Có hay không lấn chiếm đất công?
Trong đơn cầu cứu gửi tới báo Đất Việt, anh Châu Quốc Tuấn, trú 15 đường số 6, phường Hiệp Phú, quận 9, TP.HCM cho biết mình đang rất hoang mang khi nhận được thông tin chính quyền địa phương sẽ thu hồi 3.614 m2 đất mà anh và gia đình đang ở và sử dụng trong hơn 46 năm qua.
Điều đáng nói, số tiền dự toán bồi thường cho gia đình anh được UBND quận 9 tính với giá... 0 đồng.
Anh Quốc cho biết năm 1970, ba anh là ông Châu Văn Nguyên đã mua đấu giá phần đất 2.994 m2 thuộc lô 677, tờ bản đồ số 4 tại xã Tăng Nhơn Phú, huyện Thủ Đức (cũ) của ông Hoàng Thụy Ngô.
Sau đó, ông Châu Văn Nguyên lại mua thêm 4.200 m2 đất thuộc lô 677-680 tờ bản đồ số 4, xã Tăng Nhơn Phú, huyện Thủ Đức (cũ) của bà Huỳnh Thị Năm sát bên phần đất của ông Hoàng Thụy Ngô.
“Việc mua bán giữa ba tôi và bà Năm có xác nhận của UBND xã Tăng Nhơn Phú, Thủ Đức. Nay miếng đất này mang số 15 đường số 6, khu phố 1, phường Hiệp Phú, quận 9”.
Đến năm 1980, do nhu cầu xây dựng, mở rộng sân vận động, chính quyền địa phương đã thu hồi 586 m2 thuộc mảnh đất 4.200 m2 nói trên của ông Châu Văn Nguyên. Số tiền bồi thường tính theo tỉ giá lúc đó là 1.285 đồng. Phần đất còn lại, gia đình ông tiếp tục quản lý và sử dụng.
Mới đây, gia đình anh Quốc (ông Châu Văn Nguyên đã chết) bất ngờ khi nhận được Kế hoạch 41/KH-QLCT ban hành ngày 18-1-2016 của UBND quận 9 về việc bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án xây dựng nâng cấp trụ sở hành chính quận 9 do Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình quận 9 làm chủ đầu tư.
Trong bản kế hoạch nêu rõ “diện tích đất dự kiến sẽ thu hồi khoảng 3.614 m2, trong đó diện tích đất không tính bồi thường là 3.614 m2”. Lý do vì đây là... đất công (!?). Điều đặc biệt, theo bản đồ quy hoạch, diện tích đất này nằm gọn trong phần đất mà gia đình anh Quốc đang sở hữu.
Mảnh đất 3.614 m2 của gia đình anh Châu Tuấn Quốc dự kiến sẽ bị thu hồi với giá 0 đồng.
“Gia đình tôi còn một mảnh đất 1.800 m2 nằm ngay bên cạnh mảnh đất 3.614 m2 đã được cấp sổ đỏ. Theo kế hoạch mà UBND quận 9 đưa ra, phần đất của chúng tôi bị thu hồi sẽ được dùng để xây một tòa chung cư sáu tầng dành cho cán bộ, công nhân viên. Khi đó, tòa nhà sẽ bít hết lối đi trong phần đất 1.800 m2 kia. Chẳng lẽ họ xây như vậy, xong chúng tôi bắc thang hay mua máy bay mà di chuyển ra ngoài” - anh Quốc bức xúc.
Không đồng tình với kế hoạch nói trên của UBND quận 9, anh Châu Tuấn Quốc và gia đình đã làm đơn gửi nhiều cơ quan chức năng tại trung ương và địa phương nhằm kêu cứu về trường hợp của mình.
Thu hồi trái luật?
Theo anh Châu Tuấn Quốc, sở dĩ có quyết định thu hồi đất nói trên là do UBND quận 9 đã căn cứ vào Quyết định 1181/QĐ-UB của UBND huyện Thủ Đức ban hành ngày 25-7-1990 với nội dung “về việc thu hồi đất sử dụng vào công ích do ông Châu Văn Nguyên và bà Lê Thị Kim Vân lấn chiếm”.
Thế nhưng quyết định trên có nhiều điểm vi phạm pháp luật. Bởi phần đất này được gia đình anh mua, có xác nhận của chính quyền địa phương cũ. Năm 1980, chính quyền địa phương khi thu hồi một phần trong diện tích đất nói trên cũng đã tiến hành bồi thường.
Như vậy, gia đình anh sử dụng công khai, có xin phép sửa chữa và được chính quyền địa phương cấp phép. Không có cơ sở nào chứng minh gia đình anh “lấn, chiếm đất” như quyết định đã nêu.
Chưa dừng lại đó, ngày 5-11-1994, UBND huyện Thủ Đức lại ra thêm Quyết định 154, trong đó khẳng định “phần đất của ông Nguyên và bà Vân mua của bà Năm được xác định hầu hết những con đường ngày xưa thuộc dạng đất công...”.
Với quyết định này, UBND huyện Thủ Đức đã tự quy định thêm loại đất mới là “đất công” ngoài các nhóm, loại đất đã được phân loại theo quy định của Luật Đất đai năm 1993.
Cụ thể, Điều 11 Luật Đất đai 1993 quy định có sáu loại đất là đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất khu dân cư nông thôn, đất đô thị, đất chuyên dùng và đất chưa sử dụng. Luật Đất đai 1993 không có khái niệm nào là “đất công”.
Thế rồi ngày 21-11-1996, ông Vũ Hùng Việt, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM lúc bấy giờ, ký Quyết định 5405 “công nhận nội dung giải quyết khiếu nại số 154 của UBND huyện Thủ Đức,... bác đơn của ông Châu Văn Nguyên xin sử dụng 3.614 m2 đất tại ấp Hòa Phú, huyện Thủ Đức là đúng pháp luật”.
Quyết định này của UBND TP.HCM đã dựa trên quyết định trái luật trước đó của UBND huyện Thủ Đức.
Đến ngày 23-7-1998, ông Mai Quốc Bình, thời điểm đó là ủy viên UBND TP.HCM đã có Công văn 2774 gửi UBND quận 9, trong đó nêu rõ: “Ngày 29-4-1970, ông Châu Văn Nguyên mua luôn phần đất có diện tích 4.200 m2, trên đó có căn nhà bằng vật liệu nhẹ diện tích 6 x 9 m (nằm cạnh phần đất diện tích 2.994 m2 do ông Nguyên đứng bộ) của bà Huỳnh Thị Năm, có xác nhận của Ủy ban hành chánh xã.
Năm 1980, do địa phương xây dựng, mở rộng sân vận động đã thu hồi và bồi thường hoa màu một phần đất của ông Nguyên mua của bà Năm là 586 m2/4.200 m2. Phần đất còn lại là 3.614 m2, ông Châu Văn Nguyên và vợ là bà Lê Thị Kim Vân sử dụng, xây dựng lại nhà, trồng một số cây lâu năm tại phần đất 3.614 m2 (không tính diện tích ông Nguyên mua của tòa phát mại) liên tục từ năm 1970 cho đến nay.
Nay Nhà nước chấp thuận cho ông, bà Châu Văn Nguyên được tiếp tục sử dụng phần đất này là phù hợp với Điều 2 Luật Đất đai ngày 14-7-1993. Khi quy hoạch, sử dụng cho công ích, phần đất 3.614 m2 phải đền bù và bồi hoàn cho người đang trực tiếp quản lý sử dụng”.
Đây là quyết định cuối cùng của UBND TP.HCM từ đó đến nay trong việc tranh chấp thu hồi đất của gia đình anh Châu Tuấn Quốc.
Vậy phải chăng, khi ban hành bản kế hoạch mở rộng trụ sở ủy ban ngày 18-1-2016 nói trên, UBND quận 9 đã phớt lờ kết luận của UBND TP.HCM để ban hành kết luận thu hồi đất trái luật?
Né tránh báo chí
Chiều 22-9-2016, PV báo Đất Việt đã xuống làm việc với Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình quận 9 theo ủy nhiệm của UBND quận 9 để làm rõ những thắc mắc nói trên theo lịch hẹn.
Thế nhưng khi thấy một vài PV các báo cũng có mặt để theo dõi sự việc, ông Hồng Phi Vũ, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình quận 9 cho biết mình sẽ chỉ tiếp một người, đại diện cho các báo mà thôi. “Đây là chỉ đạo của lãnh đạo quận, mong các anh chị hết sức thông cảm”.
Thế nhưng khi được hỏi đây là chỉ đạo của ai, lãnh đạo nào, ông Vũ chỉ cười và từ chối trả lời.
Sau gần một tiếng đồng hồ tranh cãi, các PV chấp nhận để một người đại diện ở lại làm việc với Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình quận 9. Ông Hồng Phi Vũ cũng đồng ý sẽ cho phép các báo sử dụng nội dung trao đổi giữa hai bên để phục vụ cho bài viết của mình.
Ông Hồ Phi Vũ (áo hồng), Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình quận 9.
Trả lời báo chí, ông Hồng Phi Vũ cho rằng Kế hoạch 41 ngày 18-1-2016 mới chỉ là khái toán chi phí theo báo cáo loại đất và thực địa của UBND phường Hiệp Phú mà thôi.
“Chúng tôi đang trong quá trình thực hiện chứ chưa ra quyết định thu hồi đất của hộ gia đình ông Nguyên” - ông Vũ cho biết.
Theo ông Vũ, bản kế hoạch chỉ là một nội dung để trình duyệt theo quy định của Luật Xây dựng. Còn khi triển khai bồi thường sẽ thực hiện theo quy định của Luật Đất đai cũng như quy định của TP về bồi thường giải phóng mặt bằng (?).
“Chúng tôi đang giao cho các đơn vị rà soát lại pháp lý của dự án đầu tư theo quy định của Luật Xây dựng cũng như Luật Đất đai. Còn riêng cái bản này (bản Kế hoạch 41 - PV) là bản khái toán, là thành phần trong dự án đầu tư để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Quận đang làm các bước thủ tục theo quy định” - ông Vũ cho biết.
Khi được hỏi, UBND quận 9 dựa vào cơ sở nào mà cho rằng đây là đất lấn chiếm để ra kế hoạch không bồi thường, ông Vũ không trả lời vào câu hỏi mà chỉ nói loanh quanh rằng đây là nội dung trong dự án đầu tư, chỉ là sơ khởi thôi còn khi triển khai sẽ tính chính xác hơn.
Về việc tại sao trước đây đã tiến hành bồi thường khi thu hồi một phần đất, nay lại biến thành đất công, ông Vũ cho rằng mình không biết và mảnh đất này ngày đó thuộc huyện Thủ Đức quản lý, chỉ có Phòng TN&MT mới nắm, không nằm trong chức năng, nhiệm vụ của mình.
Trong suốt buổi trao đổi với báo chí, ông Vũ đều cho rằng bản Kế hoạch 41 chỉ là một phần trong dự án mà UBND quận 9 đang trình phê duyệt, chưa có gì là chính thức.
Thế nhưng với một văn bản, được đóng dấu đỏ của một ông phó chủ tịch quận và một ông giám đốc dự án, thật khó để người dân có thể tin rằng kế hoạch này không hề có giá trị pháp lý và có thể thay đổi khi dự án đi vào thực hiện sau này.