Chuyện ở BV Hoài Đức và sự minh bạch

Chuyện ở BV Hoài Đức và sự minh bạch

Sự việc đã diễn ra trong một thời gian dài mà không ai biết, hay biết nhưng vẫn làm ngơ, kể cả khi có đơn tố cáo? Vì sao những “lương y như từ mẫu” lại làm chuyện động trời này?

Nhiều ý kiến cho rằng họ làm vậy là để trục lợi bảo hiểm y tế. Đây chỉ là cái ngọn của vấn đề, bởi khi đã khám, chữa bệnh dịch vụ (ở BV Hoài Đức có phòng xét nghiệm dịch vụ nhưng điều hành luôn xét nghiệm nội trú - NV) thì bảo hiểm y tế không chi trả hoặc trả rất thấp.

Vậy vấn đề ở đây là gì? Khi mà nhu cầu khám, chữa bệnh tăng cao, người dân đòi hỏi chất lượng dịch vụ cao hơn nhưng ngân sách thì không đủ cung, Nhà nước cho phép các đơn vị BV công tự chủ một phần hoặc tự chủ toàn phần để cùng chăm lo sức khỏe cho nhân dân. Nhưng sự tự chủ này được các đơn vị vận dụng một cách méo mó để tư lợi cá nhân mà Nhà nước không quản lý tới. Thí dụ như tại BV Bình Dân, giám đốc BV cùng một nhóm người mua máy móc về để chụp chiếu bỏ túi riêng, nhiều BV khác thì cho tư nhân đặt máy móc để “ăn chia” phần trăm. Điều đáng nói là họ hoạt động trên đất, hạ tầng… của Nhà nước - của nhân dân nhưng lại đi “bóp chẹt” nhân dân một cách bất nhẫn.

Vấn đề này không mới, nó vẫn tồn tại dai dẳng và qua vụ việc này nó trở thành thời sự. Giữa năm 2012, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã giải trình trước Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội về vấn đề xã hội hóa công tác khám, chữa bệnh. Bà Tiến nhìn nhận qua thực hiện thì một số BV có xu hướng chỉ quan tâm đến khoa, phòng, lĩnh vực có thu hoặc tập trung kinh phí và nhân lực để phát triển khu dịch vụ theo yêu cầu; đầu tư trang thiết bị kỹ thuật cao chưa tương xứng với năng lực, trình độ chuyên môn, nhu cầu khám, chữa bệnh.

Các đại biểu đã chỉ ra rằng xã hội hóa y tế hiện chưa minh bạch tài chính, tài sản công và tư trong các hoạt động xã hội hóa nên dễ sai phạm trong quá trình quản lý tài chính, dễ xảy ra tiêu cực trong liên doanh, liên kết, trong đấu thầu thuốc… Các đại biểu đề xuất sớm hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động xã hội hóa trong các BV công, tăng cường vai trò quản lý nhà nước của Bộ, Sở Y tế, Tài chính. Nhưng sau họp Quốc hội thì vấn đề có gì thay đổi?

Các chuyên gia nghiên cứu sức khỏe cộng đồng cũng đã từng cảnh báo xã hội hóa là con dao hai lưỡi và những hệ lụy phân tích như trên là mặt trái, là hậu quả của sự buông lỏng quản lý.

DUY TÍNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm