Công nhân một DN Đài Loan tại KCN Việt Nam-Singapore đã trở lại làm việc. Ảnh: N.ĐỨC
Buổi gặp gỡ do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.
Tại cuộc gặp, lãnh đạo chính quyền các địa phương TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương cam kết không để lặp lại việc đập phá. Đại diện các bộ LĐ-TB&XH, Tài chính nêu hướng hỗ trợ như chỉ đạo của Thủ tướng trước đó…
Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, đề nghị: Các văn bản chỉ đạo, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, bộ, ngành và các địa phương nên được dịch ra tiếng Anh, tiếng Hoa để DN tiếp nhận chính thống và nhanh nhất.
l Cùng ngày, ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương có cuộc họp với lãnh đạo các sở, ngành, địa phương để đôn đốc việc thống kê, thẩm định thiệt hại. “Các sở, ngành, địa phương tiếp tục khẩn trương thống kê, thẩm định thiệt hại để tỉnh thực hiện công tác hỗ trợ cho các DN” - ông Cung nói.
Hiện đã có 97% DN và khoảng 95% công nhân ở Bình Dương đã hoạt động, đi làm trở lại và các hãng bảo hiểm đang xác minh để chi trả bảo hiểm cho các DN.
BHXH tỉnh Bình Dương cũng cho biết dự kiến đến hết tháng 6-2014 sẽ cấp mới, cấp lại và chốt được ít nhất khoảng 40.000 sổ BHXH cho người lao động. Trong đó, có khoảng 25.000 sổ của người lao động bị thất lạc trong những ngày qua.
Theo Thiếu tướng Võ Thành Đức - Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, tới nay công an tỉnh đã khám nghiệm xong hiện trường ở các DN bị thiệt hại và đây là căn cứ pháp lý quan trọng để giải quyết quyền lợi cho các DN. Công an các địa phương cũng bắt đầu trả lại tài sản cho các DN do người dân tự nộp và công an đi thu hồi. Đến nay công an đã khởi tố 713 bị can và đang tiếp tục sàng lọc để xử lý nghiêm các đối tượng.
Trong một diễn biến khác, dự kiến ngày 5-6, Tòa án thị xã Dĩ An sẽ xét xử ba vụ án với bốn bị can; tòa án một số huyện, thị cũng sẽ xét xử nhiều bị can khác liên quan đến vụ tuần hành gây rối ngày 13 và 14-5 vừa qua.
Q.HUY- N.ĐỨC