Công an TP.HCM đẩy mạnh phòng, chống tội phạm tại chung cư cao tầng

(PLO)- Công an TP.HCM đề ra một số giải pháp để phòng, chống tội phạm tại chung cư cao tầng. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 23-8, Công an TP.HCM phối hợp cùng Ủy ban MTTQ Việt Nam TP tổ chức hội nghị chuyên đề về “Phát huy vai trò của lực lượng Công an, hệ thống MTTQ và tổ chức chính trị- xã hội TP trong thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc tại các chung cư trên địa bàn TP.HCM”.

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý

Tại hội thảo, phía công an TP cho biết trong thời gian qua, công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc tại các chung cư cao tầng trên địa bàn TP luôn nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền.

Công an TP.HCM đẩy mạnh phòng, chống tội phạm tại chung cư cao tầng ảnh 1

Hội nghị do Công an TP.HCM phối hợp cùng Ủy ban MTTQ Việt Nam TP tổ chức. Ảnh: VÕ THƠ

Công an các đơn vị đã tích cực, tham mưu để đề ra các biện pháp, chỉ đạo công tác tuyên truyền phòng chống tội phạm và PCCC, cứu nạn cứu hộ tại các chung cư cao tầng. Đồng thời, phía công an đã thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền phù hợp với đặc điểm của từng địa bàn, từng đối tượng.

Trong đó, nổi bật nhất là việc Công an TP.HCM đã đẩy mạnh các ứng dụng CNTT, ứng dụng công nghệ Zalo, mạng xã hội thông qua các website, trang thông tin điện tử, fanpage, Facebook để thông tin kịp thời về tình hình an ninh trật tự đến người dân. Trên cơ sở đó, Ban quản lý, Ban quản trị các chung cư cao tầng tổ chức tuyên truyền cho cư dân về thủ đoạn, phương thức hoạt động của các loại tội phạm, nguyên nhân dẫn đến cháy nổ để cư dân đề cao cảnh giác.

Hiện, ban quản trị các chung cư cũng lập nhóm Zalo để trao đổi, chia sẻ thông tin cho cư dân. Cảnh sát khu vực chủ động tham gia vào các nhóm này để tương tác với cư dân về hành vi vi phạm pháp luật.

Dù vậy, Công an TP cũng nhận thấy vẫn còn nhiều điểm hạn chế trong việc phối hợp quản lý ở các chung cư. Nhiều nơi, lực lượng công an, Ban quản trị, Ban quản lý, tổ chức bảo vệ chung cư chưa có quy chế phối hợp chung, chưa mang lại hiệu quả cao trong trao đổi thông tin, còn nhiều sơ hở; nhất là với các hộ mua nhà, cho thuê nhà thay đổi liên tục gây khó khăn trong quản lý nhân hộ khẩu, kiểm tra hành chính và tuyên truyền phòng chống tội phạm, PCCC.

Công an TP cũng nêu, đa phần nhà ở chung cư có tính biệt lập, cư dân tại chung cư có lối sống khép kín dẫn đến những khó khăn nhất định cho lực lượng công an; một số chung cư xuống cấp, không có lực lượng bảo vệ, camare giám sát… gây khó cho công tác đảm bảo an ninh trật tự.

Đại diện Công an phường Tân Chánh Hiệp, quận 12 cho biết, địa bàn phường hiện có 2 chung cư với hơn 4.000 nhân khẩu. Cả hai chung cư này đều có mật độ dân số đông, đa phần là những hộ gia đình từ 3- 5 người, dân số trẻ, làm việc ở nhiều ngành nghề phân tán ở nhiều địa bàn trong và ngoài TP, thường xuyên di chuyển nhiều nơi, ít tập trung, thường ở nhà vào buổi tối.

Nắm được đặc điểm này, Công an phường đã bố trí đủ số CSKV, tham mưu cho Công an cấp trên bố trí thêm 3 CSKV, 2 người ở tổ phòng chống tội phạm phụ trách nắm tình hình trật tự tại chung cư.

Đại diện Công an phường Tân Chánh Hiệp, quận 12 nêu tình hình quản lý cư dân tại chung cư. Ảnh: VÕ THƠ

Đại diện Công an phường Tân Chánh Hiệp, quận 12 nêu tình hình quản lý cư dân tại chung cư. Ảnh: VÕ THƠ

Công an phường cũng nắm bắt các thông tin về người nước ngoài đang sinh sống tại chung cư để quản lý; phối hợp cùng cấp ủy, chi bộ chung cư… xây dựng quy chế phối hợp để đạt hiệu quả cao hơn trong công tác quản lý, tuyên truyền cho cư dân.

Khó khăn mà địa phương này gặp phải là việc quản lý số nhân khẩu. Chung cư có nhiều căn hộ, đông cư dân nhưng thường xuyên có sự biến động về chỗ ở.

“Những căn hộ chính chủ sinh sống chiếm đại đa số, nhưng do việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ chung cư thời gian qua khá chậm, nên có tình trạng ‘ người ở một nơi- hộ khẩu một nẻo’.

Số lượng nhà cho thuê ở chung cư cũ nhiều, dù theo quy định cư dân chuyển đến sinh sống trong vòng một tháng phải khai báo tạm trú nhưng nhiều người dân, nhất là người nước ngoài vẫn chưa nắm rõ, chưa có ý thức trong vấn đề này” – phía Công an phường nói.

Sự thiếu phối hợp của chủ đầu tư, chưa thống nhất với người dân về việc thành lập ban quản trị khiến cho người dân chưa đồng thuận, công tác kết nối với chính quyền địa phương vẫn còn khó khăn.

Phía công an phường đề xuất các ban, ngành, đoàn thể, ban điều hành, Ban quản trị chung cư cần phối hợp chặt chẽ với công an phường; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức, tập trung qua ứng dụng Zalo, các phương tiện truyền thông đại chúng…

Mô hình quản lý dựa vào đặc thù địa phương

Ông Hồ Văn Dòn, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 7 cho biết, đặc thù quận có nhiều người nước ngoài sinh sống với hơn 103 quốc tịch khác nhau, có khu đô thị Phú Mỹ Hưng với gần 20.000 người cư trú, làm việc tập trung nhiều nhất ở hai phường là Tân Phong và Tân Phú.

Số hộ người nước ngoài thường xuyên biến động, khu dân cư thường xuyên thay đổi chủ sở hữu và người sử dụng, khó cho công tác quản lý.

Các hộ dân tại đây đa số sống biệt lập, khép kín. Đối với cư dân nước ngoài với các đặc điểm văn hóa riêng biệt rất khó tiếp cận, tuyên truyền, vận động, lực lượng cán bộ chuyên trách hầu hết bị cản trở về ngôn ngữ khi giao tiếp.

Đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: THANH TUYỀN

Đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: THANH TUYỀN

Đối với những việc liên quan cần người nước ngoài biết và thực hiện, phường chủ động chuyển thông tin tới Trung tâm phục vụ khách hàng Phú Mỹ Hưng để đưa lên hệ thống bảng tin, thư ngỏ bằng tiếng Việt, Anh, Hàn..

Trong đợt bùng dịch COVID-19 lần thứ tư, quận đã chăm lo tốt cho người nước ngoài, miễn phí chi phí trọ trong ba tháng cao điểm, trao tặng 762 gói an sinh cho các trường hợp người nước ngoài khó khăn…

Bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP cho rằng, mỗi một địa phương cần phát động phong trào mỗi một nơi sẽ có một sáng kiến xuất phát từ đặc thù của địa phương đó. Theo bà Yến, không thể áp dụng các hình thức quản lý ở chung cư quận 7, nơi có nhiều người nước ngoài sinh sống với quận 5 hay quận 8.

Đối với những thông tin cần thiết cần tuyên truyền thì phải làm cho các tờ thông tin thu hút, bắt mắt, màu sắc sinh động, những cái ghi chú bằng hình ảnh dán cả bên ngoài lẫn bên trong thang máy, những nơi nhiều người qua lại để thông tin tuyền truyền đến người dân dễ dàng hơn.

Bà Yến cũng cho biết, phải xây dựng lực lượng nòng cốt để đưa vào ban quản trị tổ, đội bảo vệ chung cư để bắt được tình hình, tâm tư, nguyện vọng, bức xúc… để kịp thời giải quyết sự việc phát sinh.

Nhận hơn 2.000 tin báo từ người dân

Công an quận, huyện tại TP.HCM đã tổ chức 2.067 cuộc họp với 62.661 lượt người dự, phát hành 1.456.778 tờ tài liệu, phát loa lưu động được 81.297 lượt tuyên truyền vận động người dân đấu tranh ngăn chặn các hành vi phát tán, chia sẻ các nội dung vi phạm pháp luật trên không gian mạng…

Người dân đã đóng góp 2.182 ý kiến, cung cấp 2.585 tin báo, phối hợp cùng Công an bắt 572 vụ, 479 đối tượng.

Lực lượng BVDP cũng cung cấp 1.025 tin có liên quan đến trật tự, phối hợp giúp công an giải quyết 839 vụ về trật tự tại nhiều địa bàn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm