Với chuyến thăm của Tổng thống Obama, Mỹ đã định vị thế nào vai trò của họ trong khu vực? Lợi ích của Việt Nam trong chiến lược toàn cầu của Mỹ ra sao?
Muốn lợi ích cho ta, phải tạo lợi ích cho Mỹ
Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngoại giao - Bộ Ngoại giao Trần Việt Thái (ảnh) cho rằng:
Cam kết của Mỹ với khu vực là cam kết lâu dài. Đến nay có thể dự báo là sự hiện diện về chính trị, quân sự, an ninh quốc phòng của Mỹ ở khu vực trong năm, 10 năm nữa sẽ tăng. Còn với các nước trong khu vực thì bao giờ chẳng muốn cường quốc như Mỹ làm nhiều hơn nữa, xuất hiện nhiều, mạnh mẽ hơn nữa.
Một yếu tố rất quan trọng nữa là TPP. Đây là sáng kiến của Mỹ. Các nước tham gia, ký kết rồi và nếu tới đây triển khai mang lại hiệu quả tốt thì sẽ tạo được lợi ích đan xen. Cái đó mới là nền tảng vững chắc, là sợi dây trói buộc Mỹ với các nước, cũng như gắn kết các nước với Mỹ.
. Khi đề cập tới khu vực Đông Nam Á, Mỹ thường nhấn mạnh tự do hàng hải cũng như luật pháp quốc tế. Nên nhìn nhận luận điểm này thế nào dưới con mắt lợi ích của họ, thưa ông?
+ Tự do hàng hải, luật pháp quốc tế là giá trị cơ bản mà cộng đồng quốc tế thừa nhận, bảo vệ. Kết hợp với những nhân tố như TPP, hệ thống các đồng minh ở khu vực như Nhật, Hàn Quốc, Philippines, hệ thống các quốc gia đối tác, bè bạn như Việt Nam... thì đây sẽ là nền tảng cho một chiến lược lâu dài, đang và sẽ tiếp tục được xây dựng, củng cố vững chắc.
Hệ thống ấy mang lại lợi ích cho Mỹ thì chắc chắn rồi. Nhưng với ta thì sẽ không tự nhiên có lợi nếu ta không biết khai thác một cách khôn khéo. Mỹ vào đây vì lợi ích của chính họ. Họ sẽ không hy sinh để bảo vệ bất kỳ ai không nằm trong hệ thống lợi ích của họ.
Nếu chúng ta vươn lên mạnh mẽ, có vị trí kinh tế, thực lực và hội nhập quốc tế tốt hơn nữa thì tự khắc thế giới sẽ lên tiếng ủng hộ và bảo vệ chúng ta chứ không chỉ có Mỹ. Với chúng ta, đó sẽ là kết quả cộng hưởng to lớn từ chính sách hội nhập toàn diện với quốc tế, chia sẻ các giá trị, lợi ích chung với cộng đồng quốc tế mà chúng ta đang triển khai ngày càng tự tin hơn, vững bước hơn.
. Tức là để tìm kiếm lợi ích cho mình, bảo vệ lợi ích của mình thì chúng ta cũng phải tạo ra lợi ích cho Mỹ cũng như các quốc gia khác?
+ Chính xác.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tiếp ông Michael Froman, đại diện thương mại Hoa Kỳ, đang thăm và làm việc tại Việt Nam. Ảnh: TTXVN
Chùa thiêng nhờ năng hương khói
. Về lịch sử, trong khu vực, Mỹ chủ yếu chỉ quan hệ với các nước đồng minh như Thái Lan, Philippines. Phải chăng bây giờ thời thế thay đổi, họ đang tìm kiếm những mô hình hợp tác mới mà Việt Nam là một phần trong đó?
+ Mỹ nói rõ họ có ba nhóm quan hệ: đồng minh, đối tác và bạn bè. Cấp độ gắn kết cũng rất rõ ràng. Nếu Nhật bị tấn công, chắc chắn Mỹ sẽ nhảy vào. Thấp hơn một chút là Philippines. Nếu đảo quốc này bị tấn công thì Mỹ cũng sẽ bảo vệ nhưng mức độ cam kết không thể bằng Nhật...
Việt Nam ta thì quan hệ với Mỹ tới nay được đôi bên định vị là trên mức đối tác nhưng dưới mức đồng minh. Là đối tác toàn diện.
Vấn đề là cấp độ quan hệ này được đôi bên tích cực tìm kiếm, củng cố qua hai thập niên từ khi bình thường hóa quan hệ đến nay. Nếu coi quan hệ ấy là một cái chùa thì đó là chùa mới dựng lên, chưa thể thiêng bằng những chùa kia. Đôi bên phải thêm thời gian vun đắp, hương khói mới thiêng được.
Quan hệ đối tác, đối tác toàn diện, đối tác chiến lược hay cái tên gì đi nữa thì cũng cần thời gian xây dựng, cùng nhau trao đổi, chia sẻ hiểu biết, hàn gắn vết thương cũ, tạo ra những cơ hội hợp tác mới, đi lại thân thiết với nhau thì tình cảm mới sâu sắc được.
. Vậy khi tạo ra lợi ích cho Mỹ ở khu vực, ở ngay chính nước mình thì Việt Nam có được lợi ích gì?
+ Thứ nhất là lợi ích về chính trị. Mỹ là siêu cường duy nhất có chiến lược toàn cầu. Họ đã dày công xây dựng hệ thống đồng minh, các hệ thống đa phương, hệ thống giá trị ở khắp nơi trên thế giới. Một khi ta tạo được đồng thuận chính trị với Mỹ thì tự khắc ta có được sự ủng hộ chính trị từ các đồng minh của họ.
Thứ hai, Mỹ là thị trường lớn cũng là nơi cung cấp khoa học, công nghệ lớn nhất thế giới. Điều này thì chúng ta hưởng lợi nhiều, từ trước và nhất là sau khi ký Hiệp định Thương mại BTA với Mỹ.
Thứ ba là an ninh, quốc phòng. Họ có năng lực để triển khai chiến tranh cũng như duy trì hòa bình ở tầm toàn cầu.
Thứ tư là có tiếng nói quan trọng trên các diễn đàn đa phương, song phương, với từng khu vực và trên phạm vi toàn cầu.
Lợi ích mà chúng ta tìm thấy cũng từ góc độ ấy. Nhưng cấp độ thì chúng ta chủ yếu quan tâm ở cấp độ song phương.
Cần hiểu rõ Mỹ là siêu cường, tầm nhìn của họ rất rộng, mà Đông Nam Á, ASEAN hay Việt Nam chỉ là một góc nhỏ. Còn ta là nước nhỏ, năng lực hạn chế, chỉ đi từng bước từ từ, nên đến với Mỹ trong quan hệ song phương là chính - trước hết nhằm phát triển kinh tế và có một chút thúc đẩy với Mỹ trong tiếp cận đa phương để giải quyết các vấn đề khu vực. Khu vực trong tầm nhìn của chúng ta là ASEAN - duy trì hòa bình và ổn định, phát triển thịnh vượng trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Tương lai: Củng cố quan hệ trong khuôn khổ đối tác toàn diện
. Nhiều nhà ngoại giao lão luyện, cả Mỹ, cả Việt Nam nói rằng mươi, 15 năm trước, không bao giờ nghĩ rằng có lúc hai nước lại gần gũi, tin cậy như bây giờ. Vậy với những nền tảng đã đạt được, ông có nghĩ tới khả năng lúc nào đó, Việt-Mỹ sẽ đạt đến tầm quan hệ đồng minh không?
+ Việt-Mỹ mới thiết lập quan hệ đối tác toàn diện được hai năm nhưng tôi thấy có rất nhiều tiềm năng, thuận lợi. 100 ông Mỹ tới Việt Nam mà cứ 90 trở về hết lời khen ngợi, cảm tình; rồi dự án vào nhiều hơn, người Việt sang đó học hành, làm ăn đông hơn; trao đổi đoàn cấp cao, các cấp sôi động hơn... thì dần dần sẽ thiện cảm, yêu mến nhau. Từ nền tảng hiện tại mà xét, trong 5-10 năm tới, Việt-Mỹ vẫn tiếp tục củng cố quan hệ trong khuôn khổ đối tác toàn diện với mức độ ngày càng sâu hơn.
Một cách chính thức, lúc này Việt Nam chưa có chủ trương thiết lập quan hệ đồng minh với ai cả. Nhưng khẳng định rằng quan hệ Việt-Mỹ là tài sản, vốn liếng, là nguồn lực của đất nước, của dân tộc mà chính chúng ta cần luôn chăm lo vun đắp, bồi dưỡng. Còn với khu vực thì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của Đông Nam Á này có phần đóng góp quan trọng của quan hệ Việt-Mỹ, như một phần nền móng vậy.
. Xin cám ơn ông.
Đẩy mạnh quan hệ kinh tế Hai nước quyết tâm tập trung thúc đẩy hợp tác kinh tế, bao gồm các lĩnh vực thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và ứng phó với biến đổi khí hậu. Hai bên cho rằng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cótầm quan trọng về chiến lược và kinh tế, sẽ giúp tăng cường thương mại và đầu tư giữa hai nước, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm. Mỹ cam kết hỗ trợ Việt Nam triển khai cóhiệu quả và đáp ứng các tiêu chuẩn cao của Hiệp định TPP thông qua các chương trình hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực. Hai bên đồng thời tái khẳng định việc bảo đảm tăng trưởng kinh tế toàn diện, tạo cơ hội cho mọi người, được thúc đẩy bởi sự sáng tạo, tinh thần kinh doanh và sự phát triển kinh tế bền vững của hai nền kinh tế. Hai bên nhấn mạnh hợp tác phát triển tiếp tục là một động lực của quan hệ song phương. Hai nước nhất trí thúc đẩy thương mại và đầu tư song phương, tiếp tục hợp tác thúc đẩy tiếp cận thịtrường cho hàng hóa công nghiệp, hải sản và nông sản của mỗi nước…. (Trích Tuyên bố chung giữa Việt Nam - Hoa Kỳ) |