'Có cháy cũng không biết chạy đi đâu, mà chạy không được thì chết'

(PLO)- Các đại biểu cho rằng nguyên nhân của cháy thì có nhiều nhưng trong một số trường hợp khi cháy nạn nhân không biết chạy đi đâu và cũng không thể chạy được, cháy mà không chạy được thì đồng nghĩa với chết...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 27-6, theo nghị trình, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

“Nhiều trường hợp thì khi có cháy, chạy là an toàn nhất”

Nêu ý kiến, đại biểu (ĐB) Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) đề nghị Luật cần một chương riêng quy định về thoát nạn.

Chương này sẽ quy định trách nhiệm hướng dẫn người dân, học sinh, sinh viên, trẻ em quy trình, thao tác thoát nạn ở các không gian, vị trí, hoàn cảnh khác nhau như nhà riêng lẻ có một lối đi hay hai lối đi trở lên; nhà ở kết hợp kinh doanh, nhà ở kết hợp cho thuê, nhà ở chung cư cũ không đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy, nhà kinh doanh Karaoke, quán bar, vũ trường, nhà lắp các khung sắt (chuồng cọp)…

Việc này, theo ĐB, nhằm giúp nâng cao hiệu quả thoát nạn.

'Có cháy cũng không biết chạy đi đâu, mà chạy không được thì chết'
ĐB Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định). Ảnh: PHẠM THẮNG

Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Cảnh cũng nhắc tới tiêu lệnh PCCC 4 bước, gồm khi xảy cháy báo động gấp; cúp cầu dao điện nơi xảy cháy; dùng bình chữa cháy, cát, nước để dập tắt; gọi điện số 114 đội chữa cháy chuyên nghiệp.

“Tuỳ không gian xảy ra cháy nổ mà chúng ta có các bước xử lý khác nhau chứ tiêu lệnh PCCC bốn bước trên không thể phù hợp cho mọi hoàn cảnh. Đặc biệt, trong nhiều trường hợp, khi có cháy thì chạy là an toàn nhất” - ĐBQH tỉnh Bình Định nói và đề nghị cần có tiêu lệnh PCCC phù hợp với thực tế hiện nay.

Một kiến nghị đáng chú ý khác, ông Nguyễn Văn Cảnh nhận xét danh mục phương tiện, thiết bị, công cụ trang bị cho lực lượng chữa cháy hiện không có dụng cụ cắt sắt cầm tay dùng pin sạc.

ĐB đánh giá dụng cụ này hiện rất thông dụng, gọn nhẹ hơn rìu cứu nạn, xà beng, búa tạ, kìm cộng lực. “Đối với nhà dân có lắp các khung sắt chuồng cọp, dụng cụ này cắt khung sắt giải cứu người dân nhanh hơn rất nhiều” - ông Cảnh nói và đề nghị bổ sung vào danh mục trang bị cho lực lượng chữa cháy.

Ông Cảnh cũng kiến nghị ngành công an nhập một số xe mô tô chữa cháy, hoặc sáng chế xe máy thành những mô tô chữa cháy có tác dụng tương tự để có thể tiếp cận các khu vực cháy trong hẻm nhỏ, hẻm sâu…

Thực tế cháy không ổn định một chút nào, thậm chí là bất định

ĐB Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cũng cho rằng cháy đã trở thành một từ khóa không mấy khó tìm trên các trang thông tin và mạng xã hội như cháy, lại cháy và đâu đó lại đang cháy.

Theo ông, cháy có rất nhiều nguyên nhân nhưng trong một số trường hợp cháy thì nạn nhân không biết chạy đi đâu và cũng không thể chạy được, bởi bao quanh là khung sắt hay còn gọi là chuồng cọp, cháy mà không chạy được thì đồng nghĩa với chết.

“Đây là một thực trạng rất đau lòng xảy ra trong thời gian vừa qua ở rất nhiều nơi, với rất nhiều cấp độ khác nhau và không đâu xa ngay tại Thủ đô Hà Nội” – ông chia sẻ.

co-chay-cung-khong-biet-chay-di-dau-ma-chay-khong-duoc-thi-chet-duong-khac-mai.jpg
ĐB Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông). Ảnh: PHẠM THẮNG

Góp ý cho dự luật, ĐB Dương Khắc Mai nói phòng cháy đối với nhà ở được rất nhiều người quan tâm, nhất là đối với loại hình nhà ở trong thành phố như ngõ, hẻm, chung cư….

“Đây là những nơi mà thời gian qua xảy ra các vụ cháy, nổ gây hậu quả hết sức nghiêm trọng” – ông nhìn nhận và đề nghị phải có các quy định cụ thể về điều kiện bảo đảm phòng cháy, chữa cháy cơ sở ở nhà, đặc biệt nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh.

Theo ĐB Dương Khắc Mai, Luật Phòng cháy, chữa cháy năm 2001 bổ sung năm 2013 và năm 2023. Có thể nói so với nhiều luật khác thì Luật PCCC có tính ổn định khá cao nhưng trong thực tế cháy không ổn định một chút nào và thậm chí là bất định.

“Tôi mong sẽ những quy định chặt chẽ, cụ thể về trách nhiệm với chủ nhà ở, nhà kinh doanh, nhà trọ, khách sạn, chủ kinh doanh – những người thu tiền của người dân hằng ngày, hằng tháng, trong khi đó hỏa hoạn thì “thần hỏa” lấy đi sinh mạng của rất nhiều người” – ông kiến nghị.

Không nên bắt buộc xe cá nhân 4-9 chỗ ngồi phải trang bị phương tiện PCCC

Một nội dung đáng chú ý khác liên quan đến quy định về trang bị phương tiện PCCC cho các phương tiện giao thông cơ giới, đặc biệt là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

“Dự thảo lần này, tôi thấy cách thể hiện câu chữ có thay đổi nhưng nội dung thì không khác so với luật hiện hành. Đó là chúng ta vẫn yêu cầu các phương tiện giao thông cơ giới phải trang bị phương tiện PCCC, không loại trừ phương tiện cơ giới nào” - ĐB Đồng Ngọc Ba (đoàn Bình Định) nhận xét.

co-chay-cung-khong-biet-chay-di-dau-ma-chay-khong-duoc-thi-chet-dong-ngoc-ba.jpg
ĐB Đồng Ngọc Ba (đoàn Bình Định). Ảnh: PHẠM THẮNG

Đối với đường bộ, ông Đồng Ngọc Ba cho rằng có hàng triệu các ô tô cá nhân đều phải trang bị và dẫn Thông tư 57/2015 quy định tất cả ô tô từ 4 chỗ trở lên đều phải trang bị phương tiện PCCC, ở đây là một bình cứu hỏa.

“Sau đó, chúng ta thấy không hợp lý, không khả thi. Đến năm 2020 điều chỉnh và bắt trang bị đối với những ô tô từ 10 chỗ trở lên” - ông Đồng Ngọc Ba nói và đề nghị nghiên cứu, tổng kết và quy định rõ trong luật là những loại phương tiện giao thông cơ giới nào phải trang bị, cũng không giao Chính phủ quy định chi tiết như dự thảo.

“Chốt” lại nội dung này, ông Đồng Ngọc Ba cho rằng dự thảo đang quy định các phương tiện giao thông cơ giới đều phải trang bị phương tiện PCCC là “chưa rõ và chưa hợp lý”. Theo ông, cần phải có đánh giá chi phí tuân thủ pháp luật đối với việc quy định tất cả các phương tiện đều phải trang bị phương tiện PCCC.

Nêu quan điểm cá nhân, ông cho rằng ô tô cá nhân 4-9 chỗ không phải trang bị các phương tiện PCCC, bởi vì trong thiết kế, tiêu chuẩn, quy chuẩn của các phương tiện này đã đáp ứng các yêu cầu này rồi.

Cũng về nội dung này, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị không nên bắt buộc mà chỉ khuyến khích trang bị các phương tiện PCCC.

“Chỉ riêng việc đọc và hiểu các quy định trên đã rất vất vả”

Phát biểu ý kiến, ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng những nội dung nào đã đủ rõ, cụ thể thì quy định vào Luật, hạn chế giao Chính phủ và Bộ Công an hướng dẫn quy định chi tiết, để bảo đảm khách quan, rõ ràng. Theo ông, việc dự luật có 25/63 điều giao cho Chính phủ và Bộ Công an quy định, hướng dẫn là “quá nhiều”.

“Chương 7 có 9 điều thì có tới 8 điều giao cho Chính phủ quy định chi tiết” - ông Hòa dẫn chứng.

co-chay-cung-khong-biet-chay-di-dau-ma-chay-khong-duoc-thi-chet-trinh-thi-tu-anh.jpg
ĐB Trịnh Thị Tú Anh (đoàn Lâm Đồng). Ảnh: PHẠM THẮNG

Trong khi đó, ĐB Trịnh Thị Tú Anh (đoàn Lâm Đồng) thống kê các bộ, ngành đã xây dựng tổng cộng trên 230 tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia có hiệu lực; trong đó có hơn 100 tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia chuyên về PCCC và trên 130 tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia có nội dung liên quan đến PCCC.

“Có những tiêu chuẩn, quy chuẩn vừa được ban hành đã được thay thế bằng quy chuẩn mới, cụ thể là ba năm ba quy chuẩn. Chỉ riêng việc đọc và hiểu các quy định trên đã rất vất vả, chưa nói đến việc triển khai thực hiện. Một số tiêu chuẩn, quy chuẩn thiếu thực tế và không có tính khả thi khi thực hiện” - ĐB nhận xét.

Bà cũng đồng thời kiến nghị Bộ Công an phối hợp với các bộ ngành rà soát, sửa đổi lại các tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC để bảo đảm thống nhất khi thực hiện, tránh phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm