Án tham nhũng “triệu đô”(*) Bài cuối:

“Gọng kìm” siết chặt mối nguy hối lộ

Tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới như Singapore, Hà Lan, Hong Kong…, công tác phòng, chống tham nhũng diễn ra rất tích cực và hiệu quả.

Singapore: Mô hình “kiềng bốn chân”

Singapore là một trong 10 quốc gia có nạn tham nhũng thấp nhất thế giới. Ông Koh Teck Hin, Cục trưởng Cục Điều tra chống tham nhũng Singapore (CPIB), chia sẻ trên trang web Viện Phòng ngừa và Xử lý tội phạm tại Khu vực Viễn Đông và châu Á của LHQ (UNAFEI) rằng: “Việc chống tham nhũng của Singapore đạt được thành tựu nhờ dựa trên bốn yếu tố chính: Luật pháp hiệu quả, hành động hiệu quả, xử lý hiệu quả và quản trị hiệu quả”.

Pháp luật Singapore xác định cụ thể quyền và nghĩa vụ của người dân, cơ quan chức năng trong tố cáo, xử lý tham nhũng. Các khung hình phạt đối với tội phạm tham nhũng cũng rất rõ ràng. Ví dụ, CPIB có quyền đưa các trường hợp “có tài sản nhưng không minh định, giải thích được nguồn gốc tài sản” ra trước tòa án để chất vấn, làm rõ. Thậm chí tòa án có thể tuyên xử tội hối lộ dù quan chức đó chứng minh được lượng tiền, tài sản ông ấy nhận không phải để đổi một chữ ký đồng thuận, một quyết định có lợi cho người đưa hối lộ. Đơn giản hơn, nhận hối lộ thông qua các hình thức trá hình như nhận phong bì lì xì, quà cáp lễ tết cũng có thể rơi vào tầm ngắm của CPIB.

Để chống tham nhũng hiệu quả hơn, Singapore dựa vào CPIB như một “con bài chiến lược”. CPIB là cơ quan độc lập và duy nhất có quyền điều tra khi nghi ngờ. Đặc biệt, khi dân nghi ngờ và yêu cầu điều tra các đối tượng dính líu đến hối lộ và tham nhũng, kể cả thủ tướng hay bộ trưởng thì CPIB phải vào cuộc. Không ai có quyền chi phối hành động CPIB, trừ quyền phán quyết đúng sai trong hành động của CPIB từ một cơ quan giám sát độc lập, là đại diện của người dân.

Cuối cùng, Singapore áp dụng tư duy “phòng ngừa hơn chữa trị” vào công tác chống tham nhũng trong mô hình quản trị hiệu quả. Quy định đối với các quan chức, công chức nói chung cũng chỉ rõ: “Không vay tiền từ những người mà quan chức có những quan hệ lợi ích chính trị-kinh tế-xã hội; không được vay các khoản tiền lớn hơn ba lần tiền lương tháng của mình mà không cần đảm bảo hay cam kết cá nhân; không dùng chức vụ hay thông tin chính thức nào để thực hiện các công việc mang tính cá nhân; không nhận bất kỳ lợi ích nào, từ quà cáp đến những dịch vụ giải trí từ công chúng…”. Những quy định tương tự như trên nhằm giúp công chức thoát khỏi “bẫy tham nhũng”.

 
Hơn cả những thảm họa tự nhiên khác, tham nhũng để lại những hậu quả nặng nề nên tất cả quốc gia quyết phải có những giải pháp để loại trừ. (Ảnh minh họa: abundanttruth.files)

Hong Kong: Giải pháp “ba mũi tên”

Hong Kong tuy vẫn chưa vào tốp 10 các quốc gia và vùng lãnh thổ ít nạn tham nhũng nhất thế giới nhưng đây lại là nơi có tốc độ xóa bỏ tham nhũng rất nhanh và hiệu quả. UNAFEI cũng đăng tải chia sẻ kinh nghiệm ngăn ngừa tham nhũng ở Hong Kong của Chủ tịch Ủy ban Độc lập Chống tham nhũng Hong Kong (gọi tắt là ICAC) Thomas Chan.

Theo đó, năm 1974, ICAC được thành lập nhằm đối phó nạn tham nhũng diễn ra tràn lan trong lực lượng cảnh sát và các thành phần quan chức khác của khu vực nhà nước. ICAC có nguyên tắc ba mũi tên bao gồm: Giám sát điều tra, phòng ngừa hơn chữa trị và giáo dục. Ba mũi tên hoạt động thông qua ba cơ quan trực thuộc tương ứng: Phòng điều hành, Cục Phòng chống tham nhũng và Phòng quan hệ công chúng.

Phòng điều hành có nhiệm vụ tiếp nhận thông tin, các báo cáo và các ý kiến hay đơn khiếu nại hành vi tham nhũng. Nguồn thông tin gửi về rất đa dạng và đường dây nóng chống tham nhũng luôn hoạt động 24/24 giờ. Việc điều tra và thực thi pháp luật chống tham nhũng của Phòng điều hành buộc phải minh bạch vì nó luôn thu hút sự chú ý của đông đảo dân chúng và giới truyền thông. Các nhân viên ICAC được trao nhiều quyền như kiểm tra tài khoản ngân hàng, kiểm tra các tài liệu kinh doanh mật; quyền được yêu cầu các đối tượng bị tình nghi cung cấp thông tin chi tiết về tài sản, thu nhập và chi tiêu. Ngoài ra, họ còn có quyền bắt giữ người bị tình nghi tham nhũng để điều tra mà không cần lệnh bắt và thời gian giam giữ tối đa là 48 giờ; quyền được khám xét nơi ở, nơi làm việc và ngăn chặn người bị tình nghi bỏ trốn…

Cục Phòng, chống tham nhũng có nhiệm vụ cốt yếu là ngăn chặn tham nhũng trong các tổ chức bằng cách thường xuyên kiểm tra các hoạt động nội bộ, đồng thời đề xuất những hệ thống quản trị có khả năng phòng, chống tham nhũng. Hệ thống quản trị này đảm bảo sự minh bạch và hiệu quả, hoạt động với phương châm “phòng ngừa hơn chữa trị” đã giúp công tác phòng, chống tham nhũng của Hong Kong thành công hơn.

Trong khi đó, Phòng quan hệ công chúng chịu trách nhiệm về giáo dục và giám sát đạo đức của giới lãnh đạo trong ICAC. Đơn vị này huy động sự ủng hộ và đồng thuận chính trị của người dân trong việc đấu tranh chống lại tham nhũng thông qua các chương trình truyền thông đại chúng. Đồng thời, tổ chức những chương trình chuyên biệt phù hợp với từng đối tượng khác nhau. Mục tiêu của các hoạt động này là đưa hiểu biết về luật chống hối lộ vào các trường học ngôn ngữ, trường trung học, đại học và doanh nghiệp... Phòng quan hệ công chúng của ICAC còn hợp tác, liên kết với các văn phòng công chúng địa phương và những đơn vị có điều kiện tiếp cận dư luận công chúng. Nhờ đó, ICAC nắm giữ được một lượng hồ sơ rất lớn cũng như tạo được niềm tin để người dân sẵn sàng chia sẻ thông tin.

Vị chủ tịch ICAC còn cho biết ủy ban này còn liên hệ, hợp tác với các đơn vị liên quan như Cảnh sát Hoàng gia Canada, Cảnh sát Liên bang Úc, Văn phòng Điều tra Liên bang Mỹ cũng như thường xuyên phối hợp thông tin với khu vực châu Á-Thái Bình Dương để đảm bảo phạm vi và hiệu quả hoạt động chống tham nhũng.

Huy động người dân giám sát, sẵn sàng tố cáo

Ông Thomas Chan nhấn mạnh yếu tố quan trọng để ICAC hoạt động hiệu quả chính là sự ủng hộ của người dân. Các chương trình xây dựng lòng tin của người dân được thiết kế còn để nâng cao nhận thức, tinh thần sẵn sàng lên án và tố cáo hành vi tham nhũng kịp thời. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là khi được trao quyền quá lớn thì liệu ICAC có xảy ra tham nhũng? Ông Thomas Chan cho hay: “ICAC sẽ bị giám sát một cách nghiêm ngặt, mọi hoạt động của nhân viên ICAC đều được theo dõi một cách kỹ lưỡng, minh bạch, đúng quy trình”.

Đặc biệt, luật pháp chống tham nhũng của Hong Kong quy định đại diện của người dân có quyền tham gia giám sát quá trình ngăn chặn, phòng, chống tham nhũng của các cơ quan, bộ phận điều tra của ICAC. ICAC chỉ có quyền được điều tra chứ không có quyền được khởi tố như các cơ quan công tố. Thêm nữa, có ít nhất sáu nhà lập pháp giám sát và nếu cần thiết thì đối chất các vấn đề tài chính để đảm bảo nhân viên ICAC cũng phải chấp hành luật minh bạch tài sản như mọi công dân khác.

Chưa dừng ở đó, bốn ủy ban cố vấn xuất thân là các thành viên từ tất cả ngành nghề trong xã hội sẽ đại diện dân giám sát và chất vấn ICAC. Trong đó một ủy ban cao cấp sẽ đánh giá chính sách tổng thể của ICAC, còn ba ủy ban kia sẽ phụ trách giám sát ba phòng ban tại ICAC để đảm bảo ICAC hoạt động theo đúng thẩm quyền và trách nhiệm. Như vậy sẽ không có chuyện cơ quan điều tra phòng, chống tham nhũng nào có thể “dựa vào quyền hành” mà qua được tai mắt của người dân.

 

Nhận bao nhiêu, nộp phạt bấy nhiêu!

Ông Koh Teck Hin, Cục trưởng Cục Điều tra Chống tham nhũng Singapore, đưa ví dụ: “Nếu anh hối lộ, tham nhũng 1 triệu đôla thì anh phải nộp phạt cho nhà nước đủ số tiền đó”. Thậm chí có những trường hợp người phạm tội phải nộp phạt đến hai lần.

Đơn cử trường hợp nhân viên quản lý cho một công ty đa quốc gia bị CPIB phát hiện nhận hối lộ 300.000 USD. Ông này bị tòa hình sự kết án 10 tháng tù giam và buộc nộp phạt 300.000 USD, bằng số tiền mà ông đã đút túi.

Sau đó công ty nơi ông làm việc tiếp tục đâm đơn kiện ra tòa dân sự và yêu cầu thu hồi số tiền mà ông đã tham nhũng khi còn làm việc cho họ. Dù kháng cáo vì cho rằng mình đã chịu án tù và nộp phạt nhưng vị quản lý này vẫn phải chịu thêm một bản án dân sự nữa, cụ thể là phải trả thêm cho phía công ty 30.000 USD.
ĐẠI THẮNG

(*) Xem từ số báo thứ Bảy, ngày 29-3

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm