được mua lại với giá 1 triệu đồng/cột.