Ông Obama là đời tổng thống thứ ba liên tiếp thăm nước ta trong 20 năm sau bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ. Phân tích các sự kiện này, ông Trần Việt Thái (ảnh), Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược ngoại giao, nói: “Chuyến thăm của ông Obama lần này bối cảnh đã khác nhiều”.
Hoàn cảnh và vị thế đã thay đổi
. Phóng viên: Cụ thể là khác như thế nào, thưa ông?
+ Ông Trần Việt Thái: Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Bill Clinton năm 2000 có tính chất đột phá, mở đường. Hai nước dù đã thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức năm 1995 nhưng nội bộ từng nước còn khá phức tạp. Ta thì đang nỗ lực phá bao vây, cấm vận, mở rộng quan hệ quốc tế. Mỹ thì đang ngạo nghễ trong thắng lợi Chiến tranh lạnh với sự sụp đổ của Đông Âu và Liên Xô cũ.
Tiếp theo là ông Buss George W. Bush, thăm đồng thời dự Hội nghị APEC mà ta đăng cai tổ chức năm 2006. Nước Mỹ bấy giờ dồn lực chống khủng bố, mở rộng liên minh cho mục tiêu này và bắt đầu dấn sâu vào cuộc chiến ở Trung Đông do họ phát động.
Chuyến thăm của ông Obama lần này bối cảnh đã khác nhiều. Vị thế của Mỹ thay đổi khi mà Nga phục hồi sức mạnh và Trung Quốc vươn lên thành cường quốc, bộc lộ rõ tham vọng không chỉ ở biển Đông - Đông Nam Á mà vươn ra ở những vùng xa xôi khác. Nước Mỹ ngày nay mềm mỏng, khéo léo hơn trong các quan hệ quốc tế, giảm dần vai trò can thiệp trực tiếp và chuyển mạnh sang xây dựng các liên minh nhằm tiếp tục theo đuổi chiến lược toàn cầu.
. Về phía Việt Nam thì sao, thưa ông?
+ Thành quả của đổi mới cho chúng ta vị thế cao hơn, vững chắc hơn trong trường quốc tế, mở rộng và làm sâu sắc hơn nhiều mối quan hệ với các nước lớn. Quan hệ hai nước không chỉ là kinh tế, thương mại nữa, mà đi vào chiều sâu với lòng tin chính trị được củng cố. Số lượng dự án, cơ chế hợp tác; số lượng đoàn trao đổi ngày càng đa dạng, nhiều hơn, với cấp tham dự ngày càng cao. Đôi bên đều thấy được lợi ích từ quá trình tăng cường hợp tác này.
Bối cảnh quốc tế và khu vực dẫn tới nhận thức mới của cả hai bên về hợp tác đa phương để giải quyết các vấn đề của riêng mình, trong đó có những giá trị chung cùng chia sẻ. Những mô hình hợp tác trong khuôn khổ ASEAN với Mỹ và các đối tác khác là mặt biểu hiện của nó.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang (phải) và Tổng thống Barack Obama tại cuộc họp báo ở Trung tâm Hội nghị quốc tế (Hà Nội). Ảnh: TTXVN
Thực lực và sự tương đồng
. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Thực lực như cái chuông, ngoại giao như tiếng chuông. Chuông có to, tiếng mới lớn”. Vậy đến lúc này, ta có gì để “chơi” với Mỹ?
+ Giá trị lớn nhất chính là vị trí địa lý rất quan trọng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nếu lấy Huế làm tâm, quay một vòng bán kính 1.000 km thì ta là trung tâm của Đông Nam Á; là kết nối giữa Đông Nam Á hải đạo với Đông Nam Á lục địa, giữa Trung Quốc và Đông Bắc Á với Đông Nam Á, Nam Á; là nơi giao thoa hai nền văn hóa lớn Ấn Độ - Trung Hoa; là nơi mà các tuyến hàng hải, hàng không trọng yếu đi qua mà lực lượng tác chiến đặt tại Đà Nẵng, Cam Ranh có thể khống chế dễ dàng.
Chúng ta có thị trường - dân số lớn, nền kinh tế tăng trưởng khá, với chính phủ mạnh, xã hội đoàn kết, tương đối thuần và có chính sách hội nhập được cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi.
Phía Mỹ thấy ở Việt Nam nhiều tiềm năng hợp tác, chia sẻ thịnh vượng với nhiều lợi ích từ kinh tế, thương mại đến an ninh, quốc phòng, chính trị trong các khuôn khổ đa phương, song phương, ở tầm khu vực và trên thế giới.
TPP là một cơ hội để ta tái cơ cấu nền kinh tế theo chiều hướng phát triển tích cực nhưng cũng là cách để Mỹ chứng minh sức mạnh của mình. Nếu Việt Nam thành công thì Mỹ có thể lấy ra như một mô hình hấp dẫn về hợp tác giữa các cựu thù để thuyết phục Triều Tiên, Myanmar cũng như nhiều nước châu Phi, Mỹ Latin.
. Các nước trong khu vực quan tâm thế nào tới quan hệ Việt-Mỹ?
+ Việt Nam là nhân tố tương đối lớn trong khu vực, nhất là về chính trị và an ninh-quốc phòng. Chúng ta từng đóng vai trò quan trọng trong quá khứ và nay thì biết chơi và xử lý khá tốt quan hệ với các nước lớn. Vài ngày trước khi Tổng thống Mỹ tới thăm, Thủ tướng ta vẫn sang thăm Nga và tham dự tích cực hội nghị Nga - ASEAN. Các nước ASEAN đánh giá cao việc ta cùng lúc chơi với cả hai nước lớn. Nga, Mỹ có mâu thuẫn với nhau nhưng ta vẫn biết chơi, khai thác có lợi.
ASEAN đều là những nước vừa và nhỏ. Khi ta không hận thù vì quá khứ mà còn chơi tốt với Mỹ thì có ý nghĩa tác động đến lựa chọn chính sách đối ngoại của các nước khác lắm. Khi các nước khác cùng chia sẻ kinh nghiệm ấy để rồi cùng chơi tốt được với các nước lớn thì sẽ tạo được thế đan cài lợi ích ở khu vực. Các nước khác nhau mà chia sẻ suy nghĩ giống nhau, hành động giống nhau thì lợi ích sẽ tương đồng.
. Vậy tương quan mối quan hệ giữa Việt với Mỹ, Trung, Nga thế nào?
+ Đây là quan hệ cân bằng động. Mỗi động thái chúng ta trong quan hệ với Mỹ hay Trung thì các nước kia đều rất quan tâm nên ta càng phải giữ được chủ động, độc lập trong hành động và chính sách, củng cố được được thế cân bằng chiến lược. Các cặp Trung-Mỹ, Nga-Mỹ, kể cả Nga-Trung đều có mâu thuẫn. Quan hệ tốt với từng nước nhưng không lệch pha thì sẽ thuận lợi trong tranh thủ các nguồn lực xây dựng đất nước.
Vấn đề này Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn thấy từ những năm 1940 khi tuyên bố muốn làm bạn với tất cả các nước. Nhưng rồi hoàn cảnh quốc tế, rồi nhiệm vụ đấu tranh giải phóng dân tộc chi phối các lựa chọn. Lựa chọn ấy giúp ta thắng lợi trong cuộc cách mạng dân tộc nhưng cũng để lại những hậu quả mà đến giờ, độc lập, thống nhất đã 40 năm nhưng vẫn chưa khắc phục được...
Kiên trì theo đuổi chính sách đổi mới, đa dạng hóa, đa phương hóa và nay nhấn mạnh chính sách cân bằng chính là để không còn “nhất biên đảo” với ai nữa. Từ đó tạo thế có lợi nhất cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Vai trò thực sự của yếu tố biển Đông?
. Nhiều bình luận hàm ý rằng nếu biển Đông không nóng lên, không thành vấn đề lớn thì không thể có quan hệ Việt-Mỹ như hiện nay?
+ Không hẳn. Quan hệ với Mỹ được như bây giờ trước hết vì chúng ta chủ trương hội nhập quốc tế, thành công trong xóa đói, giảm nghèo và cải cách thể chế. Nhưng sẽ thành công hơn nữa nếu ta chia sẻ, tôn trọng các giá trị của luật pháp quốc tế, các chuẩn mực thừa nhận rộng rãi. Đây cũng là những vấn đề ta đang theo đuổi, vì lợi ích của chính mình mà trước hết là phát triển để văn minh hơn, tiến bộ hơn. Đấy cũng là điều mà Mỹ và cộng đồng quốc tế đánh giá cao, ủng hộ.
Nhân tố thứ hai là cấu trúc khu vực, trong đó có những thách thức từ Trung Quốc.
Biển Đông là một phần của khu vực nhưng với chúng ta thì có ý nghĩa quan trọng nên được coi là nhân tố thứ ba. Nhưng không có ý nghĩa chi phối tuyệt đối với quan hệ Việt-Mỹ cũng như chính sách đối ngoại của chúng ta.
. Cuối nhiệm kỳ ông Obama mới sang thăm Việt Nam. Liệu quan hệ Việt-Mỹ có bị tùy thuộc nhiều vào kết quả bầu cử ở Mỹ?
+ Chính sách xoay trục của Mỹ được lưỡng đảng cầm quyền đồng tình. Cho nên ai thắng cử tổng thống chính sách đối ngoại cũng chỉ có thay đổi nhỏ theo phong cách cá nhân, mang tính chiến thuật. Còn bước đi chiến lược và quyết tâm tái cân bằng là không thay đổi.
. Về việc Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí với Việt Nam. Ý kiến của ông thế nào?
+ Ông Obama tới Việt Nam tại thời điểm này trước hết vì lợi ích quốc gia của Mỹ. Thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển cũng là để phục vụ chiến lược xoay trục, chiến lược toàn cầu. Những gì ông ấy quyết định trong nhiệm kỳ cuối của mình cho thấy ông Obama nỗ lực giải quyết các di sản mà lịch sử để lại. Trong di sản ấy, với Việt Nam đến nay còn vấn đề cấm vận vũ khí.
Bối cảnh khu vực cho ông Obama điều kiện thuận lợi để xử lý vấn đề này. Việc ông Obama tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí với Việt Nam cũng là cách để tổng thống mới sắp đắc cử khỏi phải bận tâm với những vấn đề tranh cãi.
. Xin cám ơn ông.
Điểm nhấn trong quan hệ Việt-Mỹ Những chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai nước. Hiệp định thương mại Việt-Mỹ BTA năm 2000 làm bệ phóng cho tăng trưởng thương mại song phương. Quan hệ văn hóa, giáo dục. Mỹ tuyên bố chính sách xoay trục sang châu Á năm 2010. Cam kết chính trị đạt được năm 2013 khi Mỹ tuyên bố tôn trọng độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ chính trị Việt Nam. • Việt-Mỹ hoàn tất đàm phán TPP năm 2015. |