Công an TP.HCM xử lý tín dụng đen 'núp bóng' công ty

(PLO)- Theo Công an TP.HCM thời gian qua, hoạt động tín dụng đen diễn biến phức tạp, các đối tượng lợi dụng không gian mạng, lập công ty bình phong để tránh bị phát hiện.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Công an TP.HCM cho biết đã xuất hiện nhiều ứng dụng không rõ nguồn gốc về đơn vị chủ quản và có liên quan đến người nước ngoài có biểu hiện hoạt động liên quan đến "tín dụng đen".

Tín dụng đen "núp bóng" các công ty hợp pháp

Liên quan đến việc điều tra, xử lý tội phạm tín dụng đen, Công an TP.HCM cho biết, từ giữa tháng 12-2021 đến cuối năm 2022 đã tiếp nhận, phát hiện 165 vụ/158 người. Trong đó, đã khởi tố 33 vụ/55 bị can và đang điều tra xác minh 75 vụ/69 đối tượng.

Cảnh sát hình sự đã rà soát, phát hiện 37 công ty tài chính, 53 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, ba công ty luật, chín công ty mua bán nợ có biểu hiện hoạt động cho vay lãi nặng, thu hồi nợ trái pháp luật; 300 người có biểu hiện nghi vấn hoạt động “tín dụng đen", với 98 người có tiền án tiền sự.

Hồi cuối tháng 5, Công an TP.HCM phối hợp với các đơn vị liên quan bắt nhóm người cho vay qua các app và đòi nợ kiểu khủng bố. Ảnh: CA
Hồi cuối tháng 5, Công an TP.HCM phối hợp với các đơn vị liên quan bắt nhóm người cho vay qua các app và đòi nợ kiểu khủng bố. Ảnh: CA

Theo Công an, tội phạm tín dụng đen gây bức xúc trong dư luận và nhân dân TP. Các đối tượng dùng thủ đoạn “núp bóng doanh nghiệp” thành lập các công ty hợp pháp làm bình phong che giấu hoạt động phạm tội.

Để tiếp cận khách hàng, ngoài việc phát tán, rải tờ rơi, các đối tượng chuyển hướng sử dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội để tiếp cận người vay ở nhiều địa bàn, tại các KCN, khu dân cư.

Ngoài ra, một số cơ sở kinh doanh dịch vụ "cầm đồ" thành lập cơ sở, cửa hàng tại nhiều địa bàn, vừa hoạt động cầm cố tài sản vừa hoạt động cho vay.

Trong đó, Nguyễn Mạnh Hải (30 tuổi, Giám đốc Công ty thu hồi nợ Tiếng Nói Hay) được người Trung Quốc thuê mướn tổ chức hoạt động cho vay, đòi nợ kiểu khủng bố qua các app. Ảnh: CA
Trong đó, Nguyễn Mạnh Hải (30 tuổi, Giám đốc Công ty thu hồi nợ Tiếng Nói Hay) được người Trung Quốc thuê mướn tổ chức hoạt động cho vay, đòi nợ kiểu khủng bố qua các app. Ảnh: CA

Các cơ sở này biến tướng cho vay thành các hợp đồng vay mượn tiền không thể hiện lãi suất vay, các hợp đồng chuyển nhượng, mua bán tài sản với giá trị chuyển nhượng, mua bán thấp hơn nhiều so với giá trị thực tế sau đó cho người vay mượn lại tài sản để sử dụng.

Điều này nhằm che giấu mức lãi suất bất hợp pháp và tạo điều kiện khống chế người vay để thu nợ, cũng là ràng buộc pháp lý khi người vay không trả thì đề nghị cơ quan chức năng xử lý hình sự.

Tội phạm nước ngoài lợi dụng không gian mạng

Theo Công an TP.HCM, hoạt động cho vay qua mạng diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều ứng dụng không rõ nguồn gốc về đơn vị chủ quản, có liên quan đến người nước ngoài, biểu hiện hoạt động "tín dụng đen".

Các ứng dụng này thường xuyên thay đổi tên hoặc để ẩn thông tin nhằm tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng. Khi khách hàng cài đặt ứng dụng, để lại thông tin cá nhân, sẽ có người liên hệ, mời chào vay tiền và cài đặt các ứng dụng vay khác.

Giữa tháng 3, bảy người tại Địa điểm kinh doanh số 1 - Công ty Cổ phần mua bán nợ Việt Nam Thịnh Vượng bị công an khởi tố về hành vi cưỡng đoạt tài sản khi khủng bố ép người vay trả tiền. Ảnh: CA
Giữa tháng 3, bảy người tại Địa điểm kinh doanh số 1 - Công ty Cổ phần mua bán nợ Việt Nam Thịnh Vượng bị công an khởi tố về hành vi cưỡng đoạt tài sản khi khủng bố ép người vay trả tiền. Ảnh: CA

Các ứng dụng truy cập danh bạ, lịch sử tin nhắn, cuộc gọi, thông tin tài khoản mạng xã hội... có thể sử dụng vào mục đích trái pháp luật.

Thực tế khách hàng của các ứng dụng này chủ yếu là học sinh, sinh viên, công nhân viên, người thu nhập thấp... cần vay khoảng vài triệu đồng trong thời gian ngắn mà không muốn thực hiện các thủ tục vay tại ngân hàng, tổ chức tín dụng.

Khách hàng có thể không để ý hoặc bỏ qua quy định ràng buộc về lãi suất, phí, tiền phạt dẫn đến mức lãi suất phải trả cao hơn nhiều lần lãi suất của ngân hàng, phải vay của ứng dụng sau trả lãi cho ứng dụng trước.

Công an lập hồ sơ, lấy lời khai nhiều người liên quan ở Công ty mua bán nợ Việt Nam Thịnh Vượng. Ảnh: CA
Công an lập hồ sơ, lấy lời khai nhiều người liên quan ở Công ty mua bán nợ Việt Nam Thịnh Vượng. Ảnh: CA

Ngoài ra, có một số đối tượng lợi dụng uy thế của mình trong xã hội để hoạt động cho vay lãi nặng dưới hình thức hụi, họ nhằm đến một bộ phận tiểu thương, người kinh doanh nhỏ lẻ, thanh thiếu niên; các đối tượng cần tiền “vay nóng” phục vụ hoạt động kinh doanh, các nhu cầu bất chính, tiêu xài cá nhân hoặc sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật (như đánh bạc, sử dụng ma túy...).

Công an TP.HCM cũng cho biết, xuất hiện các đối tượng đăng ký thành lập Công ty tài chính, mua bán nợ, Công ty luật để kết nối, hợp tác với các Ngân hàng.

Các công ty này mua lại các khoản nợ xấu, nợ khó đòi dưới hình thức ký kết Hợp đồng pháp lý để đòi nợ. Để cưỡng đoạt tài sản của người vay, các đối tượng thường cắt ghép hình ảnh vu khống, xúc phạm người vay, thậm chí cả người thân, đồng nghiệp.

Để phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm này Công an TP.HCM đề xuất năm giải pháp, công tác như rà soát, quản lý các Công ty tài chính, tín dụng, các dịch vụ cho vay trực tuyến, vay qua ứng dụng điện thoại di động tại các căn hộ cao cấp, cao ốc cho thuê văn phòng, đặc biệt những Công ty có sự điều hành của người nước ngoài nghi vấn hoạt động cho vay qua App…

Đẩy mạnh công tác kiểm tra, quản lý, lên danh sách đối tượng hoạt động lưu động, đối tượng từ các tỉnh thành vào TP đang có biểu hiện hoạt động “tín dụng đen”, các đối tượng có tiền án tiền sự, nghiện ma túy... nhằm hạn chế việc tiếp tay cho hoạt động cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê núp bóng công ty mua bán nợ, phát sinh tội phạm…

Công an TP chỉ đạo các đơn vị tăng cường quản lý, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hoạt động thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác phục vụ hoạt động đòi nợ thuê núp bóng.

Tham mưu đề xuất UBND TP kiến nghị Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng, Công ty tài chính... mở rộng, có kế hoạch đa dạng các loại hình cho vay tiêu dùng, dịch vụ, giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục cho vay nhằm tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho người dân có thu nhập thấp qua kênh tín dụng chính thức.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm