Theo Công an TP Đà Nẵng, trong năm 2020, các án lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet tăng lên về tỉ lệ trong cơ cấu tội phạm hình sự.
Thủ đoạn lấy tiền tinh vi từ tài khoản
Ngày 25-11, Đội Cảnh sát hình sự, Công an quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng đã bắt tạm giam Đỗ Tân Thanh Nhã (21 tuổi, quê Quảng Trị) về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Theo điều tra, ngày 19-10, chị LTH (44 tuổi, ngụ phường Hòa Khê, quận Thanh Khê) đăng bán ô tô trên mạng thì Nhã sử dụng một tài khoản Zalo nhắn tin giả vờ hỏi mua. Sau khi trao đổi, Nhã chốt giá và xin số tài khoản của chị H. để chuyển tiền đặt cọc. Tuy nhiên, sau đó tài khoản ngân hàng của chị H. bị rút hơn 300 triệu đồng.
Thượng úy Võ Như Huy, cán bộ trinh sát Đội Cảnh sát hình sự (quận Thanh Khê), cho biết Nhã lên các trang web chuyên bán hàng qua mạng như Chotot, Batdongsan, Facebook bán hàng tìm người để lừa. Bị can này thường chọn những người rao bán tài sản giá trị lớn để liên lạc. Sau khi liên hệ với người bán, Nhã trả giá và chốt giá mua như thật.
Nghi phạm Đỗ Tân Thanh Nhã (trái) cùng tang vật là máy tính để lừa qua mạng và ma túy công an thu giữ tại nơi cư trú của Nhã. (Ảnh do công an cung cấp)
Tiếp đó, Nhã yêu cầu người mua nhắn thông tin tài khoản ngân hàng để chuyển tiền đặt cọc. Sau khi có tên ngân hàng, số tài khoản và tên của nạn nhân, bị can này sẽ gửi một tin nhắn có đường link trang web do mình quản lý. Trang web được Nhã làm giả giao diện như của một ngân hàng nước ngoài hoặc các dịch vụ chuyển tiền qua mạng như thật. Với trang web này, Nhã sẽ biết hết các thao tác của nạn nhân trên đó.
Bên cạnh đó, Nhã cũng đã tải sẵn app của tất cả ngân hàng. Khi nạn nhân thao tác trên trang web giả của Nhã để nhập các thông tin như tên đăng nhập, mật khẩu… thì nghi phạm này cũng cùng lúc nhập song song các thông tin này trên app ngân hàng.
Lệnh yêu cầu chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng của nạn nhân cho một người khác là do Nhã nhập. Cuối cùng, khi mã OTP của ngân hàng nhắn vào số điện thoại của nạn nhân và nạn nhân nhập vào trang web giả kia thì Nhã sẽ nhập vào app và lệnh chuyển tiền sẽ thực hiện thành công.
“Nhã luôn nói rằng mình đang ở nước ngoài để nạn nhân tin. Lúc này, nạn nhân sẽ đinh ninh trong đầu và cố gắng thao tác để nhận tiền từ nước ngoài. Khi tin nhắn báo về bị trừ tiền thì nạn nhân mới biết mình bị lừa…” - Thượng úy Huy nói.
Liên tục di chuyển để xóa dấu vết
Theo Trung tá Trần Văn Tuấn, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng), nếu công tác điều tra mà lần theo dấu vết của dòng tiền sẽ bị “cắt đuôi” ngay. Vì dòng tiền này sẽ được đăng ký một người có thật nhưng số điện thoại đăng ký Mobile Banking là của Nhã. Bị can Nhã có nhiều tài khoản tương tự như vậy nhưng đều không mang tên mình. Nhã luôn có thiết bị phát Wi-Fi. Khi đến một vị trí mới, Nhã sẽ thay đổi SIM khác để sử dụng cho thiết bị này. Nhã thuê ô tô để di chuyển, liên tục thay đổi khách sạn để xóa dấu vết. Nhã sử dụng rất nhiều SIM rác dùng để lập tài khoản Facebook, Zalo và liên lạc với nạn nhân. Xong mỗi phi vụ lừa đảo, Nhã sẽ vứt bỏ một số điện thoại.
Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện Nhã dương tính với ba loại ma túy khác nhau và khi bị bắt Nhã tàng trữ ba loại ma túy. Nhã còn khai lừa đảo rất nhiều người khác với tổng số tiền hàng tỉ đồng. Công an đang mở rộng điều tra.
Theo Trung tá Trần Văn Tuấn, thời gian qua có rất nhiều nạn nhân bị lừa qua mạng đến công an quận trình báo. Theo đó, án lừa đảo qua mạng chiếm 1/4 án hình sự, chỉ sau tội trộm cắp tài sản. “Những vụ án lừa đảo nghi phạm chủ yếu ở những địa phương khác, sau khi gây án xóa dấu vết rất nhanh nên công tác điều tra, phá án mất nhiều thời gian và phải sử dụng rất nhiều nghiệp vụ, kỹ thuật công nghệ cao” - Trung tá Tuấn nói.
Vào giữa tháng 9-2020, Đội Cảnh sát hình sự (quận Thanh Khê) bắt tạm giam vợ chồng Lương Văn Hậu (21 tuổi) và Phan Kim Ngân (19 tuổi, cùng ngụ Khánh Hòa) do lừa đảo người khác qua mạng.
Theo điều tra, Hậu và Ngân đều không có việc làm, mê chơi game. Ngân nảy sinh ý định lừa đảo để kiếm tiền. Cô này lên mạng tải những clip có nội dung về việc thêu tranh và đính đá rồi đăng lên mạng giả vờ tìm thợ gia công.
Sau đó, chị TNTN (18 tuổi, ngụ quận Thanh Khê) vào liên hệ để nhận thêu gia công. Ngân nói thuê gia công hai bức tranh trên với giá 6 triệu đồng. Với thù lao tiền công này so với thị trường là khá cao. Ngân cho biết sẽ ứng trước 3 triệu đồng và yêu cầu chị N. cho số tài khoản để mình chuyển tiền. Tiếp đó, Ngân dùng phần mềm chỉnh sửa ảnh một lệnh chuyển thành công 4,5 triệu đồng gửi cho chị N. Ngân nói số tiền này ngân hàng đang giữ lại, chị N. phải chuyển lại 1,5 triệu đồng mới kích hoạt được và nhận số tiền 4,5 triệu đồng trên. Tin lời, chị N. đã chuyển cho Ngân. Tiếp tục, Ngân lấy lý do chị N. chuyển tiền trễ nên bên ngân hàng đã hủy giao dịch. Nhiều lần như thế, Ngân đã lừa chị N. tổng cộng gần 20 triệu đồng và cắt liên lạc với nạn nhân.
Trước đó, vào tháng 2-2020, công an đã bắt tạm giam Hà Quý Công (20 tuổi, ngụ TP Hải Phòng). Nghi phạm này không có khẩu trang y tế nhưng giả vờ đưa lên mạng là có hàng rồi lừa chị NTML (25 tuổi, ngụ quận Thanh Khê) 14 triệu đồng.