ÁN THAM NHŨNG “TRIỆU ĐÔ” - BÀI 1:

Những vụ tham nhũng đình đám thế giới: Muốn gian lận, cứ chi đậm!

LTS: Hai nghi án công ty Nhật hối lộ quan chức đường sắt Việt Nam khoảng 780.000 USD để đổi lấy việc trúng thầu dự án ODA và một số cán bộ cấp cao ở Hà Nội nhận “bôi trơn” 2,8 triệu USD từ một dự án tại TP.HCM lại lần nữa báo động về vấn nạn tham nhũng đối với những người có chức, có quyền. Ở các nước, thủ đoạn hay cách thức phát hiện, xử lý các vụ tham nhũng loại này khác gì nước ta?

Tại nhiều nước, tệ nạn tham nhũng, hối lộ từ lâu đã trở thành “khối u” của quốc gia. Ngoài những “khối u” lành hoặc nhỏ và không để lại nhiều di chứng nhờ phát hiện kịp thời thì cũng có những “khối u” ác tính mà hệ lụy để lại là những khoản tiền triệu, thậm chí là tỉ USD mà người gánh không ai khác chính là nhân dân.

400 năm tù vì “làm luật” để nhận hối lộ

Mới đây, tờ báo Foxnews đưa tin một thượng nghị sĩ của tiểu bang California (Mỹ) có tên Ron Calderon phải hầu tòa vì hành vi nhận hối lộ. Ông đã nhận 100.000 USD tiền mặt, nhận lời mời tham gia vào những chuyến đi tốn kém, đồng thời nhận sự dàn xếp chuyện công ăn việc làm không đúng quy định cho con cái của ông. Đổi lại, ông đã đẩy mạnh việc ban hành và thực hiện một số điều luật có lợi cho một bệnh viện liên quan đến việc gian lận thanh toán, tham gia vào một vụ dàn xếp thuế ngành công nghiệp điện ảnh.

Có cả thảy 24 cáo trạng liên bang tố cáo thượng nghị sĩ Ron Calderon, một đảng viên thuộc đảng Dân chủ xuất thân từ một gia đình chính trị có tiếng tăm tại vùng ngoại ô Los Angeles. Công tố viên cho rằng ông này là “nhà lập pháp giả mạo, dùng quyền lực và sự ảnh hưởng của mình để làm giàu bất chính cho bản thân và gia đình”.

Cụ thể, thông qua quyền lực và sức ảnh hưởng của mình, Ron Calderon đã sử dụng thông điệp “chi trả để tham gia được cuộc chơi” đối với những ai muốn được ông ủng hộ. Từ đó ông tha hồ trích xuất tiền hoặc yêu cầu các lợi ích tài chính khác. Các công tố viên cho biết các khoản hối lộ bao gồm các chuyến đi thưởng ngoạn đến Las Vegas, những chuyến bay trên chiếc chuyên cơ tư nhân mà không phải ai muốn cũng được, các khoản tiền từ doanh nghiệp làm phim, từ các bệnh viện gian lận trong thanh toán…

Năm 2013, nhóm tin tặc nổi tiếng Anonymous tấn công vào ít nhất 36 trang web của chính phủ Philippines để kêu gọi người dân tham gia một cuộc biểu tình chống nạn tham nhũng trong chính phủ. Ảnh: Wikipedia.com

Đặc biệt, cơ quan điều tra còn cáo buộc Ron Calderon nhận hối lộ thông qua việc yêu cầu một số doanh nghiệp, bệnh viện dàn xếp việc làm cho con trai lẫn con gái của ông với mức lương cao, bất chấp con ông không làm việc hoặc có làm nhưng không đáng kể. Chi tiết hơn, để đổi lấy lợi ích từ các điều luật mở rộng tín dụng thuế cho ngành công nghiệp điện ảnh do Ron Calderon ban hành, các hãng phim thuê con gái của ông làm việc với mức lương 3.000 USD/tháng. Tương tự, một nhà quản lý BV Long Beach liên quan đến việc lừa đảo y tế đã thuê con trai của ông làm việc với mức lương 10.000 USD cho mỗi mùa hè. Chưa kể người anh của vị thượng nghị sĩ này còn bị buộc tội đã rửa tiền hối lộ thông qua một nhóm người được miễn thuế.

Tuy thượng nghị sĩ Ron Calderon không nhận tội nhưng Chủ tịch Thượng viện bang Pro Tem Darrell Steinberg đã kêu gọi ông từ chức hoặc nghỉ phép. Bởi lẽ ngài chủ tịch lo ngại nếu Ron Calderon tiếp tục làm việc thì sẽ làm ảnh hưởng đến hàng loạt công việc quan trọng trong năm. Các công tố viên cho biết: “Nếu bị kết tội theo các cáo trạng, Ron Calderon có thể phải đối mặt với mức án gần 400 năm tù, người anh của ông có thể lãnh 160 năm tù”.

Tổng thống hối lộ nhận án tù chung thân

Philippines là một trong những quốc gia có không ít các vụ tham nhũng lên đến hàng tỉ USD và có liên quan trực tiếp đến các tổng thống. Theo Báo cáo tham nhũng toàn cầu (2004) của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, trong 10 trường hợp tham nhũng của quan chức nhà nước trong suốt hai thập niên (tính đến 2004) có quy mô lớn nhất lịch sử các quốc gia trên thế giới thì có đến hai trường hợp đến từ Philippines.

Tờ Daily Inquirer (Philippines) ngày 11-9-2013 dẫn lại tin cựu tổng thống Philippines Joseph Estrada (giữ chức tổng thống từ 1998 đến 2001) đã bị cáo buộc có hành vi tham nhũng ngay trong cung điện. Ông Joseph Estrada bị tố đã nhận số tiền trị giá khoảng 11,7 triệu USD tiền bảo kê từ Luis “Chavit” Singson - Thống đốc tỉnh Manila. Ông cũng bị cáo buộc đã ép các hệ thống an sinh xã hội mua cổ phiếu để ông nhận được khoản tiền hoa hồng lên tới 4,7 triệu USD; nhận hối lộ các sòng bạc và biến tiền thuế thành tài sản cá nhân.

Sự phản đối của ông Joseph Estrada cùng với việc chưa đủ chứng cứ đã khiến phiên tòa xét xử Joseph Estrada kéo dài sáu năm, từ năm 2001 đến ngày 11-9-2007. Sau đó, mặc dù thoát khỏi án tử hình nhưng Joseph Estrada cũng phải nhận tù chung thân. Ngoài ra, vị cựu tổng thống còn bị tuyên phạt 15,5 triệu USD, tịch thu một khu biệt thự mà ông đã mua bằng tiền hối lộ.

Dân phải trả nợ tới 2025!

Điều đáng lưu ý là tờ Daily Inquirer nhấn mạnh trường hợp nhận hối lộ, tham nhũng của ông Joseph Estrada vẫn chưa là gì so với “thành tích” của cố tổng thống Ferdinand Marcos (giữ chức tổng thống từ 1972 đến 1986).

Năm 2006, Báo cáo của Ủy ban Trong sạch Chính phủ thuộc phủ tổng thống Philippines (viết tắt là PCGG) chỉ rõ Ferdinand Marcos và các quan chức thân cận của ông đã tham nhũng số tiền trị giá 100 tỉ USD khi Ferdinand Marcos còn cầm quyền.

Tờ Daily Inquirer dẫn lời David Wurfel trong một bài viết năm 1976 mô tả Ferdinand Marcos là một người có sự “xảo quyệt” bậc nhất. Kỹ năng chính trị của ông được xem là “có một không ai” trong lịch sử Philippines và được ví là một trong những “đệ tử” thích hợp nhất của Machiavelli, một trong những người đầu tiên xây dựng nền khoa học chính trị hiện đại. Một số chuyên gia đánh giá: “Ông sử dụng các quyền lực và kỹ xảo một cách thành thục, đảm bảo đối thủ phải sợ hãi trước khi ông sử dụng bạo lực”.

Trên thực tế, Ferdinand Marcos đã thực hiện hành vi tham nhũng trên quy mô rộng, mức độ sâu. Năm 2006, PCGG điều tra tập trung vào giả thuyết Ferdinand Marcos đã “bỏ túi riêng” hơn 4 tỉ USD sau các hợp đồng rượu bia, thuốc lá với một tài phiệt bậc nhất châu Á. PCGG còn nghi ngờ số tài sản trị giá 79 triệu USD mà Ferdinand Marcos và gia đình ông sở hữu là tiền tham nhũng trong việc quyết định dự án nhà máy điện nguyên tử trị giá 2 tỉ USD vốn không được vận hành.

Ngoài ra, cơ quan điều tra tham nhũng Philippines còn tìm ra các khoản tiết kiệm, cho vay, tài sản bao gồm động sản và bất động sản trị giá hơn 450 triệu USD mà dư luận vẫn đặt dấu chấm hỏi rất lớn đối với năng lực thu nhập của Ferdinand Marcos. Phát biểu trước báo chí, ông Nicasio Conti, người phụ trách về tài sản nước ngoài của PCGG, hồi năm 2006 cho biết tổng cộng có hơn 500 vụ liên quan đến hối lộ, tham nhũng, phí “bôi trơn” mà vị tổng thống được đánh giá là tài ba này dính líu.

Trong bài “Tham nhũng tại Philippines: Tồi tệ nhất là thời Marcos”, tác giả John Nery bình luận: “Hậu quả mà cố tổng thống để lại vẫn còn dai dẳng”. Trong một tuyên bố của chính phủ Philippines năm 2012, trong 20 năm cầm quyền của ông Ferdinand Marcos, nợ nước ngoài của Philippines từ khoảng 1 tỉ USD lên đến hơn 25 tỉ USD. Cơ quan chức năng nước này nhấn mạnh nhiều lần: “Ước tính 1/3 của tất cả món nợ nước ngoài, khoảng 8 tỉ USD đã đi vào túi riêng hoặc túi của những người thân cận của ông Ferdinand Marcos. Đất nước sẽ tiếp tục trả nợ cho đến năm 2025”.

ĐẠI THẮNG

* Nguồn tham khảo: Foxnews.com; Opinion.inquirer.net; Infoplease.com; plo.vn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm