Ngày 31-10, tại khách sạn Hùng Vương, TP Quảng Ngãi, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM sẽ tổ chức hội thảo về nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà khảo cứu Nguyễn Vỹ nhân kỷ niệm 105 năm ngày sinh của ông. Đây là hội thảo đầu tiên về Nguyễn Vỹ trong toàn quốc với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu văn học trong cả nước.
30 nhà nghiên cứu gửi tham luận
Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi Lê Văn Sơn cho biết: Trong phong trào Thơ mới, ở Quảng Ngãi có ba tác giả là Bích Khê, Nguyễn Vỹ và Tế Hanh. Nhà thơ Tế Hanh đã được trao giải thưởng Hồ Chí Minh, được nhiều nhà nghiên cứu đề cập. Còn nhà thơ Bích Khê (qua đời sớm) nên Hội Văn học nghệ thuật đã tổ chức hội thảo về Bích Khê nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (1916-2016) và xuất bản tổng tập Bích Khê một trăm năm, dày khoảng 1.000 trang.
Riêng nhà thơ, nhà văn, nhà báo Nguyễn Vỹ đã có những đóng góp nổi bật trong văn học, báo chí Việt Nam giai đoạn 1930-1970 nhưng thông tin, dữ liệu về ông rất tản mát nên sau khi in tổng tập Bích Khê, anh em trong Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi băn khoăn: Cần phải làm gì để cho sáng tỏ hơn những đóng góp của tác giả Nguyễn Vỹ?
Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi đã có trao đổi với nhiều nhà nghiên cứu văn học, các nhà báo trong nước và được sự đồng tình. Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi cũng đã liên hệ và nhận được sự phối hợp nhiệt tình của Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM để triển khai thực hiện.
Qua triển khai, đã có 50 nhà nghiên cứu đồng ý viết tham luận về cuộc đời sự nghiệp văn chương, báo chí của tác giả Nguyễn Vỹ và đã có 30 nhà nghiên cứu gửi tham luận đến Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi như Đỗ Hải Ninh với tham luận Nguyễn Vỹ, người trí thức nước Việt; Lê Hương Thủy với tham luận Sáng tác của Nguyễn Vỹ nhìn từ tiểu thuyết; Thái Phan Vàng Anh với tham luận Nguyễn Vỹ và vai trò cách tân thơ tiếng Việt hiện đại; Nhật Chiêu với tham luận Ánh sáng và bóng tối trong “Đêm trinh” của Nguyễn Vỹ…
Cũng theo ông Lê Văn Sơn, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi, đã có những trước tác của tác giả Nguyễn Vỹ được tìm thấy như tập thơ đầu của ông in bằng tiếng Pháp năm 1934 mang tên Premiérs Poésies.
Tác giả Nguyễn Vỹ. Ảnh do nghệ sĩ nhiếp ảnh Bạch Ngọc Danh, cháu rể tác giả, cung cấp cho Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi trong dịp hội thảo. Võ Quý chụp lại
Suốt đời chỉ sống qua văn hóa
Tại hội thảo này, ngoài sự góp mặt của các nhà nghiên cứu còn có bà Nguyễn Thị Diệu Phương, con gái nhà thơ, nhà báo Nguyễn Vỹ, hiện định cư ở Pháp trở về. Qua email trao đổi, bà Diệu Phương kể: “Thực sự, khi được tin Quảng Ngãi tổ chức một hội thảo cho ba tôi, trước tiên tôi ngạc nhiên, rồi sau đó tôi rất xúc động. Ba tôi suốt đời chỉ sống qua văn hóa, sách này vừa xuất bản thì ba đã có một dự án khác trên bàn viết, vì ba tôi tin rằng ông có nhiệm vụ tham gia vào sự phong phú của nền văn hóa Việt Nam. Tất cả di sản đó bây giờ được hồi tưởng thì linh hồn của ba tôi chắc là được thanh tịnh.
Gia đình chúng tôi ở Đà Lạt, mẹ tôi làm ăn vất vả, nuôi hai anh em tôi ăn học toàn hảo. Ba tôi sống tại Sài Gòn, vì ba cần ở gần trung tâm văn hóa để dễ liên lạc với những nhà trí thức. Cho nên chúng tôi chỉ gặp ba vài lần trong năm. Tuy vậy, ba tôi rất yêu con và không phân biệt trai gái. Vài lần tôi có than thở là ít được gặp ba thì ba tôi cười êm ái, nói: “Tất cả nhân phẩm của ba nằm trong sách ba viết, vậy khi nào con nhớ ba thì con lấy sách ba ra đọc, thì cũng như là ba ở bên cạnh con”. Một kỷ niệm khác, ba tôi có được dịp đi Nhật Bản, khi về mua cho tôi một cái nhà bằng giấy. Ba thấy tôi hơi thất vọng vì căn nhà thô sơ, tường bằng giấy trắng, không trang hoàng chi cả thì ba tôi mới nói: “Con ơi, trên một bức tường trắng mình có thể chiếu bất cứ phong cảnh đẹp nào, bất cứ ý tưởng đẹp nào, sự trang hoàng chỉ cản trở trí tưởng tượng của mình, con ơi”. Ba tôi như thế đó”.
Qua hội thảo, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi cũng sẽ thành lập ban biên khảo tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Vỹ, những bài nghiên cứu để xuất bản tổng tập Nguyễn Vỹ.
Nguyễn Vỹ (1912-1971) quê ở làng Tân Phong (nay là xã Phổ Phong), huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi. Ông là con trai của nhà yêu nước Nguyễn Tuyên và bà Trần Thị Luyến và là anh họ của ông Nguyễn Nghiêm, Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi. Là nhà thơ, nhà văn, nhà báo với bút hiệu Tân Phong, Lệ Chi… Các tác phẩm tiêu biểu: Tập thơ đầu (1934) , Đứa con hoang (1936), Hoang vu(1962), Dây bí rợ (1957), Hai Thiêng liêng (1957), Mồ hôi nước mắt (1965), Tuấn chàng trai nước Việt I, II (1970), Tác phẩm biên khảo: Những người đàn bà lừng danh (1970), Văn thi sĩ tiền chiến (1970)… Ông từng tham gia bãi khóa để tang Phan Chu Trinh nên bị đuổi học. Sau đó ông ra Hà Nội học tú tài và cộng tác với các báo Tiếng Dân, tuần san Đông Tây, tạp chí Văn học. Năm 1942 ông bị Pháp bắt đi đày. Cách mạng tháng 8-1945 thành công, ông vào Sài Gòn tiếp tục hoạt động báo chí ở các báo Dân Ta, tạp chí Phổ Thông, Thằng Bờm… Ông mất năm 1971 ở Long An do tai nạn xe hơi. |