Quyết nghị tăng lương cơ sở lên 2.340.000 đồng/tháng từ 1-7-2024

(PLO)- Cùng với việc Quyết nghị tăng lương cơ sở, Quốc hội cũng đề nghị phải sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 29-6, sau khi nghe Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày dự thảo Nghị quyết kỳ họp thứ 7 khóa XV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết này 100% ĐBQH có mặt tán thành.

Nghị quyết có nhiều nội dung quan trọng, trong đó có nội dung về tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu lên 2,34 triệu/tháng từ 1-7. Đây là nội dung mà nhiều ĐBQH đánh giá là niềm vui của cán bộ, công chức và người lao động.

Thực hiện đầy đủ 2 nội dung cải cách tiền lương

Nghị quyết của Quốc hội nêu: Căn cứ Kết luận 83 ngày 21-6 của Bộ Chính trị cũng như báo cáo của Chính phủ, Quốc hội thống nhất thực hiện các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1-7.

Cụ thể, Nghị quyết của Quốc hội nói cần thực hiện đầy đủ 2 nội dung cải cách tiền lương khu vực doanh nghiệp theo đúng Nghị quyết số 27-NQ/TW, gồm: Điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động (tăng bình quân 6% áp dụng từ ngày 1-7; quy định cơ chế tiền lương đối với doanh nghiệp nhà nước (áp dụng từ ngày 1-1-2025).

Thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW trong khu vực công theo lộ trình, từng bước, thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính khả thi và góp phần nâng cao đời sống người hưởng lương.

Quyết nghị tăng lương cơ sở lên 2.340.000 đồng/tháng từ 1-7-2024
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày dự thảo Nghị quyết. Ảnh: QH

Quốc hội giao Chính phủ triển khai thực hiện các nội dung đã rõ, đủ điều kiện để thực hiện, gồm: hoàn thiện chế độ nâng lương; bổ sung chế độ tiền thưởng; quy định nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương; hoàn thiện cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập.

Cụ thể, điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%) từ ngày 1-7.

Sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù

Đối với các cơ quan, đơn vị đang được áp dụng các cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù ở Trung ương: Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát toàn bộ khung khổ pháp lý để trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định việc sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị đang được thực hiện cho phù hợp trước ngày 31-12.

Thực hiện bảo lưu phần chênh lệch giữa tiền lương và thu nhập tăng thêm tháng 6 năm 2024 của cán bộ, công chức, viên chức với tiền lương từ ngày 1-7 sau khi sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù.

qh-bam-nut.jpg
ĐBQH biểu quyết thông qua Nghị quyết. Ảnh: QH

Trong thời gian chưa sửa đổi, bãi bỏ thì thực hiện như sau: Từ ngày 1-7, mức tiền lương và thu nhập tăng thêm hằng tháng tính theo mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng theo cơ chế đặc thù bảo đảm không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm được hưởng tháng 6-2024 (không bao gồm phần tiền lương và thu nhập tăng thêm do điều chỉnh hệ số tiền lương ngạch, bậc khi nâng ngạch, nâng bậc).

Trường hợp tính theo nguyên tắc trên, nếu mức tiền lương và thu nhập tăng thêm từ ngày 1-7 theo cơ chế đặc thù thấp hơn mức tiền lương theo quy định chung thì thực hiện chế độ tiền lương theo quy định chung.

Điều chỉnh lương hưu và trợ cấp bảo hiểm

Từ ngày 1-7, điều chỉnh tăng 15% mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng (tháng 6 năm 2024); đối với người đang hưởng lương hưu trước năm 1995 nếu sau khi điều chỉnh mà có mức hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh tăng 300.000 đồng/tháng, có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/tháng đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh để bằng 3,5 triệu đồng/tháng.

Điều chỉnh trợ cấp ưu đãi người có công theo mức chuẩn trợ cấp từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng/tháng (tăng 35,7%), giữ nguyên tương quan hiện hưởng các mức trợ cấp ưu đãi người có công so với mức chuẩn trợ cấp; điều chỉnh trợ cấp xã hội theo mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng/tháng (tăng 38,9%);

Quốc hội yêu cầu Chính phủ báo cáo Quốc hội việc thực hiện các điều chỉnh trên tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Quốc hội cũng giao ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quy định tiền lương, chế độ chính sách đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khác thuộc Văn phòng Quốc hội và các đối tượng khác thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm