Chồng tôi quan tâm và chăm sóc con gái riêng của tôi như người thân. Khi chồng tôi bệnh nặng, con gái tôi đã trưởng thành là người trực tiếp chăm sóc. Nay chồng tôi mất không để lại di chúc. Vậy xin hỏi con gái của tôi có được hưởng tài sản thừa kế của cha dượng hay không?
Bạn đọc Nguyễn Thị Hoài (Củ Chi, TP.HCM)
Luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Do trước khi mất chồng chị Hoài không để lại di chúc nên di sản thừa kế của chồng chị sẽ được phân chia theo pháp luật.
Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 quy định những người hưởng di sản thừa kế theo pháp luật được chia thành ba hàng thừa kế sau:
- Hàng thứ nhất gồm: Vợ chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, con đẻ, con nuôi.
- Hàng thừa kế thứ hai gồm: Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
- Hàng thừa kế thứ ba gồm: Cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Căn cứ theo quy định trên thì con riêng của vợ, chồng không thuộc trường hợp hưởng di sản thừa kế của cha dượng, mẹ kế.
Tuy nhiên, người con riêng có thể được thừa kế di sản của cha dượng, mẹ kế nếu thuộc trường hợp được quy định tại Điều 654 Bộ luật Dân sự 2015. Cụ thể là con riêng và cha dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau.
Như vậy, nếu thật sự con gái riêng của chị Hoài và cha dượng có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau thì người con gái riêng của chị vẫn được hưởng di sản của cha dượng để lại.
Chị Hoài phải có các chứng cứ chứng minh về mối quan hệ này như là hộ khẩu, xác nhận nơi cư trú chứng minh con gái chị cùng chung sống với cha dượng… để cung cấp cho các cơ quan hoặc nếu có tranh chấp phát sinh.