Có thể báo cáo Quốc hội việc mở rộng cao tốc TP.HCM – Mỹ Thuận

(PLO)-  Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT nghiên cứu đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận lên 6-8 làn xe theo quy hoạch.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa có ý kiến giao Bộ GTVT chủ trì nghiên cứu và đề xuất đầu tư mở rộng đoạn tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương quy mô 8 làn xe, đoạn tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận quy mô 6 làn xe theo phương thức đầu tư đối tác công - tư (PPP) toàn tuyến.

Bộ GTVT cũng được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các địa phương có tuyến đường đi qua thống nhất loại hợp đồng phù hợp.

Trường hợp cần thiết báo cáo Quốc hội về việc áp dụng loại hợp đồng PPP và việc giao cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo việc đầu tư mở rộng được triển khai thuận lợi nhất có thể.

Cao tốc TP.HCM được đầu tư bằng nguồn ngân sách Nhà nước. Ảnh: V.LONG

Cao tốc TP.HCM được đầu tư bằng nguồn ngân sách Nhà nước. Ảnh: V.LONG

Tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương – Mỹ Thuận dài khoảng 110 km. Trong đó, đoạn TP.HCM – Trung Lương được đầu tư bằng ngân sách Nhà nước và vốn vay nước ngoài, với bốn làn xe, đưa vào khai thác từ tháng 2-2010. Đoạn Trung Lương – Mỹ Thuận được đầu tư bằng hình thức PPP, với quy mô bốn làn xe, đưa vào khai thác tháng 8-2022.

Do nhu cầu giao thông tăng cao, lượng xe lưu thông lớn, năm 2022, Bộ GTVT thống nhất về sự cần thiết nghiên cứu mở rộng tuyến trên theo quy hoạch là 6-8 làn xe. Đồng thời giao cho Ban Quản lý dự án 7 tổ chức lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư.

Nắm bắt nhu cầu trên, Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (chủ đầu tư đoạn Trung Lương – Mỹ Thuận) vừa kiến nghị Chính phủ xem xét kỹ hình thức đầu tư dự án trên.

Cụ thể, công ty này cho rằng nếu Nhà nước đầu tư công, Chính phủ cần bố trí nguồn vốn ngân sách khoảng 10.000 tỉ đồng cho đoạn TP.HCM - Trung Lương. Với cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2, Nhà nước phải chi khoảng 11.800 tỉ đồng đầu tư mở rộng và bố trí thêm vốn thanh toán cho nhà đầu tư giai đoạn 1 để bù phần hụt doanh thu do không thể thu phí.

Trên cơ sở đó, nhà đầu tư cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đề xuất phương án đầu tư PPP sẽ giảm phần vốn nhà nước, đáp ứng được tiến độ khai thác sớm, giảm chi phí từ ngân sách cho duy tu công trình.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, việc đầu tư tuyến TP.HCM – Trung Lương nếu theo hình thức PPP là trái luật. Bởi Nghị quyết 437/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) quy định hình thức BOT chỉ áp dụng khi đầu tư tuyến đường mới, không áp dụng cho tuyến đường hiện hữu.

Theo đó, Bộ GTVT muốn đầu tư cả tuyến này theo hình thức PPP phải báo cáo Quốc hội.

Cao tốc TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận là tuyến huyết mạch miền Tây Nam Bộ, giúp phương tiện rút ngắn thời gian từ TP.HCM đi Mỹ Thuận từ 3 tiếng nếu đi trên quốc lộ 1 còn 1 tiếng 45 phút.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm