Chuyên gia giải mã nội hàm chuyến thăm Việt Nam của bà Harris

Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đã kết thúc chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 24 tới 26-8 với nhiều kết quả được giới chuyên gia đánh giá là cụ thể, thiết thực, mở ra nhiều tiềm năng cho quan hệ hai nước.

Trao đổi với Pháp luật TP.HCM, Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Nguyên Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh chỉ ra nhiều nội hàm quan trọng trong sự kiện, với ý nghĩa lớn nhất là Mỹ vẫn đánh cao Việt Nam với vai trò là một đối tác lớn trong việc tận dụng các cơ hội để cùng nhau phát triển và giải quyết các thách thức chung ở khu vực trong tương lai.

Cánh cửa tăng cường thương mại song phương

 . Phóng viên: Thưa Đại sứ, đâu là những kết quả quan trọng nhất, tạo cho ông ấn tượng nhất trong chuyến thăm Việt Nam của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris vừa qua?

+ Đại sứ Phạm Quang Vinh: Chuyến thăm của bà Harris có nhiều mục đích, cả về vấn đề ngoại giao song phương Việt - Mỹ lẫn những thông điệp đối với khu vực Đông Nam Á và rộng hơn là châu Á - Thái Bình Dương.

Đầu tiên, điều làm tôi và có lẽ là nhiều người khác nữa ấn tượng nhất là câu chuyện hai nước cam kết hợp tác về phòng, chống đại dịch COVID-19. Cụ thể, bà Harris đã cam kết rằng Mỹ sẽ tiếp tục đồng hành và sát cánh cùng Việt Nam trong nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh, thể hiện ngay lập tức qua hành động viện trợ Việt Nam một triệu liều vaccine COVID-19 trong vòng 24 giờ.

Bà Harris sau đó cũng khai trương văn phòng Đông Nam Á của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ ở thủ đô Hà Nội. Văn phòng này không chỉ có ý nghĩa về phòng chống dịch COVID-19 mà còn mang lại nhiều ý nghĩa tích cực cho nghiên cứu y tế cộng đồng đối với các dịch bệnh nói chung trong tương lai. Văn phòng này cũng không chỉ phục vụ lợi ích cho Việt Nam mà còn cho cả khu vực Đông Nam Á và rộng hơn nữa.

Thứ hai, Phó Tổng thống Mỹ đã trao đổi với lãnh đạo Việt Nam để ứng phó trước các tác động của COVID-19 lên nền kinh tế. Chúng ta đều thấy việc phòng, chống dịch có rất nhiều những hệ lụy liên quan đến cộng đồng xã hội, kinh tế, sản xuất và chuỗi cung ứng. Tình thế hiện nay đòi hỏi Việt Nam và Mỹ phải hợp tác để hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp, người dân kịp thời và ngăn chặn đứt gãy của các chuỗi cung ứng.

Cuối cùng, tôi cho rằng chuyến thăm của bà Harris lần này không chỉ đơn thuần là đến để cam kết mạnh mẽ hơn đối với quan hệ đối tác Việt - Mỹ mà giữa hai bên đã cho triển khai một loạt những sáng kiến và dự án cụ thể để cùng nhau hợp tác. Đơn cử, rất nhiều sáng kiến đã được đưa ra nhằm tạo điều kiện cho dòng hàng hoá di chuyển qua lại giữa thị trường hai nước thuận lợi hơn.

Những câu chuyện liên quan đến kinh tế xanh và năng lượng sạch cũng được quan tâm, với Mỹ công bố một loạt dự án về năng lượng sạch và ứng dụng công nghệ vào phục vụ nông nghiệp. Mỹ cũng tính cả về những việc liên quan tới chuỗi cung ứng trong tương lai sau đại dịch, trong đó có hỗ trợ Việt Nam về số hoá, giáo dục và nâng cao chất lượng của lực lượng lao động.

. Trong cuộc họp báo chiều ngày 26-8, bà Harris nhắc đến cơ hội tăng cường hợp tác kinh tế song phương, trong đó bà có nhắc đến Việt Nam như một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng cũng như các cơ hội về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Ông đánh giá như thế nào và kỳ vọng như thế nào về cơ hội thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương sau chuyến thăm này?

+ Thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ đến giờ đã đạt hơn 90 tỉ USD. Đó là con số rất lớn. Có rất nhiều doanh nghiệp Mỹ và nước khác đang làm ăn ở Việt Nam, cũng như doanh nghiệp của Việt Nam và Mỹ từ bên ngoài xuất hàng vào thị trường Việt Nam. Do đó, Việt Nam, Mỹ và toàn khu vực đã nằm trong chuỗi cung ứng chung của thế giới rồi. Câu chuyện bây giờ là làm sao tìm ra được những biện pháp giữ vững chuỗi cung ứng này.

Một điểm khác mà tôi cũng đã lưu ý ở trên là hiện nay giữa Việt Nam và Mỹ, đặc biệt là dưới thời Tổng thống Joe Biden, đang mở ra một loạt cơ hội hợp tác trên nhiều lĩnh vực mới như thương mại điện tử, năng lượng sạch và kinh tế xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu và ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Khi dần dần những vấn đề này được ta kiểm soát và mở rộng, thì nó sẽ tạo điều kiện cho những luồng đầu tư mới trong những lĩnh vực non trẻ như vậy chảy vào Việt Nam, không chỉ dừng lại những lĩnh vực đã lớn mạnh từ đó đến giờ.

Tôi muốn lưu ý thêm rằng bản chất Việt Nam và Mỹ đã là hai nền kinh tế có độ tương tác cao và là đối tác quan trọng của nhau. Mình cần công nghệ chất lượng của Mỹ thì mình cũng sẽ xuất lại hàng hóa với chất lượng tương tự, từ linh kiện điện tử đến các sản phẩm dệt may, nông sản sang cho họ. Chuỗi cung ứng hai nước từ đó sẽ được tăng cường hơn rất nhiều.

Thời gian tới, nhiều khả năng các công ty lớn, các tập đoàn lớn của Mỹ đang làm ăn ở Việt Nam sẽ tiếp tục đổ thêm vốn và công nghệ vào Việt Nam để làm ăn, chúng ta cần nương vào diễn biến này để khai thác cho sâu những lĩnh vực mới mà chính quyền hai nước đang mở ra. Hơn nữa, để các doanh nghiệp đó tự do đầu tư lẫn nhau thì tự bản thân các doanh nghiệp đó đã tạo ra một một không gian chuỗi cung ứng mới không chỉ giữa Việt Nam và Mỹ mà còn giữa Việt Nam với khu vực và thế giới.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris trong cuộc họp báo kết thúc chuyến thăm ở thủ đô Hà Nội ngày 26-8. Ảnh: AP

ASEAN, Mỹ và cấu trúc an ninh khu vực giai đoạn mới 

. Về vấn đề an ninh, bà Harris nhiều lần nhắc đến cam kết của Mỹ với các đồng minh, đối tác trong khu vực, nhất là ở Biển Đông trong đó có Việt Nam. Liệu Mỹ sẽ xây dựng một mô hình kiến trúc an ninh như thế nào và bằng giải pháp gì để có thể đảm bảo cam kết của họ trong tương lai, nhất là khi Trung Quốc trỗi dậy như một thách thức lớn về an ninh ở khu vực Biển Đông?

+ Những năm gần đây, Mỹ mang tới nhiều chiến lược mới về khuôn khổ hợp tác an ninh khu vực như đề ra các khái niệm về châu Á - Thái Bình Dương, về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Nước Mỹ dưới thời ông Biden tiếp tục coi trọng những cam kết và tiếp tục thúc đẩy quan hệ với các nước trong khu vực, bao gồm cả quan hệ về mặt song phương lẫn đa phương, tham gia vào các diễn đàn ASEAN và ASEAN+.

Bên cạnh đó, chính quyền ông Biden cũng tiếp tục nhấn mạnh rằng hoà bình, ổn định và hợp tác dựa trên luật lệ là những điều kiện thiết yếu của Đông Nam Á. Điều này trùng khớp với nguyện vọng hợp tác cùng phát triển trong hoà bình, dựa trên luật pháp quốc tế của của nhiều nước trong khu vực với ASEAN giữ vai trò trung tâm.

Mục tiêu xây dựng một cộng đồng liên kết, chung sống hoà bình và hợp tác với tất cả các nước của ASEAN là cơ sở quan trọng để các nước khác dù có cạnh tranh nhau, dù có khác biệt nhau vẫn có thể ngồi lại với nhau được. Do đó, bản thân đã là một đối tác lớn cả về chính trị, an ninh lẫn kinh tế của khu vực nên những đóng góp tích cực của Mỹ vào đây rất được hoan nghênh. Đây cũng là góc nhìn chung của đại đa số thành viên ASEAN.

Mỹ cũng có nhu cầu hợp tác với ASEAN để nắm bắt những cơ hội hợp tác chung về kinh tế, về xây dựng môi trường hòa bình, chống đối khí hậu và đẩy lùi dịch bệnh.

Những thách thức chung, trong đó câu chuyện Biển Đông là nổi trội nhất, cũng là thứ mà hai bên cùng quan tâm bởi nó kéo theo các vấn đề về tuân thủ luật pháp quốc tế, cụ thể hơn là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982. Cả Mỹ và ASEAN đều nhận thức rõ là phải đóng góp vào gìn giữ và thúc đẩy môi trường hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không và không làm gì phức tạp thêm tình hình, chú trọng, đối thoại xây dựng để cùng nhau tránh xảy ra sự cố trên biển Đông.

Tóm lại, cấu trúc an ninh khu vực, khuôn khổ an ninh hợp tác châu Á - Thái Bình Dương là những thứ mà một mình Mỹ không thể nào xây dựng được. Kiến trúc an ninh tại đây cần phải có sự tham gia đóng góp từ chính các nước trong khu vực và những nước lớn khác có chung lợi ích ở đây.

Về mặt tích cực nhất, sự hiện diện của Mỹ ở Đông Nam Á đã tạo ra sự cân bằng về an ninh, tạo ra sự hợp tác lớn hơn về kinh tế, chính trị và cả về ứng phó trước các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống chung. ASEAN với những cơ chế ngoại giao đa dạng của mình vẫn tiếp tục giữ vai trò trung tâm khu vực.

Quan hệ Việt - Mỹ vẫn còn nhiều dư địa để phát triển

 . Thưa đại sứ, cả Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ và Bà Harris trong cả hai chuyến thăm đều đề cập việc nghiên cứu nâng cấp quan hệ song phương lên tầm chiến lược. Là một Đại sứ từng làm việc nhiều năm ở Mỹ và cũng là một nhà ngoại giao tiếp xúc nhiều với chính khách Mỹ, xin ông cho biết nội hàm thật sự mà phía Mỹ kỳ vọng trong quan hệ với Việt Nam qua đề xuất vừa qua là gì?

+ Trước hết, đối với Việt Nam, trong chính sách đối ngoại chung của mình, để đảm bảo môi trường cả về hòa bình, an ninh và phát triển, thì chúng ta rất coi trọng chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa và đa dạng hóa; rất coi trong quan hệ với các nước láng giềng và nước lớn. Mỹ là một nước lớn, là đối tác quan trọng của nhiều quốc gia trên thế giới cả trong lĩnh vực chính trị lẫn trong lĩnh vực kinh tế-thương mại.

Trong các cuộc tiếp xúc kỳ này, có thể thấy Mỹ cũng rất xem trọng mối quan hệ đối tác với Việt Nam. Quan hệ Việt Nam-Mỹ trong thời gian qua đã tạo ra được những lợi ích thực chất và có những bước tiến quan trọng. Ngoài ra, qua các cuộc trao đổi giữa bà Kamala Harris và lãnh đạo Việt Nam cho thấy quan hệ hai nước vẫn còn nhiều tiềm năng và dư địa để có thể phát triển và nâng cao hơn nữa mối quan hệ này.

Hai nước đã vượt lên trên những thách thức của quá khứ, vượt qua những trở ngại về khác biệt thể chế để trở thành đối tác toàn diện như ngày nay. Mỹ liên tục nhấn mạnh rằng chính sách của họ luôn ủng hộ một Việt Nam mạnh, thịnh vượng và độc lập. Những quan điểm chính sách như vậy là rất phù hợp. Trong bối cảnh đó, trong các cuộc gặp lần này cả hai đều cho thấy mong muốn làm sâu sắc hơn mối quan hệ lâu nay. Cá nhân tôi cũng cho rằng quan hệ Việt Nam - Mỹ cũng cần được xây dựng và nâng cao hơn nữa.

Vì vậy, ý tưởng nâng cấp quan hệ hai nước mà bà Harris đưa ra cho thấy Mỹ xem trọng Việt Nam vừa ở góc độ song phương, vừa ở tầm khu vực. Vậy ý tưởng nâng cấp quan hệ của Mỹ có nội hàm thế nào? Tôi rất nhớ buổi họp báo của bà Harris khi chuyến thăm kết thúc. Có nhà báo hỏi bà Harris về ý nghĩa của đề xuất nâng cấp quan hệ lên tầm chiến lược trong chuyến thăm này. Cách bà Harris cũng rất phù hợp lợi ích hai nước.

Bà Harris nhấn mạnh tính "chiến lược" (trong ý tưởng của phía Mỹ) không chỉ là cùng nhau ứng phó với những thách thức chung mà còn là cùng nhau khai thác những cơ hội chung; không chỉ nhìn tại thời điểm bây giờ mà cùng nhìn xa hơn trong tương lai. Những nội dung này bao hàm rất nhiều lĩnh vực, chứ chúng ta đừng chỉ nhìn vào vấn đề an ninh.

Tôi lấy ví dụ, bà Harris nói rõ tính chiến lược ở chỗ cả hai sẽ cùng nhau chống dịch COVID-19 hiện nay nhưng tương lai có thể cùng nhau chống những đại dịch khác (nếu có), hoặc không chỉ dịch bệnh mà còn mỡ rộng ra là chăm sóc sức khỏe cộng đồng, chăm lo an sinh cho người dân. Việc mở văn phòng CDC của Mỹ ở Việt Nam cho thấy tầm nhìn dài hạn và rất rộng trong quan hệ hai nước - không chỉ phòng dịch bệnh mà còn hệ thống y tế công cộng; không chỉ ở Việt Nam mà còn với Đông Nam Á mở rộng. 

Hay như câu chuyện về thương mại cũng vậy. Khi tôi nhận nhiệm vụ sang làm Đại sứ Việt Nam tại Mỹ năm 2014, thương mại hai chiều Việt-Mỹ chỉ khoảng trên 36 tỷ USD. So với giai đoạn 1995 (khi bắt đầu giai đoạn bình thường hóa), thì con số ấy đã tăng khoảng 70 lần. Đến năm 2018, con số này đã vượt mốc 70 tỷ USD, tức đã tăng gấp đôi trong vòng khoảng bốn năm.

Từ 2018 đến nay là giữa cuối năm 2021, con số ấy tiếp tục tiến về mốc 100 tỷ USD. Mỹ hiện nay đã trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất từ Việt Nam. Như vậy, hợp tác thương mại là một mũi nhọn chiến lược khi mang lại nhiều lợi ích cho cả hai nước.

Hay như trong chuyện ứng phó biến đổi khí hậu cũng tương tự. Mỹ dưới thời ông Biden đã trở lại chính sách ưu tiên ứng phó biến đổi khí hậu. Họ cũng có nhiều công nghệ xanh-sạch, tiết kiệm năng lượng; có hệ thống nghiên cứu và kiến thức tiên tiến về vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu. Việt Nam cần những thế mạnh này từ Mỹ. Đơn cử, Việt Nam cần cho Đồng Bằng Sông Cửu Long, khu vực đối diện nhiều nguy cơ từ vấn đề xâm nhập mặn, nước biển dâng cao; cần cho tiểu sông Mê Kông  để an toàn nguồn nước và bảo vệ môi trường; cần để phát triển điện gió, Mặt trờ, khí hóa lỏng...

Nói như vậy để cho thấy rằng tính chiến lược trong suy nghĩ từ phía Mỹ nó rất rộng, bao gồm nhiều lĩnh vực, không chỉ phục vụ cho chính trị, ngoại giao, kinh tế-thương mại mà còn cho rất nhiều lợi ích thiết thực cho đời sống của người dân của cả hai nước. Đúng như ý của bà Harris, khi nói đến ý tưởng "chiến lược" thì đừng nghĩ chăm chăm nhìn vào vấn đề an ninh.

. Làm sao để có thể thúc đẩy quan hệ hai nước sâu sắc hơn, hiệu quả hơn?

+ Tôi cũng tiếp tục dẫn lời Phó Tổng thống Mỹ, rằng hai nước cần tăng cường trao đổi để hiểu biết lẫn nhau nhiều hơn; đồng thời chia sẻ lợi ích cùng nhau. Nếu chúng ta có càng nhiều điểm tương đồng, càng hiểu biết lẫn nhau thì việc chung tay để tranh thủ cơ hội, tìm cách ứng phó thách thức hiện nay và tương lai sẽ càng dễ dàng và hiệu quả hơn. 

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng trong quan hệ Việt Nam với Mỹ hay bất kỳ nước nào khác, chắc chắn sẽ có những điểm khác biệt. Khác biệt là không thể tránh khỏi, không chỉ về thể chế mà còn có thể là quan điểm, lợi ích kinh tế, an ninh... Như vậy, khi cả hai cùng tăng cường quan hệ, trao đổi nhiều hơn, hiểu biết nhau nhiều hơn và kỳ vọng hợp tác nhiều hơn thì cả hai sẽ càng dễ tìm ra các cơ chế để quản trị những điểm khác biệt hoặc những rủi ro có thể phát sinh từ những khác biệt ấy.

Tôi rất ấn tượng với câu chuyện chính quyền Biden khi mới bắt đầu vận hành đã giải quyết rất nhanh chóng và hiệu quả câu chuyện khác biệt về "gắn nhãn thao túng tiền tiền" dưới thời Tổng thống Donald Trump đối với Việt Nam. Chính quyền Biden đã sớm lập kênh đối thoại với Việt Nam để cả hai cùng trao đổi và lắng nghe nhau.

Kết quả là cả hai đã đi đến thỏa thuận hồi tháng 7 vừa rồi giữa Bộ Tài chính Mỹ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về vấn đề tiền tệ. Bộ Tài chính Mỹ ra thông cáo khẳng định sẽ thông báo cho các cơ quan Chính phủ khác của Mỹ về việc đã đạt được thỏa thuận với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để giải quyết những lo ngại về các thông lệ tiền tệ. Tôi kỳ vọng rằng cả hai bên sẽ tiếp tục có sự lắng nghe và thông hiểu nhau để có được những cơ chế quản lý rủi ro như vậy.

Xin cám ơn ông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm