Chuyện xưa chuyện nay: Lại… triều đình Huế có mấy bộ?

Ông CAO ĐÌNH (dinhnguyencao@gmail.com) hỏi như trên.

ANH PHÓ trả lời: Thưa ông Cao Đình,

Đúng là tôi có nói triều đình Huế của nhà Nguyễn gồm có sáu bộ (Lục bộ), giống như mô hình kiểu mẫu của các nhà nước phong kiến Trung Quốc. Còn việc ông nêu lên cũng có phần đúng vì triều đình Huế giai đoạn cuối nhà Nguyễn (thời vua Bảo Đại về nước chấp chính) đã có phần cải tiến, không còn sáu bộ như cũ nữa, tên các bộ cũng có đổi khác. Việc ông nêu các bộ trưởng Hoàng Xuân Hãn, Phan Anh trước Cách mạng tháng Tám 1945 thì lại sau nữa, thuộc thời kỳ Nhật xâm chiếm Đông Dương, thuộc về nội các Trần Trọng Kim. Lúc này cũng còn vua Bảo Đại đứng đầu, triều đình vẫn đặt ở Huế.

Như tôi nói đó, sau khi được đào tạo ở Pháp về, vua Bảo Đại có chủ trương cải cách bộ máy triều đình về nhiều phương diện, trong đó có việc thay đổi cơ cấu và tên các bộ. Cụ thể, từ năm 1908, dưới thời vua Duy Tân đã đặt thêm một bộ mới tên là Bộ Học do Cao Xuân Dục đứng đầu (chức vụ gọi là Thượng thư); đến năm 1932 vua Bảo Đại cải tổ Bộ Học, đổi tên lại là Bộ Quốc gia giáo dục. Lúc đó, triều đình Huế không còn Bộ Binh nên thành ra vẫn là sáu bộ; sau đó chỉ còn năm bộ vì bớt Bộ Binh.

Năm bộ đó là: Bộ Lại (Ngô Đình Diệm làm Thượng thư), Bộ Quốc gia giáo dục (Thượng thư: Phạm Quỳnh), Bộ Tài chính và Cứu tế xã hội (Thượng thư: Hồ Đắc Khải), Bộ Tư pháp (Thượng thư: Bùi Bằng Đoàn), Bộ Công chính, Mỹ nghệ và Lễ tân (Thượng thư: Thái Văn Toản). Rồi từ năm 1939, triều đình Huế lại có bảy bộ là: 1. Bộ Lại; 2. Bộ Quốc gia giáo dục; 3. Bộ Tài chính; 4. Bộ Tư pháp; 5. Bộ Lễ tân; 6. Bộ Công chính; 7. Bộ Kinh tế nông thôn, Thủ công nghiệp và Cứu tế xã hội.

Sau khi Nhật đảo chính Pháp ngày 9-3-1945, triều đình Huế được lập lại cũng vua Bảo Đại đứng đầu. Nội các Trần Trọng Kim ra mắt ngày 8-5-1945 với thành phần gồm 11 bộ, tên gọi và danh sách các bộ trưởng như sau:

1. TRẦN TRỌNG KIM, Giáo sư, Thủ tướng;

2. TRẦN ĐÌNH NAM, bác sĩ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ;

3. TRẦN VĂN CHƯƠNG, luật sư, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao;

4. TRỊNH ĐÌNH THẢO, luật sư, Bộ trưởng Bộ Tư pháp;

5. HOÀNG XUÂN HÃN, Giáo sư, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Nghệ thuật;

6. VŨ VĂN HIỀN, luật sư, Bộ trưởng Bộ Tài chính;

7. PHAN ANH, luật sư, Bộ trưởng Bộ Thanh niên;

8. LƯU VĂN LANG, kỹ sư, Bộ trưởng Bộ Công chính;

9. VŨ NGỌC ANH, bác sĩ, Bộ trưởng Bộ Y tế và Cứu tế;

10. HỒ TÁ KHANH, bác sĩ, Bộ trưởng Bộ Kinh tế;

11. NGUYỄN HỮU TRÍ, bác sĩ, Bộ trưởng Bộ Tiếp tế.

(Theo Trần Trọng Kim, Một cơn gió bụi, NXB Vĩnh Sơn, Sài Gòn, 1969, trang 52-53).

Kính chào ông.

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 174)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới