Thời gian gần đây, trên một số tuyến đường ở TP.HCM xuất hiện nhiều hiện tượng sụp, lún gây mất an toàn giao thông cho người và phương tiện qua lại. Nhiều hố sụp có kích thước lớn, được đánh giá là những “hố tử thần” có thể “nuốt chửng” cả một chiếc xe tải lớn.
Một hố rộng khoảng 3 m, dài 5 m và sâu đến 8 m tại giao lộ Phan Văn Trị - Lê Thị Hồng (quận Gò Vấp) xuất hiện vào sáng 3-11. Ảnh: NGUYỄN TÂN
Lo tai nạn cận kề
Theo ghi nhận của PV, tại khu vực cổng phụ đi vào khu chế xuất (KCX) Linh Trung 1 (gần cửa hàng xăng dầu KCX Linh Trung 1, quận Thủ Đức) xuất hiện một hố sụp với bề rộng khoảng 50 cm, xung quanh miệng hố có nhiều vết nứt kéo dài, có nguy cơ lan rộng.
Ông Châu Văn Đài (quận Thủ Đức) cho biết hố này xuất hiện vài tuần nay, mỗi lần đi qua đây ông đều chú ý để né hố này. Theo ông Đài, dù miệng hố hiện tại còn nhỏ nhưng không rõ sâu như thế nào, nếu không sửa chữa sớm sẽ gây nguy hiểm cho người qua lại vì các xe chạy qua có thể làm nó to hơn.
Theo đại diện KCX Linh Trung 1, nguyên nhân xuất hiện hố này là do hệ thống cống rò rỉ khiến nước tuôn ra gây sụp, lún một đoạn. “Sau khi phát hiện, đơn vị đã lập tức khoanh vùng, rào chắn để đảm bảo an toàn giao thông và hiện chúng tôi đã thuê nhà thầu cho tiến hành sửa chữa. Dự kiến việc khắc phục sự cố sẽ hoàn thành trong 10 ngày tới” - vị này cho biết.
Mới đây, vào sáng 3-11, tại giao lộ Phan Văn Trị - Lê Thị Hồng (quận Gò Vấp) cũng xuất hiện một hố rộng khoảng 3 m, dài 5 m và sâu đến 8 m. Phía dưới hố có một cống thoát nước bê tông, nhiều dây cáp, điện... Trước đó, vào ngày 7-8, gần vị trí hố sụp này cũng xuất hiện “hố tử thần” ngay tại vị trí dừng đèn đỏ, hố có đường kính khoảng 4 m, sâu 2 m, khoét hàm ếch ra hai bên, hố sụp xuất hiện sau một trận mưa lớn.
Cần giải pháp cấp bách
Trao đổi với PV, PGS-TS Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Hội Cầu Đường Cảng TP.HCM, đưa ra hai giải pháp, trong đó có giải pháp cấp bách và giải pháp lâu dài để hạn chế tình trạng sụp, lún mặt đường.
Theo đó, giải pháp trước mắt là cần trang bị cho các đơn vị quản lý công trình ngầm các thiết bị dò tìm hiện đại (như CCTV - Closed Circuit Television). Những thiết bị này nhằm khảo sát, điều tra dò tìm các sự cố đường ống không phá hoại mặt đường và máy Georadar để dò tìm, dự báo và phát hiện các sự cố để xử lý trước khi xảy ra sụp, lún. Bên cạnh đó, TP cần xây dựng cơ chế, quy định phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các đơn vị quản lý công trình ngầm về xử lý các vấn đề có liên quan và có biện pháp chế tài nghiêm khắc, đủ sức răn đe với đơn vị vi phạm.
Về mặt quản lý, cần thành lập ngay cơ quan quản lý không gian ngầm của toàn TP. Cơ quan này sẽ quản lý các vấn đề nóng hiện nay như quản lý và cập nhật dữ liệu công trình ngầm toàn TP, lập quy hoạch, chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án, lập hồ sơ hoàn công…
“Ngoài giải pháp cấp bách cũng cần những giải pháp lâu dài như nâng cấp chương trình GIS (quản lý lún, sụp mặt đường) hiện có của đoàn chuyên gia lên thành chương trình HCMGIS-3D (quản lý sụt, lún mặt đường bằng công nghệ 3D), GPS… để quản lý không gian ngầm chung cho toàn TP. Bên cạnh đó, TP đề xuất hướng nghiên cứu các quy trình, quy định về thi công, nghiệm thu, hoàn công khi thi công các công trình ngầm trong đô thị để không xuất hiện các hố ngầm sau khi thi công và trong suốt quá trình sử dụng” - ông Trường nói.
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch đô thị, cho rằng đơn vị quản lý cần có bản đồ địa chất của TP để khi phê duyệt công trình xem xét giải pháp nền móng có phù hợp không. “Ngoài ra, việc bơm nước ngầm trong đô thị lớn cũng có nhiều hệ lụy như đất sụp, tình trạng xâm lấn nhiễm mặn, nhất là khu đô thị gần biển. Vì thế, TP không khuyến khích người dân bơm nước ngầm để sử dụng, song song phải cung cấp đầy đủ hạ tầng cấp nước cho người dân” - kiến trúc sư Nam Sơn nhấn mạnh.
Ba nhóm nguyên nhân gây ra sụp, lún
Thứ nhất là nhóm do thi công và công trình: Các công trình hạ tầng kỹ thuật hiện hữu được xây dựng qua nhiều thời kỳ, đã và đang xuống cấp khi có tác động sẽ dễ gây xì, bể, lún sụp. Đối với hệ thống thoát nước cũng được xây dựng đã lâu (với nhiều loại tải trọng khác nhau) đã quá niên hạn sử dụng nhưng chưa được thay mới hoặc sửa chữa kịp thời. Bên cạnh đó, một số công trình ngầm không còn khai thác sử dụng nhưng đơn vị quản lý khi hủy bỏ không xử lý (bơm cát, vữa bít kín lòng ống) gây lún, sụp mặt đường…
Thứ hai là do công tác quản lý: Chưa có một sơ đồ hoặc bản đồ công trình ngầm toàn TP phục vụ cho việc quy hoạch, quản lý và phát triển không gian ngầm hiện nay và trong tương lai. Đến nay, các quy định về quy hoạch, tiêu chuẩn, quy trình cụ thể cho các loại công trình ngầm vẫn chưa hoàn chỉnh, việc quản lý các công trình ngầm về mặt quản lý nhà nước, sử dụng, khai thác vẫn còn nhiều bất cập, không đồng bộ…
Thứ ba là nhóm do địa chất thủy văn: Nguyên nhân trực tiếp gây nên các hố sụp là dòng nước ngầm trong nền đường được tạo ra từ các đường ống cấp, thoát nước bị hư hỏng đột xuất. Bên cạnh đó là dòng ngầm do nước thấm rỉ từ các đường cống thoát nước thông qua các hố ga thu nước không được hàn kín. Việc thi công đào lấp các công trình hạ tầng không đạt chất lượng gây ra hư hỏng các tuyến cống cấp nước và các đường cống thoát nước, làm hở mối nối các hố ga thu nước. Từ đó, tạo nên dòng nước ngầm tạm thời trong nền đường gây ra hiện tượng xói rỗng và xói ngầm tạo nên hố sụp.
PGS-TS HÀ NGỌC TRƯỜNG,Phó Chủ tịch Hội Cầu Đường Cảng TP.HCM