Mới đây, Ban quản lý dự án 7 (Bộ GTVT) có cuộc làm việc với UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan để lấy ý kiến về báo cáo tiền khả thi dự án đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương lên 10 làn xe. Việc mở rộng tuyến cao tốc này sau 13 năm đưa vào khai thác được xem là rất cần thiết bởi tuyến đường này hiện đã quá tải.
Đề xuất mở rộng lên 10 làn xe
Cao tốc TP.HCM - Trung Lương có chiều dài gần 62 km, có bốn làn xe, hai làn khẩn cấp, tốc độ tối đa 100 km/giờ, khai thác từ năm 2010 đến nay. Tuyến cao tốc này bắt đầu thu phí từ năm 2011, đến cuối năm 2018 thì chấm dứt thu phí do hết hạn hợp đồng bản quyền thu phí. Tuyến cao tốc này hiện do Cục Quản lý đường bộ 4 (Tổng cục Đường bộ, Bộ GTVT) quản lý.
Toàn tuyến qua địa bàn TP.HCM, Long An và Tiền Giang. Điểm đầu tại Km10+000 (sau nút giao Chợ Đệm), thuộc địa bàn huyện Bình Chánh, TP. HCM. Điểm cuối tại Km49+620 (trước nút giao Thân Cửu Nghĩa), thuộc địa bàn huyện Châu Thành, Tiền Giang. Tổng chiều dài khoảng 39,6 km, được thực hiện theo hình thức đầu tư công.
Khi mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương giai đoạn 2 sẽ có thêm bốn làn xe để đạt quy mô tám làn xe cao tốc và hai làn dừng khẩn cấp. Tốc độ thiết kế 120 km/giờ với tổng mức đầu tư khoảng 9,765 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030 của Bộ GTVT.
Ông Trần Thiện Trúc, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Long An, cho biết từ năm 2019, tuyến đường dừng thu phí, lượng xe đi qua tăng khoảng 30% với hơn 50.000 lượt xe/ngày đêm khiến cao tốc thường xuyên xảy ra ùn tắc, tai nạn.
Tuyến cao tốc hiện hữu luôn trong tình trạng quá tải, nhất là vào dịp cuối tuần, lễ, tết. Ảnh: HUỲNH DU |
“Hiện tại, tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương không đáp ứng nhu cầu vận tải. Do đó, cần sớm nghiên cứu để đầu tư mở rộng tuyến cao tốc này theo quy hoạch, đáp ứng được nhu cầu lưu thông trên tuyến, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh miền Tây” - ông Trúc nói.
Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Long An kiến nghị trước mắt chủ đầu tư sớm chỉnh trang, sửa chữa hai nút giao cao tốc tại TP Tân An và huyện Bến Lức đã bị xuống cấp. Khi mở rộng cao tốc cần có đường kết nối với huyện Thủ Thừa bởi nơi đây có khu, cụm công nghiệp quy mô hàng ngàn hecta. Sau khi thi công cần hoàn trả đường dân sinh hai bên như cũ để không ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.
Sở GTVT tỉnh Long An đề xuất tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi năm 2023, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định và quyết định đầu tư vào năm 2024. Dự án được đề xuất khởi công vào năm 2025 và đưa vào khai thác năm 2027.
Chỉ cần có vốn là làm được ngay
Cuối năm 2022, Sở GTVT TP.HCM cũng đã có báo cáo gửi UBND TP.HCM về nghiên cứu phương án mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương lên tám làn xe và hai làn khẩn cấp, cùng với việc mở rộng các tuyến kết nối cao tốc theo quy hoạch.
Sở GTVT TP.HCM cho rằng cao tốc này được đưa vào khai thác giai đoạn 1 cách đây hơn 12 năm với bốn làn xe và hai làn khẩn cấp. Lượng xe đi lại trên tuyến đường này đang rất lớn, không đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.
“Do đó, việc sớm nghiên cứu mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương theo sở này là cần thiết và cấp bách. Dự án khi được mở rộng sẽ góp phần hoàn thành mạng lưới đường cao tốc theo quy hoạch đã được phê duyệt, đồng thời phát huy hiệu quả khai thác các cao tốc, vành đai đang triển khai” - Sở GTVT đánh giá.
Theo Sở GTVT TP.HCM, điểm thuận lợi nhất khi mở rộng tuyến cao tốc này là mặt bằng đã có sẵn, chỉ cần bố trí vốn là có thể thi công, xây lắp ngay.
Theo Khu quản lý đường bộ 4, năm 2022, phương tiện di chuyển trên cao tốc trung bình mỗi ngày đêm là 50.000 lượt. Quý I-2023, lượt xe bình quân mỗi ngày đêm tại hai trạm thu phí Chợ Đệm và Thân Cửu Nghĩa đã trên 80.000 lượt.
“Xe đông và di chuyển chậm, tốc độ 60-70 km/giờ so với tốc độ tối đa cho phép 100 km/giờ khiến tuyến đường được ví von như “đường làng”” - Khu quản lý đường bộ 4 nhận định.
Cũng theo đơn vị này, năm 2022 trên tuyến có 141 vụ tai nạn giao thông, làm bốn người chết và 27 người bị thương. Từ đầu năm đến cuối tháng 4-2023 toàn tuyến có 50 vụ tai nạn giao thông, làm 14 người bị thương, bốn người chết. Như vậy, cứ hơn hai ngày có một vụ tai nạn.
Ông Nguyễn Đình Dũng, Phó Giám đốc Khu quản lý đường bộ 4, cho biết ngoài ra, hiện năng lực thông hành của tuyến đường rất thấp, thường xuyên xảy ra ùn tắc kéo dài vào các giờ cao điểm, đặc biệt tại khu vực cửa ngõ TP.HCM.
Theo ông Dũng, trong khi chờ phương án mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương lên 10 làn xe, Khu quản lý đường bộ 4 sẽ phối hợp với lực lượng chức năng triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn trên tuyến.
Đơn vị này cũng đang triển khai các dự án sửa chữa, cải tạo mặt đường, bố trí lực lượng thanh tra giao thông, tuần tra đường nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm cùng các sự cố giao thông xảy ra trên tuyến đường này.
Bộ Giao thông vận tải ủng hộ
Bộ GTVT đánh giá cao tốc TP.HCM - Trung Lương được đầu tư và khai thác giai đoạn 1 cách đây hơn 10 năm. Hiện nay lưu lượng xe lưu thông trên tuyến là rất lớn, không đáp ứng được sự gia tăng của xe và nhu cầu đi lại của người dân, thường xuyên ùn tắc giao thông. Đặc biệt là vào các dịp lễ, tết, cuối tuần, không đảm bảo nhu cầu vận tải, lưu thông hàng hóa, hành khách và kết nối, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực.
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được khai thác giai đoạn 1 vào tháng 4-2022 đến nay đã chia sẻ lưu lượng, phương tiện giao thông, giảm ùn tắc giao thông cho Quốc lộ 1. Qua đó đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tiền Giang và khu vực ĐBSCL. Tuy nhiên, khi khai thác đồng thời cả tuyến TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận đã phát sinh một số bất cập do lưu lượng xe lưu thông trên tuyến quá lớn.
Để khắc phục bất cập nêu trên và sớm hoàn thành mạng lưới cao tốc theo quy hoạch được duyệt, việc sớm nghiên cứu đầu tư mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận là hết sức cần thiết. Bộ GTVT thống nhất với các địa phương về sự cần thiết nghiên cứu đầu tư mở rộng, hoàn thiện tuyến cao tốc này.
(Thông báo 352/2022 của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể về đề xuất đầu tư giai đoạn 2 cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận)