Ngày 18-10, Sở Công Thương TP.HCM đã có buổi họp báo thông tin sơ bộ kết quả sau ba ngày thực hiện theo chỉ đạo của UBND TP.HCM về việc không cho heo không có đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc được nhập vào chợ đầu mối Hóc Môn và chợ Bình Điền.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, rạng sáng 16-10 tổng lượng heo vào chợ đầu mối là 7.961 con heo, trong đó chợ Hóc Môn là 5.046 con heo, chợ Bình Điền 2.915 con heo.
Kiểm tra thực tế tại chợ đầu mối Hóc Môn cho thấy tỉ lệ heo có đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc (thông tin từ cơ sở chăn nuôi, cán bộ thú y trại, cán bộ thú y tại lò giết mổ, thương nhân và chủ lò kinh doanh heo mảnh, thú y kiểm tra đầu ra heo mảnh) là 22%. Riêng chợ đầu mối Bình Điền là 0%.
Đến hôm nay (18-10) tỉ lệ heo có đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc tăng lên 76%, chợ Bình Điền tăng chậm (chỉ có 6%).
Cùng với phản ứng của thương nhân về việc họ chưa biết phải thực hiện, nên những ngày qua heo chưa có đầy đủ thông tin truy xuất vẫn được ban quản lý hai chợ cho nhập vào.
Tỉ lệ heo không có đầy đủ thông tin truy xuất ở chợ Bình Điền còn nhiều.
Lý giải về việc vì sao tỉ lệ heo không có đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc tại chợ Bình Điền còn hạn chế, ông Tsàn A Sìn, Phó Giám đốc chợ đầu mối Bình Điền, nói:
Thứ nhất, do nguồn heo về chợ chủ yếu ở miền Tây gồm Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long. Điều này không giống chợ Hóc Môn là nguồn heo từ các tỉnh miền Đông. Heo ở miền Tây chủ yếu nuôi nhỏ lẻ, đặc biệt như Bến Tre người chăn nuôi thậm chí không có mã code, không mua được vòng để đeo. Vì vậy bản thân các thương lái đi gom vài con heo từng hộ gia đình về lò mổ họ cũng lúng túng.
Thứ hai, không giống những trang trại nuôi heo tập trung được tập huấn, biết kỹ năng sử dụng phần mềm, những hộ nông dân thì không có điều kiện như vậy. Ngoài ra, một trong những yêu cầu sử dụng phần mềm thì hạ tầng về sóng WiFi còn hạn chế. Cùng với đó là chi phí thiết bị đi kèm thì thương lái ở chợ họ thông báo các hộ nông dân khó khăn.
Thứ ba là sự phối hợp của một số lò mổ ở Long An chưa tốt. Mới nhất là ngày 17-10, chúng tôi đã thống kê những lò mổ mà thú y không phối hợp báo cáo lên Sở Công Thương.
“Thực tế xảy ra trường hợp nhằm hợp thức hóa yêu cầu của đề án về truy xuất nguồn gốc heo, một vài thương lái về miền Tây gom heo ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, sau đó lấy vòng kích hoạt heo ở miền Đông Nam bộ đeo vào đem đi mổ.
Khi kiểm tra hệ thống kiểm soát, chúng tôi thấy heo ở miền Đông mổ ở Long An nhưng thật sự là lái gom heo từ miền Tây. Chính điều này làm cho tỉ lệ heo có đầy đủ thông tin ở chợ Bình Điền không tăng lên như kỳ vọng” - ông Sìn kể.
Trước đó, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong việc triển khai thực hiện đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo trên địa bàn TP.HCM.
Văn bản nêu rõ từ ngày 16-10-2017, kiên quyết không cho phép thịt heo không đeo vòng nhận diện và không có đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc nhập chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn và Bình Điền.
Ông Sìn cho biết để thời gian tới cải thiện được tỉ lệ heo có truy xuất nguồn gốc vào chợ tăng lên cần có sự hợp tác với những lò mổ trong việc kích hoạt. Vì nền tảng hạ tầng miền Tây không bằng Sài Gòn, kỹ năng của người chăn nuôi cũng thiếu nên chợ Bình Điền “đặt hàng” Hội Công nghệ cao hướng dẫn cho thương lái các tỉnh, hỗ trợ lò mổ… để thực hiện chủ trương chung của thành phố. |