Con trăn đất lớn nhất mà kiểm lâm TP.HCM tiếp nhận được thả về Láng Sen

(PLO)- Con trăn đất nặng hơn 63kg cùng 34 cá thể động vật hoang dã vừa được Chi cục Kiểm lâm TP.HCM phối hợp thả về Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, tỉnh Long An.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Video: Con trăn đất lớn nhất mà kiểm lâm TP.HCM tiếp nhận được thả về Láng Sen

Ngày 31-5, Chi cục Kiểm lâm TP.HCM phối hợp với Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen (huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) thả tổng cộng 35 cá thể động vật hoang dã về môi trường tự nhiên.

35 cá thể động vật hoang dã bao gồm 5 loài như trăn đất (năm cá thể), rùa đất lớn (bảy cá thể), rùa răng (sáu cá thể), rùa cổ sọc (ba cá thể), rùa ba gờ (14 cá thể).

Kiểm lâm TP.HCM đã phối hợp với Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, tỉnh Long An thả các động vật hoang dã về tự nhiên. Ảnh: KL

Kiểm lâm TP.HCM đã phối hợp với Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, tỉnh Long An thả các động vật hoang dã về tự nhiên. Ảnh: KL

Số động vật hoang dã trên do các tổ chức, cá nhân tự nguyện giao nộp cho Chi cục Kiểm lâm TP.HCM từ trước.

Trong số này có con trăn đất nặng 63kg do ông Đặng Đình Quốc (55 tuổi, ở xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn) tự nguyện chuyển giao ngày 15-2 mà Báo Pháp Luật TP.HCM từng đưa tin.

Trong số này có con trăn lớn nhất trong vòng hơn 10 năm mà Kiểm lâm TP.HCM từng tiếp nhận. Ảnh: KL

Trong số này có con trăn lớn nhất trong vòng hơn 10 năm mà Kiểm lâm TP.HCM từng tiếp nhận. Ảnh: KL

Ông Quốc cho biết, hồi năm 2000, ông mua một con trăn con mới nở của một người bán dạo trên đường quốc lộ với giá 25 ngàn đồng để nuôi làm cảnh.

Sau 23 năm, con trăn hiện đã nặng hơn 63kg. Do lo sợ con vật sổng ra, gây hại cho người nên ông Quốc liên hệ với lực lượng kiểm lâm để bàn giao. Ông mong muốn con vật được chăm sóc, bảo hộ và thả về tự nhiên.

Bên cạnh đó là hàng chục con rùa quý hiếm. Ảnh: KL

Bên cạnh đó là hàng chục con rùa quý hiếm. Ảnh: KL

“Nhiều người bỏ tiền triệu, năn nỉ tôi bán để nấu cao nhưng gia đình nhất quyết không chịu. Tôi mong muốn con trăn được thả về tự nhiên”- ông Quốc nói và cho biết con vật hiền lành, dễ nuôi, chưa gây hại cho một ai.

Ông Quốc cho biết, trước đây thường mua nhái, bẫy chuột cho trăn ăn. Mấy năm gần đây, con vật quá lớn nên phải mua đầu gà ở chợ cho ăn. Mỗi lần con trăn ăn hết khoảng 10kg đầu gà.

Trước đó, gia đình ông Quốc ở huyện Hóc Môn đã bàn giao một con trăn đất với trọng lượng 63kg nuôi nhiều năm. Ảnh: NT

Trước đó, gia đình ông Quốc ở huyện Hóc Môn đã bàn giao một con trăn đất với trọng lượng 63kg nuôi nhiều năm. Ảnh: NT

Đây là con trăn đất cái, dài 4,5 mét, tên khoa học là Python bivittatus, thuộc nhóm IIB trong danh mục động vật rừng nguy cấp, quý hiếm.

Con trăn được cho là có kích thước lớn nhất trong hơn 10 năm nay mà lực lượng kiểm lâm TP.HCM tiếp nhận.

Trao đổi với PV, bà Ym, vợ ông Quốc cho biết gia đình vừa nhận được tin từ Chi cục Kiểm lâm TP.HCM thông báo rằng “thú cưng” đã được thả về tự nhiên. “Tôi và gia đình rất vui, như vậy nó đã an toàn, được trở về tự nhiên. Lâu nay cứ lo lắng cho con trăn” – bà Ym nói.

Gia đình ông Quốc cho biết rất vui khi biết tin con trăn đã được về môi trường tự nhiên. Ảnh: NT

Gia đình ông Quốc cho biết rất vui khi biết tin con trăn đã được về môi trường tự nhiên. Ảnh: NT

Sau thời gian cứu hộ tại Trạm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi, số động vật hoang dã trên được thả về môi trường tự nhiên.

Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen được UBND tỉnh Long An ra quyết định thành lập từ năm 2004, có tổng diện tích hơn 4.800 ha, gồm ba khu chính là nơi sinh sống của nhiều loài động thực vật quý hiếm như sếu đầu đỏ, cá tra dầu, cá hô,...

Năm 2015, nơi này được công nhận là khu Ramsar (khu vực ngập nước có tầm quan trọng quốc tế về sinh học và bảo tồn). Đây cũng là nơi hiếm hoi ở Việt Nam còn giữ được nét đặc trưng tự nhiên của hệ sinh thái đất ngập nước.

Láng Sen được hình thành từ những cánh rừng tràm bạt ngàn, những đồng năng xanh bất tận và những lung, trấp ngập nước trải dài từ Vĩnh Lợi, Vĩnh Đại đến Vĩnh Châu A (huyện Tân Hưng, tỉnh Long An). Nơi đây có hơn 140 loài chim cùng 156 loài thực vật.

Trong số này có nhiều loài quý hiếm như sếu đầu đỏ, giang sen, điên điển, đặc biệt là loài quắm đen.

Ngoài ra, khu bảo tồn này còn là “trại tị nạn” của nhiều loài động vật đặc trưng vùng Đồng Tháp Mười như rái cá vuốt bé, cua đinh, trăn gấm, rùa vàng... vốn đang có nguy cơ bị tận diệt.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Cách người trẻ ‘sạc pin’ để xua tan căng thẳng dịp đầu năm

Cách người trẻ ‘sạc pin’ để xua tan căng thẳng dịp đầu năm

(PLO)- Những tuần làm việc đầu năm, nhiều người trẻ đối mặt với hội chứng “căng thẳng sau mùa lễ hội” bởi dư âm của kỳ nghỉ Tết và du xuân còn đọng lại, cộng với áp lực công việc, cuộc sống khiến không ít người lo lắng, căng thẳng mệt mỏi.

Ra mắt thương hiệu TACERLA COFFEE tại Trân Châu Beach & Resort

Ra mắt thương hiệu TACERLA COFFEE tại Trân Châu Beach & Resort

(PLO)- Vừa qua, Công ty Cổ phần Du Lịch Thương Mại & Xây Dựng Trân Châu (thành viên Tập đoàn KN Holdings) đã tổ chức sự kiện ra mắt thương hiệu cà phê TACERLA COFFEE và khai trương nhà rang xay cà phê tại Khu du lịch và nghỉ dưỡng Trân Châu Beach & Resort tọa lạc tại TT. Phước Hải, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

H’Hen Niê và Quang Đăng kêu gọi ngừng ăn thịt thú rừng

H’Hen Niê và Quang Đăng kêu gọi ngừng ăn thịt thú rừng

(PLO)- Chiến dịch truyền thông với thông điệp “Con người có cặp, thú rừng có đôi; Ngừng ăn thịt thú rừng, góp thiện cho đời” kêu gọi toàn dân, chính quyền địa phương và các ban ngành cùng hành động vì động vật hoang dã.