Như đã đưa tin, chiều 18-3, một vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra tại cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ giữa xe cứu hỏa và xe khách khiến một cảnh sát PCCC tử vong và nhiều người bị thương.
Người lính trẻ ấy là Trung sĩ Chử Văn Khánh (25 tuổi, trú tại xã Vạn Phúc, Thanh Trì, Hà Nội). Sự ra đi đột ngột của Khánh khiến cả đại gia đình bất ngờ, đau đớn.
Ông Chử Văn Đỗ, cha Trung sĩ Chử Văn Khánh.
Bao công sức ăn học, ấy thế mà…
Ông Chử Văn Đỗ (56 tuổi, cha Trung sĩ Chử Văn Khánh) bần thần khi nhắc về đứa con trai xấu số của mình. Ngồi lật từng tấm giấy khen, trang sổ ghi nhật ký của con, nước mắt ông cứ rơi.
Khoảng hơn 16 giờ ngày 18-3, đang ngồi ở nhà thì nghen tin sét đánh, vợ chồng ông như rụng rời chân tay. Sau mấy phút định thần, ông lập cập cùng người thân gói ghém đồ đạc lên BV Bạch Mai thăm con.
“Lên tới nơi, nhìn thấy con máu me đầy người mà tôi như chết lặng, không dám tin đấy là con trai mình” - ông gạt nước mắt.
Khánh là con út trong gia đình có bốn anh chị em, trước Khánh là hai anh trai và chị gái đều đã lập gia đình. Nhà vốn thuộc diện khó khăn, chỉ mới thoát nghèo cách đây vài năm. Hằng ngày, ông Đỗ cùng vợ là bà Đặng Thị Tăng (59 tuổi) tảo tần bên ruộng đồng, chắt bóp từng đồng tiền thu được để cho con ăn học.
Ngay từ khi còn bé, cậu học sinh nhà nghèo đã ngưỡng mộ và thần tượng sự dũng cảm, không quản khó khăn của các chiến sĩ cảnh sát PCCC trong nhiệm vụ cứu người. Mong ước sẽ được đứng trong hàng ngũ của lực lượng CAND cũng từ đó mà lớn dần.
“Tôi có tâm sự với cháu vì sao lại muốn làm cảnh sát cứu hỏa, nó chỉ bảo vì trước đó thấy nhiều cảnh sát dũng cảm cứu người nên mong muốn duy nhất là được trở thành giống các anh để làm điều tương tự. Ấy vậy mà, bao nhiêu công sức ăn học, chỉ trong phút chốc nó đã bỏ vợ chồng tôi mà đi” - vị cha già sụt sùi.
Bà Đặng Thị Tăng, mẹ Trung sĩ Chử Văn Khánh.
Lần gặp con cuối cùng
Ông Đỗ cho hay cách đây gần một tuần Trung sĩ Khánh tranh thủ về thăm nhà nhưng hai cha con không có thời gian nói chuyện vì ông phải làm đồng. Không ngờ đó là lần cuối mà vợ chồng ông được gặp đứa con trai yêu dấu.
Trước ngày gặp nạn, ông được đơn vị thông báo thời gian tới sẽ cho con mình đi học lớp cảm tình Đảng, ông vui lắm. Thế nhưng mọi dự định của chàng lính trẻ cũng như niềm hy vọng của gia đình bỗng chốc tan biến.
Ngồi thất thần cạnh chồng, bà Đặng Thị Tăng vẫn chưa dám tin vào những gì đang diễn ra.
“Bây giờ tôi chẳng cần nó phụng dưỡng vợ chồng tôi nữa, chỉ cần nó về đây thôi...” - bà Tăng ôm mặt khóc.
Bà bảo biết PCCC là nghề nguy hiểm, phải đối mặt với nhiều rủi ro nên lúc nào cũng cầu mong cho con trai được khoẻ mạnh, an lành. Vậy nhưng, khi nghe hung tin, bà bị sốc hoàn toàn.
Rồi bà kể kỷ niệm với con cách đây hơn một năm, trong lúc tập luyện tại đơn vị, không may Khánh bị ngã gãy chân. Sau khi được bó bột, Khánh được đơn vị đưa về nhà để dưỡng thương.
“Từ ngày nó trưởng thành và đi học, có lẽ thời gian đó là nó ở nhà với vợ chồng tôi lâu nhất” - nước mắt người mẹ khắc khổ lại rơi.
Theo báo cáo của Cảnh sát PCCC Hà Nội, vụ tai nạn khiến năm hành khách và sáu cảnh sát bị thương vong. Số nạn nhân trên xe khách đã được đưa vào BV Việt Đức tiếp tục kiểm tra. Đối với các chiến sĩ, bốn đồng chí sau khi sơ cứu đã xuất viện, một chiến sĩ bị rạn xương quai xanh đang được điều trị tại BV 198. Người nặng nhất là Trung sĩ Chử Văn Khánh, dù được tận tình cứu chữa nhưng do vết thương quá nặng nên đã hy sinh. Hiện Cảnh sát PCCC Hà Nội đã có quyết định thăng cấp bậc hàm từ trung sĩ lên thượng sĩ đối với đồng chí Chử Văn Khánh, đồng thời báo cáo với Bộ Công an để làm thủ tục chính sách khác theo quy định. |