ÁN THAM NHŨNG “TRIỆU ĐÔ” - BÀI 2

Công nghệ lấp lỗ phí “bôi trơn”

Hai nhà nghiên cứu Vito Tanzi và Hamid Davoodi (Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF) trong công trình nghiên cứu của mình đã chỉ ra rằng do các dự án đầu tư công đều có quy mô lớn, lượng vốn đầu tư đôi khi là rất lớn nên rất dễ phát sinh nạn hối lộ, tham nhũng. Vấn đề là tệ nạn này có thể xuất phát từ hai phía, hoặc là doanh nghiệp chủ động “giở trò”, hoặc là doanh nghiệp bị rơi vào một môi trường đầu tư mà “văn hóa phong bì” là chuyện bình thường.

Doanh nghiệp đút lót vì lợi “khủng”!

Các dự án đầu tư công có giá trị triệu đô, có khi lên tới tỉ đô thường được Nhà nước chuyển giao cho các doanh nghiệp tư nhân trong nước, hoặc doanh nghiệp nước ngoài thực hiện theo cơ chế đấu thầu hoặc chỉ định. Đối với các doanh nghiệp tư nhân, nếu “vớ” được các dự án đầu tư công như xây dựng bệnh viện, trường học, đường sá, cầu cống… thì đó là một cơ hội lớn hứa hẹn lợi nhuận “khủng”.

Nói về cám dỗ từ lợi ích khổng lồ của dự án đầu tư công, Vito Tanzi và Hamid Davoodi nhấn mạnh: “Đó là lý do vì sao doanh nghiệp tư nhân sẵn sàng chủ động bỏ ra một khoản lớn phí “bôi trơn” cho một số quan chức chủ chốt, người đóng vai trò “tay trong” để có thể nhận được quyền thực hiện dự án”.

Điển hình như mới đây, tờ Yomiuri Shimbun đưa tin ông Tamio Kakinuma, Chủ tịch Tập đoàn Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC), đã ký vào biên bản thừa nhận hành vi đưa tiền hối lộ khoảng 100 triệu yen (978.300 USD) cho lãnh đạo ngành đường sắt tại một số nước như Uzbekistan, Indonesia và có cả Việt Nam. Theo ông Tamio Kakinuma, tập đoàn này hối lộ để giành được các hợp đồng tư vấn thiết kế cho những dự án đường sắt ở các nước sử dụng vốn ODA từ lượng tiền khổng lồ do Nhật Bản viện trợ.

Thực tế còn cho thấy tại nhiều quốc gia, không ít các doanh nghiệp còn “nuôi” hẳn một bộ phận có vai trò “thân cận” và tiếp xúc thường xuyên với các quan chức lãnh đạo, để từ đó thông qua “phong bì đen” vận động hành lang (lobby), gây ảnh hưởng đến chủ trương và chính sách kinh tế-chính trị nhằm trục lợi.

 
Bức ảnh cảnh báo tình hình tham nhũng đã lên đến đỉnh điểm và thông điệp “Hãy dừng nó lại”. Ảnh: harvardpolitics.com

Tập quyền dễ sinh tham nhũng

Song song với việc doanh nghiệp, hay các cá nhân chủ động đút lót vì muốn tranh giành lợi ích, Vito Tanzi và Hamid Davoodi cũng lưu ý: “Đôi khi việc hối lộ hay vấn nạn phí “bôi trơn” còn do cơ quan nắm quyền lực quyết định đối với dự án đầu tư công yêu cầu phía doanh nghiệp, hay các cá nhân phải “chìa tiền ra”. Quyền lực được quyết định trong tay một hoặc một số ít người (tập quyền), cộng với việc nắm bắt được tâm lý “mong muốn trúng thầu thu lợi” của doanh nghiệp, hay “mong muốn mọi chuyện trơn tru” hơn đã khiến các quan tham bật tín hiệu với doanh nghiệp, cá nhân về tiền “vào cửa” tiếp cận dự án, hoặc “phí ủng hộ”.

Đơn cử như năm 2013 vừa qua, nước Mỹ tiếp nhận vụ bê bối trong việc “mua phiếu ủng hộ” bất hợp pháp trong quá trình tranh cử chức thị trưởng, mà dấu ấn của người cầm quyền là rất lớn. Tờ New York Times cho biết ông Joseph J. Savino, Chủ tịch đảng Cộng hòa tại quận Bronx (New York), đã yêu cầu thượng nghị sĩ Malcolm A. Smith, ứng cử viên chức thị trưởng TP New York, đút lót 25.000 USD để đổi lại chữ ký ủng hộ của ông. Tương tự, ông Vincent Tabone, Phó Chủ tịch Đảng Cộng hòa tại quận Queens (New York), cũng đòi Malcolm A. Smith lót tay 50.000 USD nếu Smith muốn có chữ ký ủng hộ của ông để tranh cử thị trưởng.

Trong các lĩnh vực đầu tư, nhiều công trình nghiên cứu chỉ rõ quy trình phê duyệt dự án đầu tư luôn mang lại nhiều cám dỗ khó có thể cưỡng lại đối với các quan chức. Ví dụ, một dự án xây dựng dân dụng đòi hỏi rất nhiều các quyết định liên quan đến đặc điểm kỹ thuật, thiết kế, các quy định về đấu thầu (giới hạn trong một công ty duy nhất hay mở cửa cho mọi doanh nghiệp), giám sát đấu thầu, đàm phán đấu thầu, phê duyệt hồ sơ dự thầu và cả quá trình ký kết hợp đồng. Đó là chưa kể sau khi hoàn thành dự án, phía quan chức sẽ đưa ra yêu cầu xác minh tính hoàn chỉnh của dự án so với hợp đồng…

 
Để đạt được các lợi ích cá nhân, nhiều quan chức sẵn sàng “ra giá” với các quyết định của mình. Ảnh minh họa: smashwords.com 

Ở mỗi công đoạn, “luật chơi” đều có thể được đặt ra để các quan chức kiếm chác. Ví dụ, chỉnh các thông số kỹ thuật của thiết kế để ưu tiên cho một doanh nghiệp nào đó; hoặc “bán” các thông tin nội bộ cho doanh nghiệp tại thời điểm phát hành hồ sơ dự thầu để doanh nghiệp “biết trước đường đi” mà thắng thầu dễ dàng.

Dĩ nhiên, khi có đồng tiền can thiệp thì tính công bằng trong hoạt động đấu thầu, chỉ định nhà thầu đã bị mất đi. Doanh nghiệp buộc phải vào thế chạy đua “phong bì đen” nếu muốn có cơ hội nhận dự án. “Tại một số nước, doanh nghiệp sẽ bất lực trước các dự án đầu tư công nếu không đảm bảo được tiền hối lộ cho các quan chức” - Vito Tanzi và Hamid Davoodi cho hay.

Hậu quả: Xã hội phải gánh phí "bôi trơn"

Trong cuộc chơi mà cả doanh nghiệp và quan chức nhà nước đều hướng tới cái lợi thì thủ đoạn mà cả hai sử dụng đều trở nên đa dạng và tinh vi. Vito Tanzi và Hamid Davoodi đã chỉ ra rằng không quá khó để “hô biến các chi phí “bôi trơn”, hối lộ thành các khoản chi trả mà cả quan chức và doanh nghiệp đều trở thành những kẻ “vô can” về mặt thiệt hại lợi ích”.

Thủ đoạn thường được quan chức lẫn doanh nghiệp sử dụng là “tăng giá trị đầu tư” dự án đầu tư công trong quá trình thực hiện. Thường thì thủ đoạn này được doanh nghiệp và quan chức ngầm thỏa thuận trước khi đấu thầu. Trong quá trình dự án diễn ra, doanh nghiệp và quan chức viện cớ “kết cấu dự án thay đổi” thông qua các thủ thuật mang tính kỹ thuật, nhằm hút thêm tiền vào dự án để có thể “ăn chia”.

Đối với những dự án quy mô lớn và rộng như đường sá, cầu cống, trường học hay bệnh viện, các doanh nghiệp “bù phí bôi trơn” bằng cách “rút ruột công trình”. Những khoản phí “bôi trơn” tuy lớn nhưng so với giá trị đầu tư của cả dự án thì “chưa thấm vào đâu”. Thế nên bằng nhiều thủ thuật tinh vi trước sự nhắm mắt làm ngơ của quan chức đã nhận tiền hối lộ, doanh nghiệp thu lợi bằng cách cắt xén nguyên liệu, giảm các chỉ tiêu về chất lượng công trình, thậm chí giảm cả chỉ tiêu an toàn công trình, gia tăng bóc lột sức lao động nhân công.

Đặc biệt, đối với một số hợp đồng thầu theo kiểu cộng thêm chi phí, các doanh nghiệp có thể thu hồi phí “bôi trơn” bằng cách nâng cao giá các chi tiết trong quá trình thực thi dự án. Họ biện hộ rằng “giá thị trường vật liệu tăng, hay các yếu tố khách quan tác động…” để nhà nước phải đổ thêm tiền.

Vito Tanzi và Hamid Davoodi kết luận: “Khi các dự án đầu tư công có chuyện “bôi trơn”, hối lộ thì suy cho cùng người dân đóng thuế phải chịu thiệt vì phải bỏ tiền ra nhiều hơn và nhận lại công trình có chất lượng kém hơn, thậm chí là độ an toàn không cao”. Đối với các quốc gia đang phát triển có nhu cầu phát triển hạ tầng và dự án công, nếu để vấn đề “bôi trơn” tồn tại thì áp lực lên ngân sách, chất lượng hạ tầng, cùng các vấn đề nợ công… sẽ ngày càng nặng nề, phình to hơn.

ĐẠI THẮNG

 

Dự án càng lớn, nguy cơ tham nhũng càng cao

Các dự án đầu tư càng lớn càng mang về khoản lợi nhuận khổng lồ cho doanh nghiệp. Trong khi đó, quyền lực càng cao thì hiện tượng lạm quyền càng lớn. Vậy nên, ở nhiều nước, quyền quyết định tuy vẫn thuộc vào chữ ký của một hoặc vài người nhưng quyền được biết là quyền chung.

Tại Mỹ, EU, hay gần hơn là Singapore, ban quản lý dự án sử dụng hệ thống chính phủ điện tử để quản lý dự án. Khi thông tin minh bạch thì ít quan chức nào dám vi phạm.

PV

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm