Vòng xoay Lăng Cha Cả, quận Tân Bình, TP.HCM đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Đây cũng là điểm nóng về tình trạng ùn tắc giao thông thời gian qua. Tuy nhiên, hiện vòng xoay này đang “cõng” năm dự án giao thông, trong đó có nhiều công trình “khủng”. Người dân đang tỏ ra nghi ngại liệu việc thi công các dự án có diễn ra suôn sẻ hay lại khiến tình hình giao thông tại đây thêm rối loạn.
Phải đảm bảo đồng bộ
Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Tám, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết: Theo quy hoạch phát triển GTVT TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nút giao thông Lăng Cha Cả hiện được quy hoạch làm năm công trình giao thông (ngoài công trình cầu vượt hiện hữu) như sau: Tuyến đường trên cao số 1, tuyến đường trên cao số 2 (hai tuyến này giao nhau tại nút Lăng Cha Cả); tuyến đường sắt đô thị số 5 (đi qua Lăng Cha Cả) và tuyến đường sắt đô thị số 4b (kết nối Lăng Cha Cả với Tân Sơn Nhất - Công viên Gia Định) và công trình thứ năm là dự án cải tạo đường Cộng Hòa (từ hẻm số 2 đường Trần Quốc Hoàn đến đường Thăng Long).
Trả lời câu hỏi nhiều người lo ngại một nút giao thông trọng điểm lại có quá nhiều dự án đi qua sẽ gặp nhiều khó khăn trong triển khai thi công xây dựng, ông Tám nhìn nhận đúng là với quy hoạch các công trình giao thông như trên, thực tế khó có thể triển khai xây dựng đồng thời cùng lúc trên cùng một mặt bằng, nhất là các công trình có quy mô lớn như đường sắt đô thị, đường trên cao. Bởi vậy, trước khi triển khai một dự án trong khu vực, đơn vị tư vấn và chủ đầu tư phải căn cứ quy hoạch được duyệt để nghiên cứu, thiết kế công trình đảm bảo đồng bộ, bền vững. Dự án nào triển khai trước phải định hướng vị trí cho công trình triển khai sau để khi xây dựng thì không ảnh hưởng đến công trình đã xây dựng trước đó. “Khi giải quyết được vấn đề này thì sẽ tạo điều kiện kết nối giao thông giữa các hướng, các tuyến đường qua nút giao này tốt hơn” - ông Tám nhấn mạnh.
Cũng theo ông Tám, trong trường hợp nếu có triển khai xây dựng các công trình đồng thời trên cùng một mặt bằng thì sẽ có sự phối hợp chặt chẽ về tiến độ, phương án tổ chức thi công, phương án đảm bảo giao thông để hạn chế thấp nhất đến ảnh hưởng lưu thông của các phương tiện qua khu vực. Thực tế cho thấy vấn đề đảm bảo giao thông đã được thực hiện khá tốt trong điều kiện mặt bằng chật hẹp, khó khăn khi xây dựng cầu vượt tại các nút giao thông trong thời gian vừa qua.
Vòng xoay Lăng Cha Cả (quận Tân Bình, TP.HCM) thường xuyên xảy ra tình trạng ùn ứ, tắc nghẽn giao thông. Ảnh: HOÀNG GIANG
Phải làm trước quy hoạch tổng thể
Các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông cho rằng những băn khoăn của người dân là chính đáng. Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức, đồng tình để giải quyết ùn tắc ở cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay thì tuyến đường trên cao số 1 và số 2 đặc biệt quan trọng, cần phải tập trung đầu tư xây sớm. “Tuy nhiên, để tránh xung đột khi triển khai các dự án, theo tôi điều đặc biệt quan trọng là phải nghiên cứu, xây dựng quy hoạch tổng thể tại khu vực vòng xoay Lăng Cha Cả ngay từ bây giờ. Song song đó, cần chú trọng công tác tổ chức giao thông tại nút Lăng Cha Cả như tổ chức phân làn, phân luồng giao thông, bố trí hệ thống đèn tín hiệu hợp lý, lắp đặt hệ thống quan trắc để cảnh báo kịp thời sự cố giao thông” - TS Tuấn nhấn mạnh.
TS Lương Hoài Nam cũng cho rằng việc triển khai nhiều dự án nâng cấp, cải tạo giao thông ở nút Lăng Cha Cả là rất cần thiết. “Vấn đề là giữa các dự án cần phải được quy hoạch tổng thể về kết nối, phân luồng để phát huy hiệu quả chung. Các dự án sẽ được triển khai vào các thời điểm cách nhau khá xa, không làm một lúc, chính vì thế mới cần có một quy hoạch chung. Nếu hiện tại Sở GTVT TP chưa có bản quy hoạch chung như thế thì nên bắt tay vào làm sớm” - TS Nam đề nghị.
Năm dự án qua Lăng Cha Cả 1. Tuyến đường trên cao số 1: Đi trên cao đường Cộng Hòa - Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện - Hoàng Văn Thụ - Phan Đăng Lưu - Phan Xích Long nối dài đến cầu Phú An (qua các quận Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh) dài khoảng 9,5 km, rộng 17,5 m cho bốn làn xe lưu thông. Tổng vốn đầu tư khoảng 21.500 tỉ đồng, trong đó vốn bồi thường giải tỏa khoảng 10.000 tỉ đồng. 2. Tuyến đường trên cao số 2: Điểm đầu tại nút giao Lăng Cha Cả - Bùi Thị Xuân - cầu số 5 trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè - hẻm 656 Cách Mạng Tháng Tám - Bắc Hải - hẻm số 2 đường Thiên Phước, hẻm 654 đường Âu Cơ - dọc Công viên Đầm Sen - rạch Bàu Trâu - đường Chiến Lược - Hương lộ 2, kết thúc tại điểm giao với quốc lộ 1 (vành đai 2), chiều dài 11,8 km (qua các quận 3, 6, 10, 11, Tân Bình, Tân Phú và Bình Tân). Tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 15.840 tỉ đồng. 3. Tuyến đường sắt đô thị số 5: Dài hơn 24 km, lộ trình: Bến xe Cần Giuộc mới - quốc lộ 50 - Tùng Thiện Vương - Lý Thường Kiệt - Hoàng Văn Thụ - Phan Đăng Lưu - Bạch Đằng - Điện Biên Phủ - cầu Sài Gòn. Giai đoạn 1 (từ ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn) đã trình Thủ tướng. Giai đoạn 2 (từ ngã tư Bảy Hiền - Bến xe Cần Giuộc mới), Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP lập hồ sơ trình UBND TP xem xét. 4. Tuyến đường sắt đô thị số 4b: Kết nối Lăng Cha Cả - Tân Sơn Nhất - Công viên Gia Định, dài 5,2 km. Giai đoạn 1 (tuyến nhánh sân bay Tân Sơn Nhất) dài 2 km, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 250 triệu USD. 5. Dự án cải tạo đường Cộng Hòa: Từ hẻm số 2 đường Trần Quốc Hoàn đến đường Thăng Long, đã được Sở GTVT TP phê duyệt cuối năm 2016. Công trình dài khoảng 134 m, rộng từ 14 m đến 19 m, tổng mức đầu tư khoảng 141 tỉ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 114 tỉ đồng. Dự kiến đến quý I-2018 thực hiện xong giải phóng mặt bằng. Sau khi mặt bằng được bàn giao cho chủ đầu tư, công trình sẽ được khởi công xây dựng và hoàn thành trong 90 ngày. Nhằm xác định cụ thể quy mô, phạm vi nút giao thông và phục vụ công tác quản lý xây dựng đô thị, nghiên cứu dự án đầu tư, vừa qua UBND TP đã giao Sở QH-KT TP tổ chức lập quy hoạch chi tiết các nút giao thông quan trọng trên địa bàn TP. Hiện nay Sở QH-KT đang tổ chức thực hiện việc này. Ông NGUYỄN VĂN TÁM, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM |