Chuyển đổi số giúp ngành điện nâng cao chất lượng dịch vụ, lưới điện

(PLO)-Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xác định ưu tiên chuyển đổi số nhằm thu hút khách hàng tham gia các kênh giao tiếp số và ứng dụng công nghệ để rút ngắn thời gian xử lý công việc.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Với tiêu chí chuyển đổi số để thu hút khách hàng tham gia các kênh giao tiếp số và làm hài lòng khách hàng trên các kênh giao tiếp này, thời gian qua, Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) đã áp dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI) vào sản xuất, kinh doanh.

Ông Ngô Tấn Cư, Tổng Giám đốc EVNCPC cho biết, chuyển đổi số được hiểu là việc chuyển hết hoạt động sản xuất kinh doanh lên môi trường mạng. Trong quá trình đó, khách hàng là trung tâm của chuyển đổi số, ngành điện phải áp dụng công nghệ thông tin, lưới điện thông minh, công tơ điện tử,… “EVNCPC đặt mục tiêu cơ bản đến tháng 6-2022 hoàn thành chuyển đổi số”, ông Cư nói.

Theo ông Cư, các địa phương như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Kon Tum đã đạt tỉ lệ 100% công tơ điện tử. Ông cho biết, thao tác thủ công dễ dẫn đến sai sót, qua nhiều tầng nấc, nhưng khi áp dụng công tơ điện tử, quá trình này đều tự động cập nhật, giảm thiểu sai sót và khiếu nại từ khách hàng.

PTC2 giới thiệu với đoàn kiểm tra EVN về hệ thống giám sát đường dây và thiết bị bay.

PTC2 giới thiệu với đoàn kiểm tra EVN về hệ thống giám sát đường dây và thiết bị bay.

EVNCPC cũng hỗ trợ khách hàng theo dõi tình hình sử dụng điện hàng ngày, theo dõi được tiến độ xử lý các yêu cầu dịch vụ điện và được cảnh báo khi có “bất thường”. Thông qua việc này, EVNCPC đã phát hiện sớm được 514.551 sản lượng tăng/giảm bất thường, 1.036 trường hợp hệ thống điện của khách hàng bị chạm chập và hỗ trợ xử lý trước khi sự cố đáng tiếc xảy ra.

EVNCPC cũng đã ứng dụng công nghệ để rút ngắn thời gian xử lý yêu cầu của khách hàng như đưa hệ thống chatbot, tổng đài trả lời tự động; số hóa các nghiệp vụ hiện trường để cải tiến quy trình cấp điện mới. Chỉ số tiếp cận điện năng giảm xuống còn 1,78 ngày/công trình. Năm 2021, thông qua khảo sát, mức độ hài lòng của khách hàng tăng từ 88 lên 99%.

Bên cạnh đó, ông Đỗ Minh Cường, Trưởng ban viễn thông CNTT cho hay, EVNCPC đã ứng dụng AI để xử lý 100% hình ảnh hiện trường và đang thử nghiệm kết hợp flycam với AI, thay cho công tác kiểm tra đường dây thủ công.

Thời gian qua, EVNCPC đã chuyển 100% các trạm biến áp 110kV vận hành không người trực, tiến tới vận hành lưới điện thông minh hơn. EVNCPC đã xóa bỏ giấy bút trong khâu kiểm tra lưới điện; công tác kiểm tra của công nhân được thực hiện nhanh chóng trên App Mobile.

Tại Công ty Truyền tại điện 2 (PTC2), chuyển đổi số được triển khai rất hiệu quả. PTC2 là đơn vị tiên phong trong Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) áp dụng thiết bị bay và AI vào quá trình vận hành, giám sát lưới điện.

EVNCPC triển khai các kênh giao tiếp số để hỗ trợ khách hàng.

EVNCPC triển khai các kênh giao tiếp số để hỗ trợ khách hàng.

Ông Nguyễn Duy Dũng, Phó Giám đốc PTC2 chia sẻ, PTC2 được giao đề tài nghiên cứu xây dựng hệ thống quản lý đường dây truyền tải điện, trong đó ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Đề tài được triển khai thực hiện cho 21 đội truyền tải điện trực thuộc công ty và dự kiến hoàn thành đúng tiến độ (6-2022).

Theo đó, PTC2 xây dựng hệ thống phần mềm quản lý đường dây, nhằm số hóa hồ sơ/sổ sách quản lý; ứng dụng kiểm tra đường dây bằng thiết bị bay không người lái tự động theo lịch trình định sẵn; triển khai công tác kiểm tra lưới điện thông qua phiếu giao/nhận nhiệm vụ trên phần mềm quản lý.

Thông qua phương thức này, đội trưởng sẽ giám sát được quy trình thao tác của công nhân từ xa. Đặc biệt, từ tháng 6-2021, PTC2 triển khai nghiên cứu ứng dụng AI vào hệ thống camera quan sát đường dây (được gắn trên đỉnh cột). Điều này giúp tự động nhận diện phương tiện cơ giới xâm phạm hành lang an toàn lưới điện, phát hiện cháy rừng và tự động gửi tin nhắn cảnh báo về người quản lý.

Ông Dương Quang Thành, Chủ tịch HĐTV EVN: Năm 2022 với chủ đề "Thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả", là năm thứ hai EVN thực hiện "Đề án tổng thể chuyển đổi số trong EVN đến năm 2020, tính đến năm 2025". Năm 2022, EVN dự kiến cơ bản hoàn thành chuyển đổi số và tạo tiền đề để hoạt động theo mô hình doanh nghiệp số vào năm 2025.

EVN yêu cầu các đơn vị thành viên cần tập trung triển khai những nhiệm vụ chuyển đổi số được giao đúng tiến độ; trong đó có 4 lĩnh vực trọng yếu: Quản trị nội bộ, đầu tư xây dựng, sản xuất, kinh doanh và dịch vụ khách hàng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm