Cô gái vàng Nguyễn Thị Oanh đi vào lịch sử

(PLO)- Chiếc HCV cá nhân thứ tư tại SEA Games 32 và là HCV thứ 12 trong các kỳ SEA Games của đời mình đã đưa “ốc tiêu” Nguyễn Thị Oanh trở thành ngôi sao lớn nhất của SEA Games 32. Thật kinh ngạc với những gì Oanh đã làm và đáng nể hơn khi Oanh từng suýt giã từ đường chạy vì bệnh nặng… 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 12-5, “ốc tiêu” Nguyễn Thị Oanh tiếp tục khiến hàng triệu người hâm mộ ngả mũ thán phục khi cô đoạt tiếp chiếc HCV thứ tư tại SEA Games 32 ở nội dung 10.000 m nữ.

Vẫn sải chân ngắn của cô gái chỉ cao 1,53 m nhưng tần số thì thật đáng nể, cô gái người Bắc Giang đã băng lên ở hai vòng cuối, vượt qua cả đồng đội đang giữ HCV cự ly này là Phạm Thị Hồng Lệ và băng về đích với một năng lượng đáng kinh ngạc.

Thành tích 4 HCV chắc chắn sẽ đưa “ốc tiêu” Oanh một lần nữa nhận danh hiệu VĐV xuất sắc SEA Games.

Nguyễn Thị Oanh với 4 HCV SEA Games 32 và 8 HCV các SEA Games trước đã trở thành VĐV điền kinh vĩ đại không chỉ ở Việt Nam mà cả các quốc gia châu Á về một cô gái nhỏ nhắn chỉ cao 1,53 m. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Nguyễn Thị Oanh với 4 HCV SEA Games 32 và 8 HCV các SEA Games trước đã trở thành VĐV điền kinh vĩ đại không chỉ ở Việt Nam mà cả các quốc gia châu Á về một cô gái nhỏ nhắn chỉ cao 1,53 m. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Ít ai biết được rằng thời điểm mới gia nhập đội năng khiếu điền kinh tỉnh Bắc Giang, Nguyễn Thị Oanh từng bị các HLV loại do cân nặng chưa tới 40 kg và cao chỉ xấp xỉ 1,50 m. Thế nhưng Oanh vẫn kiên trì tập luyện và chứng minh khả năng của mình ở những kênh khác.

“Hồi được nhận tháng lương đầu tiên, em vui lắm, mua ngay chỉ vàng về tặng mẹ. Vậy mà đến giờ mẹ vẫn còn giữ. Mẹ nói giữ làm kỷ niệm của con gái khổ cực trên đường chạy.”

Nguyễn Thị Oanh

Khi đã thi đấu đỉnh cao và có được chiếc HCB SEA Games đầu tiên tại SEA Games năm 2013 thì cô gái người Bắc Giang này bị triệu chứng phù nề và nhập viện, được chẩn đoán bị viêm cầu thận cấp.

Cô gái vàng Nguyễn Thị Oanh

Cô gái vàng Nguyễn Thị Oanh

Suốt hai năm từ 2014 đến 2016 là một thách thức nghiệt ngã khi quá trình chữa trị đã có lúc Oanh nghĩ rằng mình đã vĩnh viễn phải giã từ đường chạy.

Lỡ hẹn với SEA Games 28 - 2015 ở Singapore nhưng sự kiên trì của cô gái đầy nghị lực đã giúp Oanh trở lại và SEA Games 29 - 2017 đã đánh dấu một cô bé vàng. Khi mà chủ nhà Malaysia bất ngờ hủy nội dung sở trường 3.000 m vượt chướng ngại vật của Oanh thì ban huấn luyện buộc phải “chữa cháy” chuyển Oanh sang nội dung 1.500 m và 5.000 m. Và thật bất ngờ khi “ốc tiêu” Oanh đã giành hết 2 HCV và từ đó đến nay qua các SEA Games 2019, 2022 và bây giờ là SEA Games 32 - 2023, Oanh đã trở thành chân chạy vĩ đại nhất.•

Câu chuyện về nghị lực không bao giờ bỏ cuộc của Nguyễn Thị Oanh

Trên Facebook của mình, Nguyễn Thị Oanh từng đăng ảnh nằm gục ngã trên đường chạy với lời dặn dò: “Cuộc sống đâu chỉ có màu hồng, phải luôn thật mạnh mẽ nhé cô gái”. Dòng trạng thái đấy của Oanh đã là lời nhắn nhủ không chỉ cho riêng mình mà còn là một slogan mà giới trẻ hâm mộ Oanh hướng đến, tự dặn dò mình.

Oanh sinh trưởng trong gia đình làm nghề nông có đến tám anh chị em ở huyện Lạng Giang, Bắc Giang. Với con đường khổ luyện của mình, Oanh tâm sự: “Trong đội có tám VĐV theo tập nhưng đã bỏ nghề hết, chỉ còn mỗi mình em theo nghề. Ban đầu, bố là người không muốn em theo nghiệp thể thao chuyên nghiệp nhưng được sự động viên của người thân, bố đã đồng ý. Em vẫn nhớ mãi lời khuyên của bố, phải phấn đấu lên cao nhất con nhé! Hồi được nhận tháng lương đầu tiên, em vui lắm, mua ngay chỉ vàng về tặng mẹ. Vậy mà đến giờ mẹ vẫn còn giữ. Mẹ nói giữ làm kỷ niệm của con gái khổ cực trên đường chạy”.

Với những thành công vang dội tại đấu trường SEA Games, Nguyễn Thị Oanh đang trở thành gương mặt VĐV “hot” nhất làng thể thao Việt Nam khi hàng loạt doanh nghiệp sẵn sàng móc hầu bao trao thưởng cho cô gái vàng điền kinh.

ĐỨC TRƯỜNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm