Côn Đảo-Nơi những ký ức còn mãi

Côn Đảo-Nơi những ký ức còn mãi

(PLO)- Quá khứ đã khép lại. Côn Đảo hôm nay không còn là “Địa ngục trần gian” mà trở thành một điểm du lịch tâm linh, một trong những Di tích lịch sử quốc gia mà bất kỳ ai cũng muốn đến để tìm hiểu.

Tháng 7-2023, trong 80 cựu tù chính trị được mời ra thăm lại Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) dự các hoạt động tri ân nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ, có cụ Phan Thị Lý (80 tuổi, ngụ tỉnh Trà Vinh).

Dáng người nhỏ nhắn, bước đi hơi khó khăn, cụ Phan Thị Lý được một chiến sĩ trẻ bước tới dìu đi viếng các phần mộ liệt sĩ trong Nghĩa trang Hàng Dương.

Tôi cùng hai, ba cán bộ, chiến sĩ khác đi cùng với cụ Lý qua các khu mộ. Bên tai tiếng nhạc bài hát Côn Đảo của cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận- một bài hát bất hủ, sâu sắc nhất về vùng đất này mà rất nhiều thế hệ đã hát và thấm từng lời.

Cụ Phan Thị Lý-một trong các cựu tù chính trị Côn Đảo đi viếng Nghĩa trang Hàng Dương. Ảnh: TK

Cụ Phan Thị Lý-một trong các cựu tù chính trị Côn Đảo đi viếng Nghĩa trang Hàng Dương. Ảnh: TK

Vừa đi chúng tôi vừa trò chuyện, hỏi thăm cụ về quãng thời gian cụ bị giam ở Côn Đảo. Cụ Lý vẫn còn nhớ rất rõ ký ức hơn 11 năm tuổi trẻ với những đòn tra tấn dã man, thâm hiểm của địch ở nhà tù từng được mệnh danh là “Địa ngục trần gian”.

Nhà cụ Lý có 11 anh chị em, cụ là con thứ năm trong gia đình. Cũng như nhiều anh chị em trong nhà, cụ tham gia cách mạng từ năm 16 tuổi với vai trò giao liên. Năm 18 tuổi cụ Lý bị một nguồn tin quy hàng chỉ điểm nên địch vây bắt, tra tấn rồi đầy ra Côn Đảo.

Địch đã dùng đủ mọi cực hình, mưu sâu, kế bẩn tra tấn man rợ nhưng cụ Lý cũng giống như nhiều chiến sĩ bị giam ở Côn Đảo khi đó, nhất quyết không khuất phục...

Năm 1974, cụ Lý được trao trả, trở về lại quê hương. Năm anh chị em của cụ hi sinh, những người còn lại đã lập gia đình. Cụ Lý quyết định ở vậy chăm sóc ba mẹ, không lập gia đình riêng. Cụ Lý cũng tham gia một số hoạt động địa phương. Hiện cụ sống một mình bên cạnh gia đình người em gái.

Cụ Phan Thị Lý xúc động khi thắp nén nhang cho các liệt sĩ. Ảnh: TK

Cụ Phan Thị Lý xúc động khi thắp nén nhang cho các liệt sĩ. Ảnh: TK

Cụ Lý trở lại thăm Côn Đảo lần này là lần thứ ba. Được thăm, viếng Nghĩa Trang Hàng Dương, gặp lại những cựu tù chính trị Côn Đảo năm nào để cùng ôn lại những ký ức không thể nào quên cụ Lý rất vui, phấn khởi và xúc động…

Những câu chuyện, chia sẻ của cụ Lý cũng như nhiều câu chuyện của bao cựu tù khác đã từng nghe, đọc qua sách báo khiến những người trẻ sinh sau chiến tranh xa như chúng tôi không kìm được nước mắt.

Giữa Nghĩa trang Hàng Dương- nơi yên nghỉ của hàng vạn chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước qua nhiều thế hệ bị tù đày, chúng tôi thực sự xúc động. Được gặp những nhân chứng thực, chúng tôi có cơ hội để thực sự hiểu một cách rất sâu sắc về một thời kỳ đấu tranh của dân tộc vừa hào hùng, vừa bi thương còn in dấu nơi đây cũng như nhiều vùng miền khác trên cả nước…

Các chiến sĩ trẻ thắp nến tưởng niệm tại Nghĩa trang Hàng Dương. Ảnh: TK

Các chiến sĩ trẻ thắp nến tưởng niệm tại Nghĩa trang Hàng Dương. Ảnh: TK

Làm sao để những ký ức này còn mãi, để các thế hệ mai sau biết và nhớ tới một cách chân thực, đầy đủ khi những nhân chứng lịch sử ngày một lớn tuổi, mất đi; làm sao để chăm lo tốt nhất cho đời sống người có công, các thương binh, gia đình liệt sĩ…là vấn đề rất nhiều thế hệ, cũng như lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các Bộ, ngành, địa phương quan tâm.

Như Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu khai mạc Chương trình nghệ thuật “Bản hùng ca bất diệt” Kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh Liệt sĩ, tổ chức tại Côn Đảo chia sẻ, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta và mỗi người dân Việt Nam đã nỗ lực để hàn gắn và xóa mờ ký ức đau thương, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giàu mạnh, đẹp tươi, thanh bình, bền vững.

Côn Đảo hiện nay đã thay đổi, phát triển. Ảnh: TK

Côn Đảo hiện nay đã thay đổi, phát triển. Ảnh: TK

Sự nỗ lực kiên trì, bền bỉ đó được thể hiện bằng những thành tựu kinh tế - văn hóa - xã hội vượt bậc trong thời gian qua được bạn bè quốc tế và Nhân dân ghi nhận.

Tuy nhiên, mỗi người dân Việt Nam đều luôn ghi nhớ rằng mỗi phút giây bình yên mà hôm nay chúng ta được sống, được hưởng thụ từ nền độc lập- hòa bình đều có máu xương và hạnh phúc mà hàng triệu người Việt Nam năm xưa đã phải hy sinh, đánh đổi…

Côn Đảo trở thành điểm du lịch tâm linh, một trong những Di tích lịch sử Quốc gia mà bất kỳ ai cũng muốn đến...Ảnh: Mạnh Cường

Côn Đảo trở thành điểm du lịch tâm linh, một trong những Di tích lịch sử Quốc gia mà bất kỳ ai cũng muốn đến...Ảnh: Mạnh Cường

Thời gian qua, nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ưu đãi đối với người có công đã được ban hành, thực hiện đồng bộ, toàn diện và đa dạng. Đối tượng hưởng chính sách ưu đãi được mở rộng, các chế độ ưu đãi từng bước được bổ sung, hoàn thiện, từng bước nâng cao mức sống của người có công, thân nhân của người có công với cách mạng...

Quá khứ đã khép lại, cánh cửa nhà tù cũng khép lại. Côn Đảo hôm nay đã không còn là “Địa ngục trần gian” mà trở thành một điểm du lịch tâm linh, một trong những Di tích lịch sử quốc gia mà bất kỳ ai cũng muốn đến để tìm hiểu, tận mắt chứng kiến những mất mát, đau thương nhưng rất đỗi tự hào...

Đọc thêm