Sau khi Quảng Ninh, Cần Thơ, Sài Gòn FC bỏ giải vì không còn tiền lo cho CLB, cuộc chơi ở làng bóng chuyên nghiệp (V-League và hạng Nhất) có dấu hiệu lao đao vì một số đội bóng thiếu kinh phí hoạt động. Khánh Hòa là cái tên mới nhất nợ lương và các khoản lót tay cầu thủ không biết đến bao giờ nhà tài trợ bình thường trở lại.
Trong khi có những kẻ lần không ra thì cũng có người ăn không hết. CLB Công an Hà Nội vừa giới thiệu tân binh Quang Hải sau lần chia tay giải hạng hai Pháp với chi phí lót tay cho 1,5 năm không dưới 7 tỉ đồng. Cựu tiền vệ của Pau FC chỉ là một trong số nhiều tuyển thủ quốc gia góp mặt ở đội bóng tân binh sau khi lên hạng gần như xóa đi làm lại với dàn ngôi sao mới.
Khánh Hòa muốn bay cao lắm nhưng khổ nỗi nhiều cầu thủ cho biết họ đang mệt mỏi vì chưa nhận đủ lương và các khoản lót tay như hợp đồng. Ảnh: ANH PHƯƠNG |
Năm ngoái, Công an Nhân dân (tiền thân của Công an Hà Nội) chơi giải hạng Nhất chủ yếu dựa vào dàn quân của bầu Hiển và bầu Đức để thăng hạng V-League 2023. Họ mời về Giám đốc kỹ thuật Trần Tiến Đại nổi tiếng một thời ở nhiều đội bóng thích vung tiền mua sắm cầu thủ để làm mới nhân sự cho chủ sân Hàng Đẫy. Từ đây, rất nhiều cầu thủ khoác áo tuyển của mọi CLB tề tựu cùng hai lần thay tướng và Quang Hải là mảnh ghép mới nhất trong đội hình đầy sao.
Tương tự, Nam Định dưới sự chống lưng của nhà tài trợ mới cũng chạy đua mạnh mẽ trên thị trường chuyển nhượng với những con số khổng lồ, dù thầy trò HLV Vũ Hồng Việt có vị trí thứ tám sau 11 vòng đấu là chưa tương xứng. CLB Hà Nội của bầu Hiển dù không mua sắm rầm rộ như đội bóng láng giềng vẫn thừa quân cho người anh em SHB Đà Nẵng mượn cả quân lẫn tướng để chống chọi ở cuộc đua trụ hạng.
Thầy trò HLV Võ Đình Tân của Khánh Hòa chưa nhận 1,5 tháng lương gần đây, cùng các khoản lót tay cho nội, ngoại binh theo hợp đồng.
Trái ngược với sự thoải mái của số ít đội có quyền thế, tân binh Khánh Hòa đang chật vật lo cơm áo gạo tiền cho chặng đường còn lại sau khi nhà tài trợ thông báo nợ 18 tỉ đồng và gửi tâm thư lên cấp trên cầu cứu. Nó cũng đồng nghĩa với việc thầy trò HLV Võ Đình Tân chưa nhận 1,5 tháng lương gần đây, cùng các khoản lót tay cho nội, ngoại binh theo hợp đồng.
Cầu thủ Bình Định cũng từng bị nợ lương, nhà tài trợ trong mùa cuối cùng của hợp đồng đã gửi đơn lên UBND tỉnh xin cấp thêm khoản kinh phí 39 tỉ đồng trang trải cho mọi chi phí. Theo đó, CLB Bình Định mỗi năm có 100 tỉ đồng để hoạt động trong ba năm nhưng chưa qua nửa năm thứ ba thì ngân sách đã hao hụt.
CLB TP.HCM, SHB Đà Nẵng, SL Nghệ An, thậm chí là HA Gia Lai cũng không khá gì hơn khi phải liệu cơm gắp mắm vì thiếu tiền. Họ gần như đá không có thưởng và chơi theo kiểu tới đâu hay tới đó. Thật ngẫu nhiên, hầu hết nhóm đội “con nhà nghèo” này đều nằm chơi vơi ở nửa dưới bảng xếp hạng và rất khó ngoi lên nhóm sáu đội tranh vô địch giai đoạn 2 V-League khi cuộc chơi chỉ còn hai vòng đấu nữa.•
Căng thẳng nhóm giữa
V-League tái xuất vòng 12 cuối tuần này sẽ rất căng thẳng ở các đội nằm nhóm giữa bảng xếp hạng, tính từ Viettel (15 điểm, hạng năm) cho đến Khánh Hòa (12 điểm, hạng 11). Sau hai vòng nữa V-League sẽ tách nhóm, với sáu đội tốp dưới tranh trụ hạng và tám đội nhóm trên tranh ngôi vô địch. Hiện có bảy đội nhóm giữa sẽ tìm cách ngoi lên tranh hai suất vào nhóm trên cùng bốn đội dẫn đầu là Thanh Hóa (22 điểm), Công an Hà Nội (21 điểm), Hà Nội (19 điểm), Hà Tĩnh (17 điểm). Đáng chú ý nhất là hai đội chủ nhà Hải Phòng tiếp khách SHB Đà Nẵng (FPT Play trực tiếp lúc 19 giờ 15 ngày 24-6) và Viettel đụng độ B. Bình Dương (VTV5 trực tiếp lúc 19 giờ 15 ngày 25-6) có nhiều khả năng giành chiến thắng.
Đức Trường